Dân Việt

Còn “tư duy thu gom”, hợp tác xã khó... lớn

Trần Đáng 19/07/2019 14:33 GMT+7
Tại Diễn đàn Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản HTX phía Bắc và tỉnh Đồng Tháp tại TP.Hồ Chí Minh ngày 19/7, nhiều đại biểu cho rằng, các HTX phải thay đổi tư duy để đáp ứng yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp.

“Đa phần các HTX hiện nay chỉ có tư duy thu gom nông sản của nông dân để bán cho doanh nghiệp (DN) sản phẩm thô”, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan khẳng định.

Vai trò mờ nhạt

Theo Bộ NNPTNT, hiện cả nước có hơn 14.500 HTX nông nghiệp, hơn 50% hoạt động hiệu quả.

img

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại diễn đàn.

Mới chỉ có 24% HTX liên kết theo chuỗi với DN. “Theo kế hoạch tới năm 2025, con số này mới nâng lên 50%”, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT thông tn.

Ông Hoan đánh giá, ngay tại tỉnh Đồng Tháp-một địa phương phía Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ phát triển HTX nông nghiệp, cũng chỉ có 30% HTX đáp ứng được vai trò.

“Đa phần các HTX không thể làm các dịch vụ đơn giản như: sơ chế, phân loại, đóng bao bì.. mà nhường cho DN. HTX có thể làm các dịch vụ đơn giản này, để không chỉ nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm, mà còn giải quyết lao động tại địa phương” - ông Hoan bộc bạch.

Giám đốc HTX Mỹ An (Đồng Tháp) Nguyễn Hồng Nhanh cho biết, hiện ban lãnh đạo HTX và các thành viên “rất mơ hồ” về các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của DN. “HTX tiếp cận DN, siêu thị còn rất hạn chế do thiếu thông tin” - ông Nhanh chia sẻ.

Ông Nhanh cũng cho biết, HTX đang tổ chức lại sản xuất thay vì chú trọng sản lượng như trước thì đẩy mạnh nâng cao chất lượng, mẫu mã để đưa sản phẩm lên kệ siêu thị.

Trong khi đó, Giám đốc HTX chanh Cao Lãnh (Đồng Tháp) Phạm Minh Cường thừa nhận, để sản xuất nông sản đáp ứng yêu cầu DN đã khó, kiểm soát hoạt động sản xuất của các thành viên HTX còn khó hơn.

“Trước đây, HTX không thể kiểm soát nổi việc các thành viên có đảm bảo sản xuất sạch hay không. Giờ thì HTX tổ chức cho kiểm tra chéo giữa các thành viên” - ông Cường cho biết. Hiện, sản phẩm của HTX này đã vào hệ thống siêu thị, như: Big C, VinEco…

Ông Nguyễn Hữu Toàn-Giám đốc Sài Gòn Co.op cho biết, hệ thống bán lẻ lớn nhất nhì Việt Nam này đang rộng cửa đón nhận các nông sản của nông dân trên cả nước.

“Sài Gòn Co.op không thể kiểm soát nổi chất lượng của bà con nông dân. Vẫn còn tình trạng chưa ổn định về sản lượng, chất lượng nông sản cung cấp cho siêu thị” - ông Toàn cho biết.

img

Nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh Đồng Tháp đã có chỗ đứng trên thị trường.

Ông Toàn cũng cảnh báo, một số nông sản nước ngoài đã lên kệ siêu thị này. Sức ép cạnh tranh giữa các nông sản đang lớn dần. Nông sản Việt Nam phải được tổ chức sản xuất bền vững hơn, cũng như thúc đẩy tiêu thụ tốt hơn.

Phải thay đổi tư duy…

Tại diễn đàn, ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh, ngoài nâng cao nhận thức cho các thành viên về sản xuất đáp ứng yêu cầu của DN, HTX phải có vai trò kết nối, liên kết DN để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản cho nông dân.

Để làm được điều này, ông Nam cho biết, HTX phải thay đổi “tư duy thu gom”, nâng cao tính quản trị…

“Nhiều HTX hiện nay đang hoạt động rất tốt, như một DN, mỗi năm doanh thu cả trăm tỷ đồng. Ngành nông nghiệp đang muốn nhân rộng những mô hình HTX như thế” - ông Nam chia sẻ.

img

Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ An Nguyễn Hồng Nhanh phát biểu.  

Theo ông Hoan, với quan điểm xem làm nông là một nghề, tỉnh Đồng Tháp đang tổ chức cho nông dân đi học nghề làm nông để tổ chức sản xuất  nông nghiệp giá trị cao, thúc đẩy tiêu thụ với DN.

Hiện, khá nhiều nông dân của tỉnh này đang được đào tạo bài bản nghề làm nông, xây dựng HTX tại các trường, viện trong nước.

“Đồng Tháp hy vọng các DN sẽ quan tâm nhiều hơn nữa về nông sản của tỉnh. Tỉnh sẽ tạo cầu nối các bên từ đó tiến tới liên kết phát triển một cách bền vững các ngành hàng nông sản chủ lực của tỉnh” - ông Hoan cho biết.