Dân Việt

Chứng khoán Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng được Vietjet và Masan cho vay 377 tỷ

Nguyên Phương 17/07/2019 11:46 GMT+7
Công ty CP Hàng không Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã đầu tư 350 tỷ đồng để mua 70% lượng trái phiếu và Công ty CP Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng đầu tư 37 tỷ đồng để sở hữu 7% lượng trái phiếu phát hành của Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCI) của bà Nguyễn Thanh Phượng.

img

Bà Nguyễn Thanh Phượng là cổ đông sáng lập và hiện giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCI). (Ảnh minh hoạ)

Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và Masan của ông Nguyễn Đăng Quang vừa chi lần lượt 350 tỷ đồng và 37 tỷ đồng để mua trái phiếu không chuyển đổi do Công ty CP chứng khoán Bản Việt phát hành.

Cụ thể, trong đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi mới đây, Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCI) của bà Nguyễn Thanh Phượng đã phát hành là 50.000 trái phiếu với mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, tổng giá trị trái phiếu phát hành theo mệnh giá là 500 tỷ đồng. Lãi suất danh nghĩa và lãi suất phát hành thực tế cùng trong khoảng 6-8,2%/năm. Trái phiếu có kì hạn 2 năm.

Kết quả, các nhà đầu tư trong nước mua 490 tỷ đồng trái phiếu trong đợt phát hành phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi của Công ty CP Chứng khoán Bản Việt.

Nổi bật trong đó là Công ty CP Hàng không Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã đầu tư 350 tỷ đồng để mua 70% lượng trái phiếu phát hành, còn Công ty CP Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng đầu tư 37 tỷ đồng để sở hữu 7% lượng trái phiếu phát hành.

Còn các nhà đầu tư cá nhân trong nước mua lượng trái phiếu phát hành có giá trị 103 tỷ đồng, tương đương 21%, các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mua 10 tỷ đồng còn lại, tương đương 2%.

img

Vietjet, Masan chi lần lượt 350 tỷ đồng và 37 tỷ đồng để mua trái phiếu không chuyển đổi do Công ty CP chứng khoán Bản Việt phát hành.

Năm 2019, Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCI) của bà Nguyễn Thanh Phượng đặt mục tiêu doanh thu hoạt động 1.653 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự tính 850 tỷ đồng, lần lượt giảm 9,3% và 16% so với con số thực hiện năm 2018. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế được đặt ra 680 tỷ đồng.

Kế hoạch nêu trên được Công ty CP Chứng khoán Bản Việt xây dựng dựa trên dự đoán VnIndex sẽ ở mức 960 điểm vào cuối năm, đây là lần đầu tiên Công ty đặt kế hoạch đi lùi dù năm 2018, Bản Việt đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng.

Trong phần báo cáo của Ban Tổng giám đốc gửi tới ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, ông Tô Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Bản Việt, cho biết, diễn biến thị trường bất ổn trong năm 2019 khiến Công ty gặp khó khi lên kế hoạch.

Hiện tại, Bản Việt chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2019. Trong quý I/2019, dưới sự điều hành của bà Nguyễn Thanh Phượng và các cộng sự, Công ty CP Chứng khoán Bản Việt đạt doanh thu 371,5 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kì 2018

Còn doanh thu hoạt động của Bản Việt đạt 367 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, doanh thu môi giới đạt 87,8 tỷ đồng, giảm 71% trong bối cảnh TTCK Việt Nam chứng kiến nhiều biến động, tổng giá trị giao dịch trên thị trường giảm mạnh. Doanh thu hoạt động tự doanh đạt 200 tỷ đồng, tăng 31% nhờ hiện thực hóa lợi nhuận một số khoản đầu tư.

Lợi nhuận sau thuế của Công ty CP Chứng khoán Bản Việt đạt 202,6 tỉ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2018. So với kế hoạch lãi sau thuế 680 tỷ đồng trong năm 2019 thì VCSC đã hoàn thành xấp xỉ 30% chỉ tiêu đề ra.

Tính tới ngày 31/3/2019, Chứng khoán Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng có nợ phải trả 1.888 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 1.799 tỷ đồng, chủ yếu là trái phiếu phát hành ngắn hạn với con số 1.333 tỷ đồng. Nợ phải trả dài hạn là 89 tỷ đồng, trong đó không có nợ trái phiếu.