Rơi cầu không còn là chuyện lạ
Người dân tại Pác Tuồng - Khản Va, thôn Nà Dăm, xã Xuân Dương của huyện Na Rì phản ánh tới Dân Việt về việc bao năm nay phải đi lại trên cây cầu tạm hết sức nguy hiểm. Đã có nhiều trường hợp lao cả người và xe xuống dưới cầu, thậm chí đã có chết người. Vậy nhưng đến nay, cây cầu này vẫn chưa được thay thế bằng cầu treo hoặc cầu cứng.
Dài hơn 13m, dầm cầu tạm được làm hoàn toàn bằng thân cây mai hoặc cây vàu, mỗi khi lũ lớn cầu lại trôi mất.
Khi mưa, mặt cầu trơn như đổ mỡ, nhất là tại hai điểm đầu cầu, rất dễ khiến người và xe cùng bị "tắm" suối.
Từ mặt cầu xuống đến mặt nước khoảng 3 - 4m chưa kể dưới nước có chỗ sâu gần 2m, rất nhiều đá hộc. Phụ nữ qua chỗ này thường phải có người giúp đỡ khi trời mưa.
Thời điểm PV Dân Việt có mặt tại cầu Pác Tuồng, cơn mưa vừa chớm ngớt, tuy lũ chưa kịp về nhưng tại hai điểm cầu, bùn đất đã kịp nhão nhoét, trơn trượt. Điểm đầu cầu theo hướng Khản Va ra đường liên xã là một khúc quành tay áo nhỏ hẹp có độ dốc lớn, rất chênh vênh và tiềm ẩn nguy cơ lao xuống vực khi mưa.
Anh Hoàng Văn Xu, thôn Nà Dăm cho biết, người trong Pác Tuồng - Khản Va này hằng ngày vẫn đi lại qua cây cầu đó, lúc nắng thì không sao, cứ mưa là trơn trượt, sợ lắm. Việc lao xuống đầu cầu, rơi xuống suối là chuyện thường tình, do từ trong Khản Va ra đường liên xã, đúng điểm đầu cầu Pác Tuồng là khúc cua, lại xuống dốc nên dễ mất lái.
“Bình thường cứ 2 năm, người dân chúng tôi lại hò nhau làm lại cầu, vì cầu được làm từ những thân mai, thân vàu, không làm lại, mục mọt sẽ sập; chưa kể cứ sau mỗi trận lũ to, cầu bị trôi, chúng tôi lại lọ mọ làm”, anh Xu cho hay.
Bà Hứa Thị Đèn, nhà ở ngay đầu dốc xuống cầu Pác Tuồng than: "Trong này người dân kêu nhiều lắm, nhưng chưa thấy nhà nước làm cho bà con đâu ố. Có người rơi cầu chết rồi, sau này còn nhiều người rơi cầu lắm, chưa chết thôi! Cả con trai và con gái tôi cũng đã từng bị rơi rồi. Người dân chỉ mong sớm có cây cầu để đi lại, chứ thế này sợ lắm”.
Bà Đèn cho hay, cả con trai và con gái bà cũng đều đã từng bị rơi xuống cầu Pác Tuồng.
Ông Thủ nói về những nguy hiểm mà người dân thường phải đương đầu vào mùa mưa lũ khi qua cầu Pác Tuồng.
Ông Nông Văn Thủ cũng có con trai từng bị rơi ở cây cầu Pác Tuồng, ông cho biết, mong muốn lớn nhất của người dân ở đây là có được cây cầu kiên cố thay thế cầu tạm để đi lại cho an toàn.
Giống như bà Đèn, ông Nông Văn Thủ cũng có con trai từng rơi cầu suýt mất mạng. Ông Thủ bảo, con trai ông là Nông Văn Thưởng hiện đang là công an thôn, bị rơi xuống chính chỗ cầu ấy. Ông Phùng Văn Mong ở Khản Va cách đây mấy năm chở lợn qua cầu, rơi xuống chết cả người lẫn lợn đấy, sau còn có nhiều người lắm.
"Nguyện vọng của người dân bây giờ ai cũng mong muốn có cây cầu chắc chắn để đi lại cho an toàn. Tiếp xúc cử tri lần nào cũng phản ánh, nói mãi nản rồi. Cũng thấy có mấy đoàn vào, bàn bạc rồi mỗi người một ý, không thấy làm gì, vẫn như cũ, lại cắn răng mà đi thôi," ông Thủ nói.
Loay hoay tìm nguồn, nhà tài trợ
Trao đổi với PV Dân Việt, ngày 21/7, ông Hoàng Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã Xuân Dương cho biết, cây cầu tạm Pác Tuồng đã có từ rất lâu, người dân và UBND xã cũng đã nhiều lần phản ánh kiến nghị lên cấp trên. Các cuộc tiếp xúc cử tri Đại biểu HĐND các cấp cũng đã phản ánh việc cần có cây cầu mới thay thế, tuy nhiên vẫn chưa được giải quyết.
Qua tìm hiểu, PV được biết, khó khăn ở chỗ huyện chưa bố trí được kinh phí, xã không có nguồn, chương trình xây dựng nông thôn mới hằng năm nguồn vốn được cấp cũng rất ít. Hơn nữa, nguồn này nếu làm cầu chỉ thiết kế theo kiểu đơn giản, cộng đồng tự thực hiện, nhưng tại vị trí đặt cây cầu Pác Tuồng, địa hình hết sức phức tạp, do vậy muốn bố trí nguồn vốn này cũng hết sức khó khăn.
Ngoài ra, xã cũng đã tiếp cận xem xét các nguồn vốn khác để khảo sát đầu tư, tuy nhiên, cây cầu vẫn chưa được xây dựng do chi phí cho việc xây dựng cây cầu này lớn hơn ngưỡng được phép đầu tư của chủ các nguồn vốn.
Pác Tuồng - Khản Va đất bờ xôi ruộng mật, chỉ tiếc là thiếu một cây cầu kiên cố để bà con yên tâm đi lại vào mùa mưa.
“Chúng tôi thấu hiểu và rất chia sẻ với nguyện vọng của bà con. Người dân mong mỏi lắm rồi, thậm chí đã đồng thuận hiến đất nếu nhà nước cần đến, miễn sao có được cây cầu cho dân đi thôi, hiện tôi vẫn đang tìm nguồn vốn”, ông Thưởng cho biết.
“Tôi vừa liên hệ với huyện xin cầu treo không dùng đến của xã Kim Lư và Lạng San nhưng không biết được không, nếu được sẽ mang về cùng bà con gia cố lại cho chắc chắn. Hôm thứ sáu (19/7) tôi cũng đã gọi điện cho trưởng thôn Nà Dăm để bàn về việc này. Hai cây cầu treo kia đã hỏng, chỉ dùng được các cổng của cầu, chúng tôi sẽ nghiên cứu gia cố, hàn các cổng lại rồi đặt ngang làm dầm cầu, dù sao được thế vẫn an toàn hơn nhiều so với cây cầu bắc tạm hiện nay”, ông Thưởng thông tin thêm.
19 hộ dân với hơn 70 nhân khẩu, trong đó có nhiều người già và trẻ em tại Pác Tuồng - Khản Va của thôn Nà Dăm đang hằng ngày đối mặt với nguy hiểm khi phải qua lại trên cây cầu tạm chênh vênh, trơn trượt. Để đảm bảo an toàn cho người dân nơi đây, rất cần có một cây cầu cứng hoặc cầu treo thay thế. Người dân Nà Dăm sau nhiều lần kiến nghị chưa được, giờ tiếp tục hy vọng sẽ có được “Mạnh Thường Quân” sẵn sàng ra tay giúp đỡ để bà con vượt qua khó khăn, đặc biệt trong các mùa mưa lũ.