Chuyện kể, trước đây nhiều hộ trong làng khi đào móng xây nhà đã "bắt" được những chĩnh bạc lớn nhỏ. Một đồn mười, mười đồn trăm, đến nỗi, người ta tin rằng ẩn sâu dưới những tấc đất của chừng 300 ngôi nhà trong làng là cả một kho báu chưa được khai quật. Và cũng vì thế, ngôi làng ấy được ví von nằm trên cả... đống bạc. Đó là khu làng Nhân Đào, Thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Một góc khu Nhân Đào hôm nay.
Từ cái gật đầu của ông Chủ tịchHồi đầu năm 2012, dư luận trong tỉnh Hải Dương một phen "dậy sóng" khi hay tin, cánh thợ phá một ngôi nhà cổ trong khu Nhân Đào đã phát hiện 9 chiếc chum. Sự việc càng trở nên ầm ĩ vì nó gắn thêm yếu tố ly kỳ, rằng khi thợ đưa những mũi khoan xuống nền nhà thì liên tục bị gãy dù mũi khoan rất cứng, rồi máy xúc đưa đến để phá móng nhà cũng bị hỏng mấy lần. Người ta đồn thổi đó là vì ngôi nhà có... ma nên không cho phá nhà, đào lấy của mang đi.
Mặc cho người trong cuộc khẳng định đó chỉ là những chiếc chum chứa toàn đất, thế nhưng, người am tường trong làng thì lại chắc như đinh đóng cột rằng trong đó chứa bạc. Thực hư của câu chuyện ấy thế nào, đến giờ nhiều người vẫn còn bán tín bán nghi.
Tuy nhiên, chính ông Chủ tịch UBND Thị trấn Nam Sách - Phạm Công Hiệu cũng đã gật đầu thừa nhận, dù không ai biết chắc chắn ông đã tận mắt chứng kiến việc đào được vàng bạc này chưa: "Chuyện đào móng xây nhà ở khu Nhân Đào rồi bắt được cả chĩnh bạc, có khi là cả vàng thì người ta vẫn nhắc đến, từ trẻ đến già đều biết".
Theo khẳng định của ông Hiệu thì có lẽ, chính tiền lệ đào được bạc của một số hộ trước đó đã khiến dư luận xôn xao đồn thổi về chín chiếc chum chứa bạc khi phá nhà cổ này.
Làm nhà đụng... chum bạcChuyện làm nhà đụng chum, hũ bạc được chính ông Chủ tịch thị trấn xác nhận. Thế nhưng, chính xác đó là những nhà nào, đào được bao nhiêu thì ông Hiệu cũng chỉ được nghe kể. Và số người biết tường tận cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó, có ông Đặng Huy Tá.
Ông Tá là một thợ sửa nhà lành nghề ở Nhân Đào, với thâm niên hơn ba chục năm nay. Gần đây, ông lui về làm nghề mộc cùng con trai. Vì thế, hơn ai hết, ông Tá rành rẽ chuyện đào được chum bạc ở làng. Ban đầu, tưởng chúng tôi là... cán bộ về tra hỏi chuyện đào chum bạc rồi... tịch thu, ông Tá ngập ngừng, xua tay. Sau, hiểu ra, ông cười xòa rồi mở đầu câu chuyện từ cách đây ngót hai chục năm.
Khi ấy, ông cùng đội thợ được thuê phá khu nhà cũ trong trường cấp 2 thuộc phần đất của nhà địa chủ Nghị Dong trước đây. Đã được nghe chuyện làm nhà đào được bạc ở trong làng, thế nhưng ông Tá bảo thời điểm ấy, cánh thợ cũng chẳng đặt nặng chuyện may rủi làm gì, bởi chẳng mấy ai tin vì nào đã được kiểm chứng bao giờ.
Khi cánh thợ đào xuống chừng gần một mét thì phát hiện có một chiếc hũ. Đổ ra, trong đó chứa khoảng 400 đồng bạc hoa xòe có tượng Nữ thần Tự do, niên hạn từ 1886 - 1909. "Nghĩ rằng "được bạc thì sang", thế nên tôi liền chia cho anh em thợ mỗi người mấy đồng lấy may, rồi phân phát cho người làng đến xin về để... đánh cảm. Còn lại, tôi đem bán thì được 70.000 đồng/đồng bạc hoa xòe", ông Tá kể.
Đó cũng là lần đầu tiên ông Tá đào được bạc. Sau này, ông cùng đội thợ cũng đã đào được mấy cái chum khác nhưng số lượng ít hơn. Bấm đốt ngón tay, ông Tá nhẩm tính có chừng chục hộ đã từng đào được bạc khi làm nhà, và hầu hết đều trên nền đất của địa chủ cũ.
Theo ông Tá, đến thời điểm này, hộ gia đình ông bà Chung Thân đào được nhiều nhất, với 4 hũ bạc, ước tính hơn 1.000 đồng bạc hoa xòe. Thế nhưng, lúc ấy, bạc không thể đem ra tiêu dùng được do đã có tiền giấy nên nhiều người chỉ dùng để đánh cảm, cạo gió. "Giá mà để được đến bây giờ, bán đi thì cũng kiếm được khoản kha khá đấy. Ngay như những đồng bạc có niên đại từ 1886, đã có người hỏi mua với giá 3 triệu/đồng nhưng tôi cũng chẳng còn", giọng ông Tá ra chiều tiếc rẻ.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Trưởng khu Nhân Đào thừa nhận: "Dân làng vẫn đồn thổi nhà nọ nhà kia đào được bạc. Nhưng chỉ là đồn thổi thôi, chứ trực tiếp tôi không chứng kiến hết. Cũng có người muốn thử vận may bằng cách đào đất tìm kho báu, thế nhưng cũng là do cơ may thôi, chứ không phải nhà nào cũng được đâu, dù có ở trên nền đất của địa chủ".
Theo ông Đặng Huy Tá, ông cùng cánh thợ sửa nhà đã đào được chĩnh bạc khoảng 400 đồng bạc Đông Dương.
Vì sao Nhân Đào lắm bạc?Cho đến bây giờ, những người già ở Nhân Đào vẫn nhắc đến câu ca mà bao đời nay, họ lấy đó làm niềm tự hào: "Cốm làng Thạc, bạc làng Si".
Ông Nguyễn Văn Trọng cho hay: Làng Si chính là tên gọi của làng Nhân Lý xưa. Sở dĩ có tên gọi này là vì làng Nhân Lý có bãi si mọc rậm rạp. Con sông chảy qua làng mà thuyền bè vẫn tấp nập qua lại được gọi là sông Si, bến Si. Có người cho rằng, "bạc làng Si" để chỉ người làng Si... đánh bạc nhiều vì ngày xưa, bến sông của làng là nơi buôn bán tấp nập, thuyền bè chở gốm từ Chu Đậu xuống Hải Dương rồi sang Hải Phòng phải qua bến sông này. Nhờ công việc làm ăn buôn bán thuận lợi nên cuộc sống của dân trong làng đều khấm khá, nhiều nhà giàu có.
Tuy nhiên, cụ Nguyễn Văn Thuyết, được biết đến là một trong ít người cao tuổi nhất làng thì xua tay phủ nhận. Theo cụ thì lập luận đó không đúng mà phải hiểu là làng Si có nhiều bạc. Để minh chứng cho điều này, cụ Thuyết ôn lại lịch sử rằng, trước đây, làng Nhân Lý có tới 9 địa chủ, nhiều nhất nhì huyện và tỉnh Hải Dương, được mệnh danh là "làng đệ nhất địa chủ xứ Đông". Hầu hết ruộng đất đều tập trung vào 9 địa chủ này, lớn nhất là nhà ông Nghị Dong, rồi đến Cán Đản, Tổng Tuyên... Ngày ấy, nhà địa chủ nào cũng có nhà ngói gỗ lim 5 gian, thậm chí có nhà làm tới 2 - 3 cái như thế.
Một ngôi nhà địa chủ còn sót lại ở Nhân Đào.
Khi thấy khí thế cách mạng lên cao, các địa chủ này đều "tán của" bằng cách chôn giấu vàng bạc châu báu trong đất nhà, những mong giữ lại cho con cháu sau này. Cụ Thuyết khẳng định: "Điều đó thêm một bằng chứng để cho thấy câu nói "bạc làng Si" có nghĩa là sự giàu có của làng này".
Những năm cải cách ruộng đất, nhà địa chủ ở Nhân Lý được chia cho các hộ gia đình trong làng cùng chung sống, có khi một ngôi nhà nhưng có tới 4 - 5 hộ nên phải dựng phên liếp chia tách nhà. Sau này, trong quá trình đào móng, tách nhà, có những hộ đào được những hũ bạc, đồng tiền Đông Dương... của địa chủ.
Như vậy, việc đào được bạc, vàng khi làm nhà ở Nhân Đào là có thật. Song sự thật đó đã được bà con đồn thổi quá lên chăng? Tuy nhiên, những người có trách nhiệm ở địa phương như ông Trọng, ông Hiệu đều tỏ ra dè dặt: Đó chỉ là cơ may của một số hộ chứ không phải đất nào trong làng cũng giấu bạc. Bởi nếu thế sẽ chẳng có chuyện một dạo, đoàn thợ ở đâu kéo về với máy móc dò tìm kim loại nhưng đã phải ra về tay trắng.
Cũng theo cụ Thuyết, việc đào được chum, hũ cổ ở Nhân Đào chẳng có gì lạ. Bởi ngày xưa, sông Si, bến Si rất rộng. Nhiều thuyền bè chở gốm Chu Đậu qua đây bị đắm hoặc bị vỡ đồ gốm nên chủ thuyền vứt xuống sông.
Sau này, người dân đến lập nghiệp ở làng Si tăng lên, người ta lấp dần bến sông để dựng nhà cửa. Do đó, phân nửa làng bây giờ là thuộc bến Si, sông Si thuở trước nên chuyện đào được chum, hũ hoàn toàn dễ hiểu