Cách trồng rau độc đáo
Nằm giữa con sông Đế Võng và đầm rong Trà Quế, cách TP.Hội An gần 3km về phía Đông Bắc, làng Trà Quế (thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP.Hội An) là nơi tập trung hơn 200 hộ dân chuyên canh rau với khoảng gần 20ha đất canh tác. Nơi đây đã nổi danh từ lâu với các loại rau thơm như xà lách, diếp cá, răm, húng, é, quế, hành, ngò...
Đây cũng là những loại rau thơm ngon, bổ trợ và nâng cao giá trị các món ăn đặc sản Quảng Nam như mì Quảng, cao lầu, tôm hữu, bê thui…
Hiện người dân ở Trà Quế đang canh tác khoảng 20 loại rau chủ lực
Làng rau Trà Quế đã thu hút hàng trăm lượt khách quốc tế theo các tour du lịch trải nghiệm đến tham quan mỗi ngày. Ảnh: D.B
Rau Trà Quế thơm ngon không chỉ nhờ thổ nhưỡng thích hợp, mà còn được người dân nơi đây “cho ăn” một loại phân bón đặc biệt, đó là rong vớt từ sông Đế Võng. Nguồn phân bón tự nhiên này làm cho sản phẩm rau đảm bảo về chất lượng và có một mùi thơm rất đặc trưng.
Người dân Trà Quế xem việc trồng rau không đơn thuần như một cơ hội tạo nguồn thu nhập, mà còn là một thú giải trí, được nâng lên hàng nghệ thuật khi tạo ra những luống rau đẹp và giữ tiếng thơm cho sản phẩm từ đời này sang đời khác.
Chúng tôi đến vùng rau Trà Quế trong một ngày tháng 7, mặc cho thời tiết nắng nóng nhưng những luống rau ở đây vẫn mơn mởn, xanh tươi, tràn đầy sức sống. Mùi hương dịu nhẹ của các loại rau thơm theo gió tạo cảm giác thật dễ chịu. Người dân tại đây ai cũng vui vẻ, vừa say mê canh tác vừa trò chuyện với nhau quên cả tiết trời nóng bức.
Bà Đinh Thị Vân (tổ 6, thôn Trà Quế) cho biết, vườn rau của gia đình có diện tích gần 700m2, năm nay thời tiết tuy khắc nghiệt, trồng rau hơi cực nhưng rau lại được giá nên gia đình rất vui. “Dân ở đây trồng rau là đủ sống rồi, bỏ cho các chợ và siêu thị ngày cũng được 400.000 - 500.000 đồng/hộ. Rau Trà Quế giờ uy tín lắm, vừa thơm ngon lại sạch, an toàn” - bà Vân cho hay.
Đối với người dân nơi đây, trồng rau không đơn giản chỉ là kế sinh nhai mà còn là để giữ gìn nếp làng, nét đẹp truyền thống của cha ông truyền lại. Lão nông Mai Thê (tổ 5, thôn Trà Quế) có tổng cộng 800m2 đất, canh tác đủ các loại rau: Xà lách, húng, quế, hành, ngò…, bình quân mỗi năm cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng.
Ông Thê chia sẻ: “Hồi chiến tranh, người dân bám đất ở đây vừa sản xuất vừa nuôi giấu cán bộ, bây giờ thời bình rồi thì tập trung trồng rau để kiếm thu nhập trang trải cuộc sống, thế là được rồi”.
Vừa làm rau, vừa làm du lịch
Rau Trà Quế nổi tiếng thơm ngon hơn so với những nơi khác là nhờ việc nhà nông dùng rong được vớt từ sông Cổ Cò, Đế Võng để làm phân bón lót. Ảnh: D.B
Được biết, trong kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2019, tỉnh Quảng Nam quyết tâm xây dựng một số mô hình OCOP đặc trưng ở khu vực đồng bằng. Trong đó, mô hình trồng rau ở Trà Quế gắn với phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng sẽ được đầu tư và phát triển mạnh. |
Nhiều năm trở lại đây, làng rau Trà Quế là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Làng rau Trà Quế làm phong phú hơn các dịch vụ du lịch đã nổi tiếng tại Hội An. Phát triển du lịch canh nông ở Trà Quế cũng giúp người dân ở đây có thêm nguồn thu nhập, phấn khởi hơn trong việc canh tác.
Nhiều mô hình du lịch tại làng rau Trà Quế được ra đời như: Tour 1 ngày làm nông dân, dịch vụ homestay, tham quan vườn rau… Hiện, có khoảng hơn 30 lao động ở Trà Quế bắt tay vào làm du lịch. Họ sắm những bộ áo quần nông dân, dép lê, nón lá và dựng những ngôi nhà dành cho du khách nghỉ ngơi. Nếu muốn, du khách sẽ được người làng rau bày cho cách cuốc đất, trồng, tưới nước và chăm bón rau.
Nhưng trước khi làm “nông dân”, họ sẽ được “chiêm ngưỡng” thỏa thích các loại rau Trà Quế tại các điểm trưng bày, giới thiệu tại nhà đón khách... Với những du khách không sinh sống và lớn lên ở làng quê thì trải nghiệm này chắc chắn sẽ đầy mới mẻ và lý thú.
“Bản thân tôi rất vui khi vườn rau Trà Quế ngày càng được du khách quan tâm, đây chính là động lực để chúng tôi canh tác có hiệu quả hơn trong thời gian tới” - ông Cao Chinh, một người trồng rau Trà Quế chia sẻ.