Dân Việt

Doanh nghiệp ồ ạt "di cư", chính quyền TP.HCM lo ngại

Phương Thảo 17/07/2019 12:10 GMT+7
Thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp lớn, nhỏ trên địa bàn TP.HCM dịch chuyển ra các tỉnh lân cận khiến chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp của TP sụt giảm. Ghi nhận này được chính quyền thành phố đánh giá là đáng lo ngại.

Doanh nghiệp chế biến thực phẩm ồ ạt “di cư”

Theo báo cáo của Sở Công thương TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ đạt 7%, so với năm 2018, chỉ số này đã bị sụt giảm, mặc dù công nghiệp vẫn là một trong những ngành mũi nhọn của địa phương.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó không thể không kể đến sự xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp chủ động xây dựng lộ trình di dời nhà xưởng sản xuất ra các tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An,…

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho hay, hiện số lượng doanh nghiệp dịch chuyển đầu tư nhiều nhất là ngành chế biến thực phẩm. Ví dụ như Công ty cổ phần Uniben, Công ty TNHH MTV Công nghệ thực phẩm Việt Tiến, Công ty Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Nhà máy Sữa Thống Nhất... đã dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất sang tỉnh Bình Dương.

img

Nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm dịch chuyển khỏi địa bàn TP.HCM.

Ở lĩnh vực sản xuất ô tô, Công ty TNHH Hosihino Việt Nam chuyển một số dây chuyền sản xuất sản phẩm túi khí an toàn về tỉnh Bình Dương. Nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ cũng đã dịch chuyển đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) khu vực Bình Dương, Đồng Nai, Long An... nơi tiếp giáp với TP.HCM.

Việc dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất cũng kéo theo sự sụt giảm chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp cục bộ ở một số nhóm ngành. Mức tăng trưởng ngành sản xuất chế biến thực phẩm ước giảm 2,6%, nhóm ngành sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe giảm 17,76%...

Lợi thế về giá thuê đất và chính sách là yếu tố quyết định 

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, có nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp phải dịch chuyển. Đó là quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp TP.HCM đang dần bị thu hẹp. Các KCN hình thành thời gian dài nhưng thiếu tái đầu tư chuyên sâu, thiếu quỹ đất lớn để doanh nghiệp đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng.

Đối với các KCN đầu tư mới thì giá đất thuê quá cao, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trong khi đó, nhiều tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… hơn hẳn về lợi thế như giá thuê đất rẻ hơn, chính quyền đưa ra nhiều chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư.

Vì vậy, việc dịch chuyển của các doanh nghiệp cũng là điều hợp lý, nhằm giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh trong khi môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

img

Giá thuê đất ở các KCX-KCN quá cao khiến các doanh nghiệp phải di dời hoặc đầu tư tại các tỉnh lân cận.

Hơn nữa, môi trường đầu tư kinh doanh của TP hiện chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ, thủ tục hành chính cải thiện chậm, còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp nên không có sức hút đầu tư.

Đây cũng chính là mối lo của chính quyền, các cấp, ngành của TP.HCM. Lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM cho biết, Sở cùng các cơ quan chức năng liên quan đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.

Rà soát và minh bạch thông tin quỹ đất đầu tư tại các KCX-KCN, kết hợp làm việc với các chủ đầu tư hạ tầng để xây dựng bảng giá thuê đất hợp lý.

Ban Quản lý các KCX-KCN thực hiện đơn giản hóa thủ tục đầu tư cho các doanh nghiệp đến đầu tư hoặc mở rộng sản xuất. Hiện, các đơn vị này đã cắt giảm khoảng 30% thời gian giải quyết hồ sơ đối với 22 thủ tục hành chính (trên tổng số 65 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của mình).

Theo Sở Công thương, qua kiểm tra, rà soát, TP.HCM còn khoảng 428ha đất dành cho đầu tư công nghiệp. KCX Tân Thuận còn 10ha, Hiệp Phước 254ha, Tân Phú Trung 84ha, Cơ khí ô tô 10ha, Lê Minh Xuân 3 là 70ha và 5.000m2 nhà xưởng xây sẵn tại KCN Đông Nam...