Dân Việt

Chính sách giảm nghèo vùng dân tộc giai đoạn 2005 - 2012: Chưa đáp ứng đủ nguồn lực

Lê San 12/02/2014 10:14 GMT+7
Chiều 11.2, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với Uỷ ban Dân tộc (UBDT) về chính sách, pháp luật giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012.
Chưa đáp ứng được nguồn vốn

Theo báo cáo của UBDT về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 – 2012, trong những năm qua hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội ngày càng được tăng cường, hoàn thiện và hiệu quả hơn.

Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét. Sau 5 năm (2006 – 2010), tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 20% (2006) xuống còn 9,45% (2010). Đến năm 2012, cả nước còn 9,6% hộ nghèo, 6,57% hộ cận nghèo.

Đến nay vẫn còn gần 327.000 hộ DTTS nghèo thiếu và không có đất sản xuất, đất ở.
Đến nay vẫn còn gần 327.000 hộ DTTS nghèo thiếu và không có đất sản xuất, đất ở.

Tuy nhiên, theo ông Hà Hùng - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT, bên cạnh những thành tựu, còn nhiều mục tiêu trong chính sách và pháp luật về giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi vẫn chưa hoàn thành. Do việc thực hiện chính sách, cân đối, bố trí nguồn lực không song hành, không bám sát với thực trạng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chưa bám sát được các mục tiêu và kế hoạch được phê duyệt, dẫn đến tình trạng manh mún, ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách.

Chẳng hạn, chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư (ĐCĐC) theo Quyết định 33 và Quyết định 1342, từ năm 2008 – 2013, Trung ương đã cấp 1.620 tỷ đồng. Đến nay, các tỉnh mới hoàn thành ĐCĐC cho 12.777 hộ, đạt 43% theo hoạch được phê duyệt. Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn theo Quyết định 1592 (2009 – 2012) có tổng nhu cầu vốn thực hiện theo dự án được phê duyệt là 7.906 tỷ đồng. Năm 2011 – 2012 ngân sách trung ương bố trí 1.050 tỷ đồng, chỉ đạt 13% so với kế hoạch.

“Theo ngân sách năm 2014 đã được phân bổ, tổng nguồn lực đầu tư cho các chính sách dân tộc mới đạt hơn 33% so với kế hoạch được duyệt. Vì vậy đề nghị Quốc hội quyết định cấp đủ vốn theo định mức kế hoạch cho các chính sách đã được phê duyệt. Đồng thời dành một danh mục ngân sách riêng cho thực hiện đầu tư phát triển và các chính sách hỗ trợ cho vùng DTTS và miền núi, với tổng nguồn lực dự kiến từ 3 – 5% trong tổng chi ngân sách nhà nước để đảm bảo UBDT, các bộ, ngành và địa phương chủ động cân đối nguồn lực, tiến độ thực hiện và đánh giá, giám sát đối với từng chính sách”- ông Hà Hùng đề xuất.

Hơn 320.000 hộ DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất

Cũng theo báo cáo của UBDT, sau nhiều năm thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đến nay vẫn còn gần 327.000 hộ DTTS nghèo thiếu và không có đất sản xuất, đất ở, hơn 274.000 hộ cần được hỗ trợ nước sinh hoạt.

Đến nay vẫn còn gần 327.000 hộ DTTS nghèo thiếu và không có đất sản xuất, đất ở, hơn 274.000 hộ cần được hỗ trợ nước sinh hoạt.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Sơn Phước Hoan chỉ rõ: “Công tác quy hoạch sử dụng đất thực hiện rất chậm, phần lớn các địa phương chưa có quy hoạch sử dụng đất. Một phần khác là do làm các công trình thủy lợi, thủy điện, người dân bị thu hồi đất.

Tỷ lệ phát triển dân số cao, việc chia tách hộ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất. Đất giao cho đồng bào phần lớn là đất rẫy, đất xấu, trong khi đó việc đầu tư thủy lợi nhỏ chưa được triển khai và đồng bào thì không có vốn, trình độ canh tác lạc hậu. Đó là chưa kể đến một số địa phương không còn quỹ đất dự phòng, việc điều chỉnh từ hộ thừa đất so với quy định sang hộ còn thiếu đất gặp nhiều khó khăn”.

Theo ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thì vẫn còn có sự lúng túng trong thực tiễn, từ trung ương đến địa phương, trong việc tìm hướng giải quyết đất ở và đất sản xuất cho đồng bào DTTS, trong khi tình trạng đồng bào di cư ngày càng nhiều. Do vậy, cần có giải pháp căn cơ hơn về kinh tế xã hội như thay đổi cơ cấu sản xuất, tạo việc làm phi nông nghiệp, dạy nghề, xuất khẩu lao động…