Dẫn chúng tôi đi thăm vùng sản xuất nhãn của huyện, bà Lê Thị Yến, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, cho biết: Sông Mã là một trong những huyện trọng điểm phát triển trồng nhãn của tỉnh Sơn La. Hiện toàn huyện có 6.730 ha nhãn, sản lượng ước đạt khoảng 30.000 tấn.
So với năm 2018 thì diện tích nhãn đã tăng lên khoảng 250 ha, tuy nhiên sản lượng năm nay dự kiến sẽ giảm hơn so với năm ngoái khoảng 10.000 tấn do điều kiện thời tiết không thuận lợi vì nắng hạn kéo dài. Nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nhãn, hiện nay các nhà vườn, hợp tác xã (HTX) đang tập trung cao cho việc tổ chức chăm sóc quả và chuẩn bị thu hoạch.
Bà Lê Thị Yến, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cùng đoàn công tác thăm quan một số vườn nhãn trên địa bàn.
Được biết, giống nhãn trên địa bàn huyện Sông Mã chủ yếu là giống nhãn chín muộn có nguồn gốc từ Hưng Yên, với diện tích trên 90%, sản lượng gần 24.000 tấn, nhãn có hương vị thơm ngon, vỏ mỏng, cùi dày được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Trong quá trình trồng nhãn, huyện đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chặt chẽ quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất VietGap, GlobalGap và sản xuất hữu cơ. Vì thế mà sản phẩm nhãn sản xuất ra bảo đảm an toàn, chất lượng đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng.
Hiện nhiều nông dân trồng nhãn đã áp dụng thành công kỹ thuật sản xuất rải vụ thu hoạch, kéo dài thời gian thu hoạch. Nhãn bắt đầu thu hoạch cách đây khoảng 20 ngày, trong khi đó tháng 8 mới chính thức bước vào chính vụ.
Một số nhà vườn, HTX trên địa bàn huyện Sông Mã đã bắt đầu thu hoạch nhãn.
Theo bà Yến, để vụ nhãn năm nay tiêu thụ thuận lợi, ngay từ đầu năm huyện Sông Mã đã ban hành kế hoạch về tiêu thụ sản phẩm nhãn; giao nhiệm vụ cho các đầu mối thu gom, sơ chế; xác định rõ các địa bàn tiêu thụ. Cụ thể trong nước, tiêu thụ tại một số tỉnh thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn…
Đối với xuất khẩu, huyện đã liên kết với thị trường một số nước như Australia, Mỹ, Trung Quốc… Cùng với đó, huyện đã quy hoạch vùng sản xuất nhãn an toàn, hỗ trợ phát triển mở rộng các HTX, giúp các HTX, liên hiệp HTX trong ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ sinh học vào sản xuất, cải tạo vườn tạp, cải tạo các loại giống cho năng suất chất lượng cao.
Sản phẩm nhãn xuất khẩu được thu hái, đóng bao bì bảo quản.
“Trước khi bước vào vụ nhãn, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Chủ động kết nối, thu hút các doanh nghiệp tiêu thụ xuất khẩu nhãn vào địa bàn, đặc biệt có Công ty Uniseed và một số doanh nghiệp Trung Quốc đã vào khảo sát vùng nguyên liệu, đề nghị huyện cung cấp khoảng 25.000 tấn nhãn phục vụ xuất khẩu. Đó là một trong những thành công bước đầu trong việc tiêu thụ sản phẩm nhãn của huyện”, bà Yến chia sẻ.
Sản phẩm nhãn xuất khẩu của huyện Sông Mã được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã.
Hiện nhãn Sông Mã đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang Australia và 9 mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc. Huyện đang duy trì kiểm tra, giám sát chặt chẽ 17 chuỗi cung ứng sản xuất với quy mô hộ thành viên của 17 HTX trên địa bàn, diện tích gần 400 ha, sản lượng trên 3.000 tấn nhằm phục vụ thị trường xuất khẩu.
Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, đồng hành cùng nông dân, tin rằng vụ nhãn năm nay của huyện Sông Mã sẽ tiêu thụ thuận lợi, giúp người dân nâng cao thu nhập từ cây nhãn.