Dân Việt

Cảnh báo công nghệ lạc hậu theo dòng vốn FDI Trung Quốc đang “sơ tán” sang Việt Nam

Nguyên Phương 15/07/2019 07:30 GMT+7
TS Nguyễn Đức Thành nhận định chiến trạnh thương mại Mỹ Trung tăng cao và hiệp định CPTPP khiến Trung Quốc đầu tư ngày càng nhiều hơn vào Việt Nam. Nếu không chọn lọc, FDI Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro về công nghệ cũ, môi trường, lao động… Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình cải cách thể chế của Việt Nam trong quá trình ký kết các FTA thế hệ mới.

img

Tăng trưởng vốn đầu tư từ khu vực FDI vào nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2019

Công nghệ lạc hậu theo dòng vốn FDI Trung Quốc “sơ tán” sang Việt Nam?

Thời điểm cách đây 2 tuần, ngày 30/6/2019, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU được ký kết sau 9 năm đàm phán, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từng nhận định: “Với việc ký kết hiệp định EVFTA, bên cạnh việc bảo đảm những nguyên tắc về tự do và công bằng thương mại, hai bên còn có tầm nhìn chung về phát triển bền vững.

Việt Nam đang hướng tới một thế hệ FDI mới chất lượng hơn, có công nghệ cao hơn, có GTGT lớn hơn, thân thiện với môi trường hơn. Hiệp định EVFTA là cơ hội để các doanh nghiệp EU thực hiện điều này”.

img

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Song từ nay tới khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, nền kinh tế Việt Nam đã và đang liên tục đón nhận dòng vốn FDI từ các quốc gia láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc. Dòng vốn này hiện đang tập trung chủ yếu vào mảng lắp ráp, gia công.

Đây là một tín hiệu mà theo nhận định của ông Vũ Tiến Lộc, là bên cạnh những nhà đầu tư có sự dịch chuyển để hạn chế tác động của chiến tranh thương mại Mỹ Trung, bản thân Trung Quốc cũng đang có nhu cầu đầu tư ra bên ngoài nhằm thải loại các công nghệ cũ.

Ông Lộc dự báo: "Trung Quốc đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới về công nghệ, tạo nên bước nhảy vọt để cạnh tranh. Do đó, họ buộc phải thay thế rất nhiều công nghệ. Các công nghệ này sẽ được đẩy sang các nước láng giềng và Việt Nam chắc chắn là nơi được tìm đến. Các doanh nghiệp trong nước vì thế phải rất lưu ý điều này.

Nếu các doanh nghiệp Việt Nam ôm những dây chuyền có công nghệ lạc hậu, Việt Nam sẽ không cạnh tranh được không chỉ trong việc xuất khẩu mà còn thua ngay trên sân nhà. Rõ ràng, áp lực cạnh tranh là rất lớn trong bối cảnh Trung Quốc muốn nâng cao công nghệ và diễn biến leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ Trung”.

img

Báo cáo nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho thấy dòng vốn đầu tư nước ngoài Việt Nam đang tăng trưởng, nhưng thể hiện sự bất ổn qua các quý từ năm 2018 đến nay.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, chiến tranh thương mại Mỹ Trung bắt đầu từ năm 2018 được hi vọng sẽ gia tăng dòng vốn vào Việt Nam nhưng thực tế không phản ánh điều đó. Trong 6 tháng đầu năm 2019, vốn FDI tăng 9,7%, tức cao hơn mức 8,5% của cùng kì năm 2018, nhưng chưa đuổi kịp được tốc độ của khu vực ngoài nhà nước. Tính đến cuối tháng 6/2019, 1.723 dự án cấp phép mới số, tăng 26,1%; vốn đăng ký đạt 7.411,8 triệu USD, giảm 37,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là nơi thu hút FDI lớn nhất, chiếm 73,4% tổng vốn đăng ký cấp mới.

img

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR

Về đối tác, trong 6 tháng đầu năm Trung Quốc tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất với tổng số vốn đăng ký mới đạt 1.676,8 triệu USD. Các vị trí tiếp theo thuộc về Hàn Quốc với 1.239,2 triệu USD, Nhật Bản với 972 triệu USD, Hongkong với 920,8 triệu USD.

“Căng thẳng thương mại Mỹ Trung tăng cao và hiệp định CPTPP khiến Trung Quốc đang đầu tư ngày càng nhiều hơn vào Việt Nam, hiện tại tổng vốn đăng ký mới của riêng Trung Quốc đã chiếm 22,6% tổng vốn. Tuy nhiên, nếu không có chọn lọc, doanh nghiệp FDI Trung Quốc tiềm ẩn đem lại nhiều rủi ro về công nghệ cũ, tác động môi trường, điều kiện lao động… Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình cải cách thể chế của Việt Nam trong quá trình ký kết các FTA thế hệ mới”, TS. Nguyễn Đức Thành thông tin.

Điểm mạnh - yếu của kinh tế Việt Nam nhìn từ dòng vốn FDI Trung Quốc

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, chiến tranh thương mại Mỹ Trung đã chỉ ra điểm mạnh và điểm yếu của kinh tế Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam là nước ở tầm trung trong chuỗi sản xuất của khu vực và thế giới, do vậy, dù có sự dịch chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc, những công ty tốt nhất cũng không chọn Việt Nam.

"Các doanh nghiệp lớn của Mỹ, Nhật chuyển đến Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Nguồn vốn tại Việt Nam cũng có tăng lên nhưng là từ các công ty tầm trung với công nghệ tương ứng", TS. Nguyễn Đức Thành nói.

TS. Nguyễn Đức Thành mang hàm ý: “Các nhà sản xuất trong khu vực cũng không đánh giá quá cao Việt Nam về mặt lao động, phát triển thị trường cũng như về thể chế”.

TS. Cấn Văn Lực cho biết, ông thường được các chuyên gia nước ngoài hỏi về khả năng hấp thụ dòng vốn của Việt Nam khi dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng cao. Để hấp thụ được dòng vốn FDI, cần có 4 yếu tố:

Thứ nhất, là môi trường đầu tư. Việt Nam đã có quyết tâm cải thiện, có kết quả được quốc tế và cộng đồng trong nước ghi nhận, nhưng đâu đó vẫn có sự trì trệ.

Thứ hai là vấn đề cơ sở hạ tầng – một yếu tố quan trọng khi các nhà đầu tư quyết định dịch chuyển cơ sở sản xuất sang một nước khác.

“Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà đầu tư Trung Quốc tìm hiểu Quảng Ninh, Hải Phòng. Những địa phương này có cơ sở hạ tầng tốt”, TS. Cấn Văn Lực nhận xét.

Yếu tố thứ ba và thứ tư, là điểm nghẽn lao động có kỹ năng và sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ.

"Khi có sự dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc, Việt Nam có thể tiếp nhận được nhiều hơn và có quyền lựa chọn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, vì những hạn chế của mình, Việt Nam đã không làm được điều này”.

img

TS. Võ Trí Thành

TS. Võ Trí Thành cho rằng dòng vốn FDI Trung Quốc “sơ tán” sang Việt Nam không phải là chuyện mới xảy ra.

"Từ nhiều năm nay đã có hiện tượng này do Trung Quốc có sự thay đổi về cấu trúc kinh tế và giá nhân công. Mặt khác, nhiều quốc gia đang đầu tư vào Trung Quốc cũng có sự biến đổi về chiến lược, tiến đến chính sách Trung Quốc + 1.  Chiến tranh thương mại Mỹ Trung chỉ là một chất xúc tác", TS. Võ Trí Thành nói.

Theo ông Võ Trí Thành, Việt Nam đang bắt đầu giai đoạn thu hút FDI mới, từ số lượng chuyển sang chất lượng. Do vậy, nền kinh tế Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi, có sự chọn lọc, gắn với chiến lược mới, để có sự phát triển như mong muốn.