Sau bữa cơm chiều, gia đình tôi quây quần bên ấm trà của ba ngồi hàn huyên, kể chuyện. Cũng lâu lắm rồi, cả nhà mới có dịp tụ họp đông đủ con cháu như vầy.
Ba bảo: “Hôm nay ăn lẩu hải sản, bữa nào mình tát hồ bắt cá làm nồi lẩu cá đồng nữa là ngon nè”. Nhắc tới cá đồng là nhắc tới cả bầu trời tuổi thơ của chúng tôi nên đứa nào cũng háo hức.
Chị em tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê miền Trung đầy nắng. Cái nắng mùa hè như thiêu như đốt. Nắng vậy nhưng trưa nào lũ trẻ chúng tôi cũng trốn ba mẹ, rủ nhau tắm suối, bắt cá, mình mẩy lấm lem bùn đất, tanh nồng mà vẫn cười hồn nhiên. Thằng giữa nhà tôi là tay "sát cá", hễ nó vác cần đi câu thể nào cũng có cá mang về ăn. Má tôi là dân biển, ba tôi dân đồng. Má thích ăn cá biển, ba lại mê cá đồng. Chị em tôi lớn lên với những món cá đồng do má tôi nấu. Cách nấu rất riêng nhưng lại rất ngon.
"Trời nắng này, Út nhớ có lá đồng tiền, hái về đem vò với nước là nó đông lại, ăn hăng hăng nhưng mát. Hồi đó, nó mọc đầy trong các bụi ở đồng Bà Năm, đi chăn bò cứ bứt về miết" - thằng Út nhắc làm tôi thấy nhớ quá. Lá đồng tiền là một loại dây leo, chiếc lá có hình tròn như đồng xu, mặt lá trơn không có lông. Lũ trẻ chăn bò chúng tôi thường hái về, rửa sạch rồi vò với nước, lọc bỏ xác, để vài tiếng đồng hồ nước sẽ đông lại giống như sương sâm.
Hồi đó lá sâm nam (cách gọi của người dân quê tôi khi nói về sương sâm) phải lên núi mới có, nhỏ nhỏ như chúng tôi toàn hái lá đồng tiền về làm ăn cho mát. Bây giờ muốn tìm lại những chiếc lá ấy cũng khó, bởi những bụi cây ở cánh đồng đã bị đốt phá, san ủi gần như trơ trụi. Nhớ và tiếc làm sao…
Ngày hè, gió Nam thổi cứ như tát nắng vào mặt. Lũ trẻ quê tôi sau những giờ lên lớp lại ra đồng chăn bò phụ ba mẹ. Làn da cháy nắng, đen nhẻm vì những ngày rong ruổi theo đàn bò hết cánh đồng này đến đám rừng khác giữa cái nắng oi ả. Tôi thường lận theo vài quyển sách hay quyển vở trong chiếc áo khoác để học bài.
Ấy vậy mà học bài giữa đồng lại rất mau thuộc. Vừa học vừa để mắt nhìn đàn bò xem có con nào chạy vào đám mía, đám lúa gần đó không. Ai đã trải qua những ngày tháng chăn bò cắt cỏ, thì chẳng thể nào quên được những trò nghịch ngợm nhưng vui và đầy kỷ niệm mà lũ trẻ chăn bò bày ra. Giờ đây, khi nhắc lại những trò phá phách ấy mọi người vẫn cười nắc nẻ. Ngày đó khổ mà vui thật là vui.
Đời sống khó khăn, lũ trẻ quê tôi ra đời sớm và biết kiếm tiền phụ giúp ba mẹ từ nhỏ. Đứa nào nhỏ thì lượm phân bò bán lấy tiền, lớn chút nữa thì đi chặt mía. Hồi đó, một bó mía có 200 đồng, còn phân bò có 2.000 đồng/bao mà đứa nào đứa nấy tranh nhau đi làm. Nhưng nhờ những ngày tháng giang mình dưới nắng nhặt từng bao phân, chặt từng bó mía mà chúng tôi có thêm động lực để cố gắng học, phấn đấu cho tương lai.
Trong tuổi thơ gian khó ngày đó, chúng tôi nhớ nhất là vị ngọt của những cây nấm mía. Xóm tôi có cái lò đường thủ công, mía sau khi ép xong thì bã chất thành đống. Đến mùa mưa, chỉ cần giở từng lớp bã lên là tha hồ hái nấm. Nấm mía ngọt lịm, thơm lừng, nấu canh hay xào đều ngon. Hương vị ấy mãi đến bây giờ vẫn không thể nào quên. Bao câu chuyện cứ tiếp nối nhau đưa chúng tôi về miền ký ức xưa…
Ký ức tuổi thơ không thể nào quên.
Giữa cuộc sống phố thị náo nhiệt, hối hả đôi khi chỉ muốn tìm về góc vườn của mẹ, ao cá của ba để sống chậm lại. Bỏ hết những muộn phiền cuộc sống, về quê tát ao rồi cả nhà lao xuống bắt cá, tìm về những ngày ấu thơ gian khổ nhưng đầy kỷ niệm…