Dân Việt

Tìm được mộ Tào Tháo, liệu có tìm được mộ Lưu Bị, Tôn Quyền?

Đông Phong 16/07/2019 19:33 GMT+7
Nơi an táng hai nhân vật "không đội trời chung" với Tào Tháo đến nay vẫn là bí ẩn chưa lời giải, một phần vì quá trình khai quật gặp trở ngại vì các quy định bất thành văn.

Sau khi các nhà khảo cổ xác nhận họ tìm thấy di cốt của Tào Tháo, dư luận cũng như giới chuyên gia lập tức chuyển hướng sang bí ẩn lâu năm về nơi chôn cất Lưu Bị và Tôn Quyền, hai đối thủ của Tào Tháo trong cuộc chiến "Tam quốc" cách đây 1.800 năm, theo South China Morning Post.

Cuối tháng 3/2018, các chuyên gia tại Viện Khảo cổ Văn vật tỉnh Hà Nam kết luận di cốt của một người đàn ông qua đời ở độ tuổi 60, được tìm thấy trong ngôi mộ cổ ở tỉnh này, là của Tào Tháo, vua nước Ngụy thời Tam Quốc ở Trung Quốc (220-280).

Bí ẩn gần 2.000 năm

Vị trí lăng mộ Tào Tháo là bí ẩn trong nhiều thế kỷ cho đến năm 2009 khi các nhà khảo cổ tìm thấy một phiến đá trong ngôi mộ ở làng Tây Cao Huyệt thuộc thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam. Phiến đá khắc dòng chữ "Ngụy Vũ Đế", thụy hiệu của Tào Tháo.

img

Di tích ở làng Tây Cao Huyệt thuộc tỉnh Hà Nam được cho là nơi an táng Tào Tháo. Ảnh: 163.com.

Tuy nhiên, kết luận rằng đây chính là mộ Tào Tháo vẫn gây ra nhiều tranh cãi trong giới khảo cổ. Các kết quả khai quật mới nhất giúp củng cố lập luận của nhiều chuyên gia rằng tin rằng ngôi mộ ở làng Tây Cao Huyệt là nơi an nghỉ cuối cùng của vị đế vương.

Quá trình khai quật diễn ra từ năm 2016 đến năm 2017, phát hiện 5 kết cấu lớn của khu lăng mộ. Điều này trái với ghi chép lịch sử nói rằng Tào Tháo không muốn xây lăng xa hoa nhằm tránh bị phát hiện.

Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng Tào Phi, con trai đồng thời là người kế vị Tào Tháo, đã không nghe lời cha mình sau khi Tào Tháo qua đời. Tuy nhiên sau đó, Tào Phi có thể đã ra lệnh phá hủy những công trình ở trên bề mặt vì sợ lăng Tào Tháo sẽ bị kẻ thù và bọn đạo chích nhắm đến.

Tào Tháo là nhà chính trị, quân sự nổi tiếng vào cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Hình tượng Tào Tháo đến nay vẫn là chủ đề tranh cãi khi ông vừa được xem là anh hùng cũng vừa được xem là gian hùng. Trong Kinh kịch, Tào Tháo thường là nhân vật có khuôn mặt được bôi trắng, ngụ ý ông là người nham hiểm và xảo trá.

Cùng với Tào Tháo, hai nhân vật Tôn Quyền và Lưu Bị cũng được nhiều người biết đến thông qua tiểu thuyết "Tam Quốc Diễn Nghĩa", một trong tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc. Ba người tạo thành "thế chân vạc" Ngụy - Thục - Ngô trong cuộc chiến phân quyền cát cứ sau khi nhà Hán tan rã.

So với Tào Tháo thì Lưu Bị, vua nước Thục, được mô tả là nhân vật chính diện, có lòng nhân, hiểu đạo lý. Trong khi đó thì Tôn Quyền, vua nước Ngô, xuất hiện ít nhất trong tác phẩm của La Quán Trung. Những nỗ lực tìm kiếm mộ Lưu Bị và Tôn Quyền đều gặp trở ngại vì thiếu chứng cứ thuyết phục, dù các câu chuyện dân gian cung cấp một số chỉ dẫn.

3 giả thuyết về nơi chôn Lưu Bị

Có ít nhất 3 câu chuyện về nơi Lưu Bị được an táng. Theo tiểu thuyết "Tam Quốc Diễn Nghĩa", ông được an táng cùng quân sư Gia Cát Lượng tại đền Vũ Hầu ở Thành Đô, kinh đô nước Thục, cũng là thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên ngày nay.

img

Đền Vũ Hầu ở Thành Đô, Tứ Xuyên, được cho là nơi chôn cất Lưu Bị. Ảnh: SCMP.

Song một số chuyên gia không đồng tình, chỉ ra rằng Lưu Bị qua đời vào mùa hè tại huyện Phụng Tiết, thuộc khu vực ngày nay là thành phố Trùng Khánh, nơi cách Thành Đô 600 km. Việc di chuyển thi thể từ Phụng Tiết đến Thành Đô sẽ mất cả tháng bằng đường thủy và như vậy thi thể sẽ thối rữa trước khi đến nơi vì tiết trời nóng bức.

Vì vậy, họ tin rằng Lưu Bị nhiều khả năng được chôn cất tại nơi ông qua đời, bên bờ sông Dương Tử (tức sông Trường Giang).

Tuy nhiên, truyền tụng dân gian tại huyện Bành Sơn, nơi cách Thành Đô 60 km về phía nam, nói rằng một ngọn núi ở địa phương tên Mục Mã mới là nơi chôn cất Lưu Bị. Theo câu chuyện này, bao quanh ngọn núi là 9 ngọn đồi tạo nên hình dáng hoa sen, địa thế tốt để an táng, nên nơi này được chọn để xây lăng mộ.

Dù chưa từng có ngôi mộ cổ nào được phát hiện tại khu vực, núi Mục Mã được chính quyền địa phương đưa vào diện di tích cần bảo vệ từ những năm 1980. Báo địa phương West China City News từng đưa tin nơi này thường xuyên bị nhắm đến bởi những kẻ trộm mộ.

Trong khi đó, việc tìm kiếm mộ Tôn Quyền có phần đơn giản hơn vì các tài liệu lịch sử ghi ông được chôn cất ở núi Mai Hoa gần thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, song địa điểm chính xác vẫn chưa rõ.

Hồi đầu thập niên 2000, chính quyền địa phương đã cử một nhóm chuyên gia khảo cổ đi tìm ngôi mộ. Với thiết bị khảo sát từ tính, họ tìm thấy một đường hầm lớn dưới đất có thể là nơi chôn cất, song phát hiện này cũng không dẫn đến kết quả nào.

img

Tượng Tôn Quyền tại khu vực núi Mai Hoa. Ảnh: SCMP.

Một vấn đề là chính quyền không cho phép khai quật tại địa điểm này, theo nhà sử học He Yunao của Đại học Nam Kinh.

"Trung Quốc có luật bất thành văn là sẽ không tiến hành khai quật khảo cổ trừ khi di tích có nguy cơ bị phá hủy", ông nói.

Khu vực nơi lăng mộ tào Tào Tháo được tìm thấy từng bị những kẻ trộm mộ tấn công và đó là lý do giúp các nhà khảo cổ học được phép tiến hành khai quật.

Qi Dongfang, giáo sư tại Học viện Khảo cổ học và Bảo tàng học thuộc Đại học Bắc Kinh, nói rằng chính quyền ở Trung Quốc thỉnh thoảng "bật đèn xanh" cho việc khai quật trước khi triển khai các dự án hạ tầng có thể gây nguy hại đến di tích dưới lòng đất.

"Khai quật khảo cổ là việc không thể nói trước được. Những khám phá quan trọng hoàn toàn là ngẫu nhiên", ông nói.