Dân Việt

Văn Miếu Vĩnh Phúc hoang tàn – sự lãng phí được báo trước?

Quốc Phong 21/07/2019 08:00 GMT+7
Dự án Văn Miếu Vĩnh Phúc ngay từ lúc manh nha đã gây nhiều tai tiếng và hoài nghi về sự lãng phí ngân sách, và nay thì sự hoang tàn đã đến quá sớm đối với công trình văn hoá “mang tầm thế kỷ” này.

2 năm trước, công trình xây dựng Văn Miếu Vĩnh Phúc đã được làm lễ khánh thành (2017) dù còn ngổn ngang. Thế rồi đến hôm nay, sau 7 năm thi công, công trình có dự toán 270,9 tỷ đồng ban đầu đã đội vốn lên thành 314 tỷ mà vẫn chưa xong. Kiểm toán vào cuộc, dù chỉ mới “sờ” vào 4/7 công trình đã hoàn thiện mà đã phát hiện ra rất nhiều sai phạm yêu cầu xuất toán. Một dự báo không hề ngạc nhiên trong nhiều toan tính khó hiểu.

Đây là một dự án ngay từ lúc manh nha (2008) đã gây nhiều tai tiếng và hoài nghi về sự lãng phí ngân sách đến lạ lùng. Tôi và rất nhiều nhà báo đã viết có lẽ cũng không dưới vài chục bài. Tiếc rằng chẳng một cơ quan nào thèm nghe chúng tôi. 

Đó là chưa kể một vấn đề mấu chốt, tại sao tỉnh Vĩnh Phúc xây Văn Miếu để thờ Khổng Tử (người Trung Hoa) trên đất nước Việt Nam, khi chúng ta đã sang thế kỷ 21, nợ công đang chạm ngưỡng báo động, thì có quá lãng phí không? Có nên không khi mà Văn Miếu Quốc Tử Giám ngay giữa Thủ đô, cách Vĩnh Phúc có vài chục cây số?

img

Hồ Thiên Quang -  được ví như "mắt rồng" phong thủy của Văn Miếu Vĩnh Phúc bị thấm nước, nên không được Sở VHTTDL tỉnh nghiệm thu.

Báo chí mới đây cho biết, Văn Miếu Vĩnh Phúc được chia thành 7 gói thầu riêng rẽ. Hiện, 4/7 gói thầu đã hoàn thiện, được nghiệm thu và đều vượt khối lượng dự tính. Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu phải thu hồi, xử lý số tiền hơn 27 tỷ đồng chi sai.

3 gói thầu còn lại chưa nghiệm thu là do chưa hoàn thiện, bao gồm: Nhà che bia và bia tiến sỹ; san nền tường rào ngoài, hồ Thiên Quang, nhà bia tổng, Đại Thành môn, gác chuông, gác trống, nhà ban quản lý, nhà vệ sinh; hạng mục sân vườn tổng thể, điện - nước phục vụ quần thể dự án. 

Đành rằng, nói như Phó giám đốc Sở VHTTDL Dương Quang Ứng: Các hạng mục này chưa bàn giao, đưa vào sử dụng nên chất lượng công trình vẫn do các nhà thầu thi công chịu trách nhiệm. Nếu có xuống cấp, hư hỏng, nhà thầu phải khắc phục, sửa chữa trước khi kiểm tra, nghiệm thu bàn giao...

Nhưng rồi xem, trong số 3/7 gói thầu còn lại, liệu sẽ ra sao khi những gì đã được hoàn thiện, đã nghiệm thu thì nay cũng có dấu hiệu xuống cấp. Phía Sở VHTTDL tỉnh cũng thừa nhận: Nhiều công trình đã bị xuống cấp, nên dù sắp hết thời hạn bàn giao nhưng Sở không dám nghiệm thu. Điển hình là hồ Thiên Quang nằm ở vị trí trung tâm từ phía cổng vào, có yếu tố phong thủy của dự án đang bị thấm nước. Thế nhưng đơn vị thi công chưa sửa chữa.

Được biết, tuy đã khánh thành là vậy nhưng thực tế, do công trình còn dang dở cho nên cũng chẳng mấy ai đến tham quan, tổ chức kỳ cuộc gì nơi này. Hồ nước thì không có nước, cây thì chi tiền tỷ nhưng chất lượng cực kém. Khi Sở không chịu nhận thì nhà thầu nói gửi tạm, vậy đã đủ thấy chất lượng khá lôm côm...

Sự hoang tàn đã đến quá sớm đối với một công trình văn hoá “mang tầm thế kỷ” chính là đây.

img

Đường lát đá bong tróc, mọc đầy cỏ dại tại Văn Miếu Vĩnh Phúc.

Theo Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc, địa phương này hiện có hơn 1.000 di dích, trong đó có 65 di tích quốc gia. Do không đáp ứng đủ, ngân sách nhà nước chủ yếu chi cho việc duy tu, bảo tồn các di tích quốc gia, còn lại trông chờ vào nguồn xã hội hóa. Vậy thì khi công trình Văn Miếu Vĩnh Phúc nói trên ra đời, ngân sách  nhà nước lại phải gánh cái cục nợ này ra sao, trong khi cả nước đang tính toán từng li từng tí để tinh giảm biên chế, giảm chi tiêu ngân sách. 

Rồi ngay trong cái chung đó, chính địa phương này trong thời gian qua cũng có rất nhiều cố gắng tinh giản bộ máy, con người. Như vậy là “lỗ hà ra lỗ hổng” cũng từ những việc do tiền nhiệm để lại. Giảm được chỗ này lại phình chỗ khác. 

Nếu địa phương nào mà cũng như thế này, ắt rằng chủ trương tinh gọn bộ máy và nhân lực trong nhiệm kỳ Đại hội 12 sẽ rất khó thành công như các Nghị quyết của Đảng về tinh gọn bộ máy chính trị đã đề ra. 

Đất nước mình trong vài ba năm qua kinh tế có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực rất đáng phấn khởi. Thế nhưng, nó vẫn chả bõ bèn gì so với những gì chúng ta chi lãng phí, thiếu căn cơ do đầu tư những công trình kiểu như Văn Miếu Vĩnh Phúc, cho dù có bao biện rằng đây là ngân sách địa phương, có một phần là do xã hội hoá. Giá như chúng ta bớt chi xây dựng những công trình như thế này thì mỗi dịp hướng về ngày tri ân các thương binh, liệt sỹ 27/7 tới đây, sẽ có bao nhiêu ngàn, bao nhiêu vạn trường hợp thân nhân của những anh hùng, thương binh, liệt sỹ được hưởng phúc lợi hữu ích? Chúng ta không nên để dư luận suy diễn chuyện rất không hay lâu nay khi cho rằng, tiền cấp phát cho gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công thì khó bớt xén, phết phảy hơn tiền chi cho các công trình xây dựng. Vì thế nên người ta không quan tâm bằng cách nghĩ ra các dự án xây dựng, đầu tư này nọ.

Hãy xem câu chuyện xây Văn Miếu Vĩnh Phúc như một bài học về công tác thẩm định, phê duyệt  đầu tư hiện nay, chưa đi vào sử dụng thì đã xuống cấp và “mơ màng” khi xây nơi thờ Khổng Tử, để nảy sinh nhiều quan điểm không đồng thuận ngay từ lúc chưa được phê duyệt đầu tư.