Dân Việt

Kiên Giang: Bỏ việc thành phố về quê trồng nấm bào ngư Nhật Bản

Ngọc Quyên 19/07/2019 06:15 GMT+7
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành môi trường tại Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM năm 2013, anh Trần Minh Nhựt có công việc với thu nhập ổn định tại Sài Gòn. Năm 2018, sau một thời gian tìm hiểu, lên ý tưởng, anh Nhựt đã bỏ việc về quê xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang khởi nghiệp với mô hình trồng nấm sạch.

Khởi nghiệp với nấm sạch

Một trong số thanh niên học xong đại học trở về quê nhà để khởi nghiệp từ nông nghiệp là anh Trần Minh Nhựt, 31 tuổi. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành môi trường tại Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM năm 2013, anh Nhựt ở lại TP.HCM để khởi nghiệp với nghề cung cấp nguyên liệu cho các công ty chế biến thức ăn chăn nuôi. Đây cũng là quãng thời gian anh ấp ủ ý tưởng về mô hình trồng nấm linh chi phục vụ cho ngành bào chế dược liệu.

“Sau 2 năm tìm hiểu từ các nơi về mô hình trồng nấm, tháng 6/2018 tôi quyết định mở trại nấm tại đất vườn của gia đình ở ấp Tân Thành, xã Tân Hiệp A (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang). Trước mắt, tôi trồng nấm bào ngư Nhật để lấy ngắn nuôi dài, khi đã đủ vốn sẽ mở rộng thêm trồng nấm linh chi như dự tính ban đầu” - anh Nhựt nói. Từ số vốn chỉ 10 triệu đồng, anh Nhựt được ba mẹ hỗ trợ thêm vốn gần 100 triệu đồng để đầu tư lập trại nấm, mua nguyên liệu.

img

Bên cạnh nấm bào ngư Nhật Bản, anh Nhựt ấp ủ ý tưởng về mô hình trồng nấm linh chi phục vụ cho ngành bào chế dược liệu. Ảnh: NQ.

Tham quan trại nấm của anh Nhựt đúng lúc anh đang thu hoạch chuẩn bị giao cho khách hàng, những tai nấm chi chít bật ra từ những bịch phôi như những chiếc mũ nghiêng thật ngộ nghĩnh. Anh Nhựt cho biết, nấm bào ngư Nhật Bản được thu hoạch khi còn nhỏ sẽ giữ được độ ngọt và ngon hơn loại đã phát triển lớn

Khi chế biến chín, nấm không mềm nhũn mà giòn, ngọt và có mùi thơm. Nấm bào ngư Nhật Bản có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon giống như nấm rơm. Ngoài ra, lý do khiến mặt hàng này luôn hút khách là nhờ những dược tính mà nó đem lại cho sức khỏe người tiêu dùng nên khách hàng rất ưa chuộng.

Hiện anh Nhựt cung ứng nấm bào ngư Nhật Bản cho các mối hàng khoảng 10-40kg/ngày. Cứ 2-3 ngày anh Nhựt lại thu hoạch một lượt nấm, bán với giá sỉ 35.000 đồng/kg, bán lẻ 55.000 đồng/kg, trong đó chi phí đầu vào mỗi kg nấm chiếm khoảng 30%.

Anh Nhựt nói: “Sau những mẻ nấm hư ban đầu, tôi đã rút ra nhiều kinh nghiệm và thấy nấm bào ngư Nhật Bản là loại dễ trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương, trồng trong nhà nên chủ động được độ ẩm, nhiệt độ, nhất là không vất vả như trồng nấm rơm, khả năng thu hồi vốn cũng nhanh”.

img

Anh Nhựt thu hoạch nấm bào ngư Nhật được trồng hoàn toàn tự nhiên. Ảnh: NQ.

Là người chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, trại nấm của anh Nhựt được trồng theo hướng an toàn, không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất nào. Để xử lý nấm bệnh thường xuất hiện khiến nấm không phát triển, anh Nhựt đầu tư lò hấp giá thể mạt cưa ở nhiệt độ cao, đồng thời dùng vôi bột rải diệt mầm bệnh gây hại cho nấm.

Thành công với chậu cảnh

Tự tìm tòi, học hỏi và vươn lên, anh Huỳnh Quốc Hận (28 tuổi), ngụ ấp Thạnh An 2, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang lại chọn khởi nghiệp thành công với nghề làm chậu cảnh. Nhà nghèo nên anh Hận nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình. 6 năm trước, anh Hận ra TP.Rạch Giá làm thuê cho một cơ sở sản xuất chậu cảnh. Suốt 2 năm đầu anh Hận chỉ được chủ giao chở chậu giao cho khách hàng.

Vốn ham học nên anh thường quan sát cách thợ đổ khuôn, tạo dáng chậu. Đến năm thứ ba làm công anh Hận mới được chủ cho học nghề chính thức. Từ năm 2016, anh Hận về nhà tại ấp Thạnh An 2 để bắt đầu nghề làm chậu với số vốn ít ỏi. Chậu cảnh do anh Hận làm có độ bền cao nên sản phẩm làm ra ngày càng được nhiều người biết đến và tìm mua, giúp gia đình anh Hận có thu nhập quanh năm.

img

Anh Hận khởi nghiệp và thành công với nghề làm chậu cảnh. Ảnh: NQ.

Loại chậu anh Hận làm là loại chậu xi măng tròn, có đường kính từ 0,3-1,2m, giá dao động từ 60-800.000 đồng/chậu. “Mỗi ngày tôi có thể quay được 15 cái chậu loại đường kính 7 tấc (70cm), chờ chậu khô xi măng thì vợ tôi sơn màu. Sau 2 ngày, vợ chồng tôi làm được 15 chậu, bán với giá 200.000 đồng/chậu, trừ chi phí lời khoảng 3 triệu đồng” - anh Hận nói.

Để tạo sự tiện lợi cho khách hàng, anh Hận còn giao hàng tận nơi miễn phí cho khách đối với những đơn hàng từ 10 chậu trở lên.

Theo anh Trần Thanh Phúc - Bí thư Xã đoàn Thạnh Đông A, anh Hận là một trong những thanh niên tiêu biểu trong phong trào thanh niên khởi nghiệp của xã. Xã đoàn Thạnh Đông A đã hỗ trợ anh Hận vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng để làm mái che, mua nguyên vật liệu cho cơ sở sản xuất. Dự kiến trong tháng 7/2019, Xã đoàn Thạnh Đông A hỗ trợ 10 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp để anh Hận đầu tư thêm khuôn đúc, mua nguyên liệu nhằm đa dạng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn thị hiếu khách hàng.