Kể từ khi thủy điện Bá Thước 2 đi vào hoạt động, nhiều gia đình tại huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) đã biết thêm nghề nuôi cá lồng. Với diện tích mặt nước rộng, nguồn thức ăn như: lá cây, cỏ, sắn, chuối, mía...có xung quanh nhà đang giúp các hộ giảm nhiều chi phí.
Lợp mái cọ vừa làm nơi trông coi cho người nuôi, vừa tạo bóng mát cho cá lồng. Ảnh: Vũ Thượng
Đến nay, số lượng lồng nuôi cá trên địa bàn huyện Bá Thước là 539 lồng, với 411 hộ tham gia. Nuôi cá lồng tập trung chủ yếu ở các xã như: Ái Thượng, Lâm Xa, Hạ Trung, Ban Công…Mô hình nuôi cá lồng đã giải quyết cho hàng trăm hộ dân sống trên lòng hồ thủy điện Bá Thước 2 không có đất sản xuất, nay thoát nghèo, tăng thêm thu nhập.
Người dân chèo thuyền ra thăm lồng cá hằng ngày. Ảnh: Vũ Thượng
Để thấy hiệu quả từ mô hình nuôi cá lồng, phóng viên Dân Việt cùng ông Trương Văn Hoàng (trú tại phố 2, xã Lâm Xa) chèo thuyền ra dòng sông Mã để thăm bè cá lồng của gia đình.
Ông Hoàng nói: "Trước kia gia đình tôi sống bằng nhiều nghề khác nhau nhưng vẫn không thoát được cái nghèo, nhưng kể từ khi nuôi cá ở lòng hồ thủy điện trên sông Mã, có hôm tôi đi làm xa, ở nhà các cháu ũng giúp cho cá ăn được, cuộc sống cũng ổn định hơn. Hiện tại, tôi nuôi 2 lồng cá với với gần 200 con cá trắm cỏ, bình quân một năm cá không thất thoát thì thu về khoảng 35-40 triệu đồng".
Lồng nuôi cá được các hộ thiết kế chủ yếu từ các thanh tre, nứa ghép lại cùng nhau và được kiên cố bởi bốn góc như một cái bè nổi có thể di chuyển khi nước cạn. Phía trên lồng nuôi được đóng khung và lợp một lớp lá cọ lên trên nhằm tạo mát, yên tĩnh cho cá khỏi sợ.
Lồng cá nuôi chủ yếu ghép từ các thanh tre. Ảnh: Vũ Thượng
Thông thường lồng nuôi cá có chiều dài 3 mét, cao 1,8 mét. Cá nuôi chủ yếu là cá trắm cỏ, cá chép, cá chim...đây là những loài cá nuôi phù hợp, lớn rất nhanh và giá bán dao động từ 60.000-100.000 đồng/kg.
Có nhiều năm kinh nghiệm nuôi cá lồng, ông Bùi Văn Thìn (trú tại xã Lâm Xa) chia sẻ:"Nuôi cá lồng không khó, chủ yếu thức ăn sẵn có như lá cây, rau cỏ có xung quanh nên không phải lo, cá bán cũng được giá. Tuy nhiên hộ nuôi nên lưu ý, khi trời mát cá ăn nhiều, còn trời u ám nên cho cá ăn ít. Thức ăn thừa vớt bỏ đi tránh cá ăn vào bị mắc bệnh về tiêu hóa. Nếu quan sát màu nước có vấn đề phải di chuyển lồng nuôi về vị trí khác, nên buộc các túi vôi khô ở bốn góc lồng và bơm nước từ giếng khoan xuống để tạo thêm khí oxy cho đàn cá".
"Như nhà tôi nuôi 3 lồng, chủ yếu cá trắm cỏ thả loại 3 con/kg, cứ thả đầu năm đến cuối năm trọng lượng khoảng 2 - 2,5kg mỗi con là cho thu hoạch. Tôi nuôi ít khi cá bị chết nhờ áp dụng các mẹo trên, mỗi năm thu về cũng gần 100 triệu đồng. Ở đây nhiều hộ nuôi thành công đã vươn lên thoát nghèo, con em được tới trường, học hành phương trưởng...". ông Thìn chia sẻ thêm.
Theo kinh nghiệm, các lồng cá nên được bố trí khoảng cách thưa. Nếu các lồng cá đặt quá gần nhau thì cá lồng có nguy cơ mắc dịch bệnh. Ảnh: Vũ Thượng
Tuy nhiên, việc nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện gặp không ít khó khăn, khi các hộ nuôi phải đối mặt với các vấn đề như: Dịch bệnh, ô nhiễm môi trường…Thông thường cá nuôi ở trên sông hồ hay mắc các bệnh vi rút dẫn đến cá chết trắng, môi trường nước cũng tác động mạnh đến sự phát triển của đàn cá.
Ông Nguyễn Văn Tâm-Phó Phòng NNPTNN huyện Bá Thước cho biết: "Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đang là hướng đi thoát nghèo của địa phương. Ngoài ra, ở đây nhiều điều kiện thuận lợi để con cá phát triển. Chúng tôi cũng đã mở các lớp tập huấn, giúp bà con có thêm kiến thức nuôi cá lồng hiệu quả. Đồng thời, huyện có quy hoạch lồng nuôi, khoảng cách giữa các lồng với nhau và kích thước từng lồng để đảm bảo đúng khoa học kỹ thuật".