Dân Việt

Nắng nóng gay gắt kéo dài: Xứ Nghệ cỏ cây héo úa, trâu bò khát

Mỹ Hà - Thanh Yên 17/07/2019 19:05 GMT+7
Nắng nóng gay gắt kéo dài đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân Nghệ An. Tỉnh phải có công văn xác nhận thiên tai để sớm có giải pháp hỗ trợ người dân.

Cỏ cây héo úa, trâu bò khát

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nhiều diện tích ngô, khoai, sắn, cỏ... tại một số địa phương bị khô cháy, dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng nguồn thức ăn cho gia súc ăn cỏ. Dù các hộ đã áp dụng giải pháp ủ chua thức ăn dự trữ cho trâu, bò, nhưng nguy cơ vẫn thiếu nếu trời tiếp tục nắng nóng.

img

Ruộng lúa bị hạn ở Hưng Nguyên (Nghệ An) do nguồn nước khô cạn và nắng nóng kéo dài. Ảnh: Phú Hương

Từ ngày 4 - 30/6, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra nắng nóng gay gắt, một số nơi đặc biệt gay gắt, kéo dài với nền nhiệt độ cao phổ biến 37- 40 độ C, có nơi trên 41 độ C, mực nước các triền sông, suối và các hồ chứa xuống thấp, nhiều hồ đã cạn.

Chị Trần Thị Ngân ở thôn 5 (xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn), cho hay: “Gia đình tôi nuôi bò vỗ béo gần chục năm nay. Mỗi đợt, gia đình tôi nuôi từ 10 - 12 con bò, sau 3 - 4 tháng bò được vỗ béo có thể xuất chuồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được xấp xỉ 100 triệu đồng/năm.

Thức ăn chủ yếu cho đàn bò là 5 sào cỏ gia đình trồng được và mua thêm cây ngô tươi, nhưng nắng nóng kéo dài hàng tháng trời, cỏ cây đều chết khô, không còn đủ thức ăn cho trâu, bò. Cứ thế này thì gia đình tôi sẽ phải bán đàn bò để bảo toàn nguồn vốn”.

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Toàn (ở thôn 1/5, xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn), cho biết: “Đã hơn 1 tháng nay không có thức ăn tươi cho đàn bò 3 con của gia đình, hàng ngày tôi phải cho bò ăn thêm cám, ngô, gạo để cầm cự. Không biết bao giờ mới qua cái đợt hạn hán này. Bình thường đàn bò nhà tôi béo lắm, nhưng hơn 1 tháng nay không có thức ăn là cỏ tươi nên con nào con nấy gầy trơ xương”.

Chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Công Trung ở thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, lo âu: “Gia đình tôi đầu tư nuôi 60 con trâu, bò thịt giống ngoại, thời gian này đang vô cùng khốn khổ vì nguồn thức ăn cho đàn gia súc không còn. Gia đình trồng được 3,5ha cỏ voi, đợt nắng nóng suốt 1 tháng trước đã làm toàn bộ diện tích cỏ bị khô héo, không dám cắt”.

Theo ông Trung, trước đó gia đình ông đã đầu tư mua cây ngô tươi, băm nhỏ để ủ chua với khối lượng 100m3, nên giờ có nguồn thức ăn bổ sung cho đàn bò. Do lượng thức ăn mỗi ngày phải cần tới 3 tấn, ông cân đối mỗi ngày cắt khoảng 1 tấn cỏ tươi, cùng với 2 tấn thức ăn ủ chua, vì vậy đàn bò vẫn phát triển tốt. Nhưng nếu thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài khoảng 15 ngày nữa, thức ăn dự trữ sẽ sử dụng hết, chỉ còn cách xuất bán đàn bò.

Nắng nóng kéo dài, nền nhiệt luôn ở mức cao (37 - 40 độ C), nhiều diện tích rau tại các xã trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai bị khô héo, nông dân thiệt hại nặng nề. Để đảm bảo nguồn nước cho cây hành trong thời gian thu hoạch, nhiều gia đình tại xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) đã trang bị máy bơm để phục vụ tưới tiêu khiến nguồn nước ngầm càng cạn kiệt.

Bà Hồ Thị Lân (xóm 7, xã Quỳnh Minh, Quỳnh Lưu) cho biết: “Thông thường hành lá trồng 2 tháng là có thể thu hoạch, nhưng do nguồn nước tưới cạn kiệt nên đến nay đã gần 4 tháng mà hành lá không phát triển, gia đình tôi thiệt hại hàng chục triệu đồng”.

Tại thị xã Hoàng Mai, nông dân xã Quỳnh Liên cũng đang căng mình chống hạn cho rau màu. Anh Nguyễn Đình Luân ở xóm 5 cho biết: “Gia đình tôi trồng 5 sào dưa lê, hơn 1 tháng rồi dưa không ra hoa, quả và nguy cơ mất trắng là rất cao do nắng nóng kéo dài, không đủ nước tưới cho cây”.

Quỳnh Lưu và Hoàng Mai là địa phương có diện tích rau màu lớn nhất tỉnh với diện tích gần 1.500ha, trong đó tập trung ở các xã bãi ngang. Rau nơi đây xuất đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhưng hiện nay đang rơi vào tình trạng cung không đủ cầu.

Xác nhận thiên tai

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong tháng 7, thời tiết tiếp tục nắng nóng, vì thế nguy cơ thiếu nước uống, thức ăn thô cho gia súc vẫn xảy ra. Vì vậy, lãnh đạo Sở NNPTNT Nghệ An khuyến cáo, giải pháp tốt nhất hiện nay là người chăn nuôi chế biến thức ăn ủ chua cho trâu, bò, bên cạnh đó mua thêm thức ăn tổng hợp.

Căn cứ vào các quy định của Nhà nước, xét đề nghị của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ngày 9/7/2019, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã có công văn về việc xác nhận thiên tai do nắng nóng xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đồng thời rà soát, thống kê thiệt hại về cây trồng do nắng nóng gây ra trên địa bàn, báo cáo về Sở NNPTNT, Sở Tài chính, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ khắc phục thiên tai theo quy định hiện hành.

UBND các huyện, thành phố, thị xã bị ảnh hưởng do thiên tai và đơn vị liên quan căn cứ nghị định của Chính phủ, văn bản liên quan khác, tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai; trích dự phòng ngân sách của cấp huyện để hỗ trợ kịp thời khôi phục sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.