Dân Việt

GS.TS Mai Đình Yên: Xử lý sông Tô Lịch phải tách riêng hồ Tây

Thành An 17/07/2019 06:00 GMT+7
“Tôi có ý kiến là xử lý sông Tô Lịch phải tách riêng hồ Tây. Vì hồ Tây là nơi đa dạng sinh học của khu vực đồng bằng bắc bộ đã được Thủ tướng phê duyệt là nơi bảo tồn sinh học, bảo tồn nước nội địa cấp Quốc gia..." GS.TS Mai Đình Yên nói.

Mới đây, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Thoát nước Hà Nội) cho biết đơn vị này vừa trình UBND TP đề xuất “giải cứu” sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng; lãnh đạo TP đang giao cho các Sở ngành liên quan xem xét theo quy định. 

Theo đó, khi đã thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt hai bờ, sông Tô Lịch vẫn sẽ thiếu nước, không có dòng chảy, do vậy Công ty Thoát nước Hà Nội đề xuất TP xem xét phương án bổ cập nước từ sông Hồng. Kinh phí thực hiện dự án sẽ được kêu gọi xã hội hóa, sau này Nhà nước chỉ phải trả chi phí vận hành trạm bơm.

img

Sông Tô Lịch hiện nay đang bị ô nhiễm trầm trọng và trở thành "mương" thoát nước thải của Hà Nội.

Khi sông Tô Lịch hằng ngày được bổ cập nước sạch từ sông Hồng, có dòng chảy lưu thoát, tạo cảnh quan, Hà Nội có thể phát triển được một tuyến buýt đường thủy giúp giảm gánh nặng áp lực giao thông cho các tuyến đường bộ.

Công ty Thoát nước Hà Nội cũng đề xuất TP xây dựng đập ở cuối nguồn sông Tô Lịch, giúp điều tiết nước trên sông đạt độ cao nhất định, từ đó tàu thuyền và xe buýt đường thủy có thể lưu thông. 

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt,  GS.TS Mai Đình Yên – Phó Chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam- cho biết, sông Tô Lịch và hồ Tây có lưu vực, dòng chảy và chức năng sinh thái, kinh tế, xã hội khác nhau.

Hiện nay, xuất hiện nhiều tranh cãi, tại sông Tô Lịch có người muốn biến sông thành nơi buôn bán, giao thương sầm uất như ngày xưa còn hồ Tây trở thành hồ chống ngập-hạn không phải đa dạng sinh học nữa.

img

Giáo sư. Tiến sĩ. Nhà giáo Nhân dân Mai Đình Yên.

“Tôi có ý kiến là xử lý sông Tô Lịch phải tách riêng hồ Tây. Vì hồ Tây là nơi đa dạng sinh học của khu vực đồng bằng bắc bộ đã được Thủ tướng phê duyệt là nơi bảo tồn sinh học, bảo tồn nước nội địa cấp Quốc gia còn nếu thấy do nhiều lý do có thể là quản lý chưa tốt cảm thất hồ Tây không còn đa dạng sinh học nữa thì đề xuất “cất” văn bản của Thủ tướng đi, xong rồi mới thực hiện”, ông Yên nói.

Liên quan đến đề xuất dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch, GS.TS Mai Đình Yên cho rằng, nếu dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch thì phải hiểu được rằng việc này khiến nước được đưa đi đâu.

Trước đây, nhiều nhà khoa học đã đề cập đến vấn đề này, nếu “nước vào nước ra” thì sẽ tống nước xuống phía dưới (hạ nguồn), có nghĩa là khu vực Hà Nội sạch còn Hà Nam chịu bẩn.

Trước đây, khi các dòng sông còn sạch thì việc đẩy nước từ nơi rác nhiều về nơi rác ít thì dòng sông có thể tự lọc sạch được vì lượng thủy vực cao. Nhưng hiện nay sông Tô Lịch coi là con sông chết không tự lọc sạch được, đồng thời khu vực sông ở Hà Nam- sông Đáy cũng bắt đầu ô nhiễm nên không thể dùng cách này.

Do đó, chúng ta phải làm cả hệ thống, phải xây dựng hệ thống đường ống nước thải ở hai bên sông Tô Lịch rồi đưa nước về nhà máy xử lý nước thải, lọc sạch thì mới xả tiếp xuống khu vực phía dưới .

Tuy nhiên, để làm được những việc này, có nghĩa là tách được nước thải khỏi sông Tô Lịch và để sông Tô Lịch trở thành một con sông có dòng chảy tự nhiên thì rất tốn kém. Theo đó, phải xử lý theo quy mô cấp quốc gia, nghĩa là gọi thầu trong nước hoặc nước ngoài để thực hiện. 

“Làm được thì mới đúng là sông Tô Lịch còn không hiện nay sông Tô Lịch chỉ là con sông thoát nước thải Hà Nội”, ông Yên nhấn mạnh.

Nói về việc Công ty Thoát nước Hà Nội đề xuất TP phát triển một tuyến buýt đường thủy giúp giảm gánh nặng áp lực giao thông cho các tuyến đường bộ, GS.TS Mai Đình Yên cho rằng, việc xây dựng tuyến buýt trên sông đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện.

“Còn với sông Tô Lịch là chuyện sau này, trước tiên chúng ta phải xử lý được hệ thống nước thải, sông phải có dòng chảy, không ô nhiễm, mực nước ổn định thì mới nghĩ đến”, ông Yên nhấn mạnh.