Từ bắt đầu nhiệm kỳ khóa XII của Trung ương Đảng, hầu như tháng nào UBKT TƯ đều có kết luận về một loạt sai phạm của những cán bộ biến chất. Tiếp đó, một số bị các cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Thậm chí, kể cả đã leo lên đến đỉnh cao quyền lực như ông Đinh La Thăng cũng không thoát khỏi vòng lao lý. Đặc biệt, những kết luận hàng tháng của UBKT TƯ vẫn đều đều, vẫn nóng và đều được công khai ngay lập tức. “Không có vùng cấm” không còn là khẩu hiệu mà đã đi vào cuộc sống một cách sống động. Ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực, dù cấp cao đến đâu, những đối tượng nhúng chàm, kể cả công an hay quân đội, thứ trưởng hay bộ trưởng, đương chức hay đã nghỉ hưu, đã lần lượt bị sa lưới pháp luật. Niềm tin của dân vào Đảng dần được phục hồi.
Nhưng với dư luận, một câu hỏi lớn được đặt ra: Nhiều kết luận của UBKT TƯ và của cơ quan điều tra cho thấy, nhiều sai phạm không phải quá “mờ”, nhưng tại sao, sau thời gian rất dài, thậm chí đối tượng đã “nhẩy” được nhiều nấc thang quyền lực, sai phạm mới bị phát hiện?
Đây là câu hỏi không dễ trả lời với các cơ quan chức năng, nhưng lại không quá khó với dư luận.
Cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường bị kỷ luật vì mắc nhiều sai phạm.
Mới đây nhất, ông Nguyễn Hồng Trường - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT đã bị Ban Bí thư cách chức Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ GTVT nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021. Theo đó, ông Trường đã mắc hàng loạt sai phạm, trong đó có những sai phạm ngay từ khi mới lên thứ trưởng. Cụ thể, tháng 7.2012 ông Trường ký văn bản gửi TCty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) để “giới thiệu” Cty Yên Khánh của bà Vũ Thị Hoan thực hiện thu phí và đề nghị VEC đàm phán với nhà đầu tư. Và sau đó, ông còn ký một số văn bản khác đề nghị cấp dưới, nhưng thực chất không khác gì yêu cầu chỉ định thầu. Sau đó, năm 2018, bà Hoan bị khởi tố trong vụ án “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Vì sao những sai phạm rõ như ban ngày, các cơ quan chức năng không sớm phát hiện, nay hết hai nhiệm kỳ, nghỉ hưu rồi mới bị phát hiện để kỷ luật? Câu hỏi đặt ra để thấy, có cái gì đó sai sai trong quản lý, kiểm tra tầng tầng lớp lớp của các cơ quan chức năng.
Thực ra, so với các trường hợp khác, sai phạm của ông Trường cũng chưa thấm tháp gì.
Chẳng hạn, những Vũ “nhôm”, Út “trọc” - những đối tượng được biên chế trong lực lượng vũ trang, nơi được coi là kỷ luật nghiêm nhất có thể tung hoành ngang dọc, bất chấp kỷ cương phép nước? Khi những đối tượng này bị sa lưới pháp luật, kéo theo một loạt tướng tá, vốn là thủ trưởng của họ, cũng vướng vòng lao lý. Đáng chú ý là những “thủ trưởng” từng bảo kê cho các đối tượng này vẫn lên chức ầm ầm, tới hàm trung tướng, thượng tướng với chức danh thứ trưởng. Không chỉ vậy, một loạt lãnh đạo địa phương dính với những “nhôm”, những “trọc” cũng bị ngã ngựa một cách thật đau xót. Mỗi vụ án có một tính chất khác nhau, nhưng có một điểm chung: Nghe rất rõ tiếng xủng xoẻng của đồng tiền. Các nhóm lợi ích trong các vụ án này thể hiện khá rõ.
Vũ “nhôm” cùng hai cựu thứ trưởng Bộ Công an hầu tòa.
Nếu như hai đối tượng trên dính dáng đến lực lượng vũ trang, có phần tương đối được khép kín, được “bảo hộ” bằng những dấu mật, thì với tất cả những quan chức dân sự bị sa lưới pháp luật, nhiều cái rõ như ban ngày nhưng vì sao tồn tại nhiều năm trời, thậm chí hàng chục năm mới bị phát hiện?
Như trong vụ Thủ Thiêm, các cơ quan thực thi đã giải phóng mặt bằng hàng chục hộ dân ngoài ranh quy hoạch. Rồi cả trăm hécta dành cho khu tái định cư ở trung tâm Thủ Thiêm cũng bị “cướp” trắng trợn. Những hành động đó cho thấy, một loạt quan chức biến chất, có quyền hạn trong tay đã bất chấp pháp luật, bất chấp dư luận. Ngay những ngày đầu tiên bị mất nhà cửa oan trái, người dân đã khiếu kiện, ngày càng gay gắt, đông người, nhưng tất cả những văn bản trả lời của các cơ quan ở thành phố đều cho rằng, họ đã tố cáo, khiếu nại không có cơ sở!?...
Các băng nhóm lợi ích ở đây, vì có quyền lực trong tay, đã tác oai tác quái hàng chục năm trời. Không chỉ bắt nạt dân, họ còn bất chấp các cơ quan chức năng, trắng trợn chỉ định thầu với giá trên trời (như vụ giá 1.000 tỉ đồng/km đường). Họ tưởng rằng, bàn tay có thể che lấp mặt trời, nhưng lưới trời lồng lộng, lần lượt từng đối tượng đã, đang và sẽ bị pháp luật trừng trị.
Câu hỏi nóng bỏng lúc này là, cần làm gì để hạn chế những sai phạm vừa nghiêm trọng, vừa kéo dài kiểu như thế này?
Với dư luận, trước hết, cần xử lý nghiêm khắc, kể cả xử lý hình sự những đối tượng “bảo kê” cho các sai phạm. Họ không thể đổ lỗi cho cơ chế, không thể đổ lỗi cho tập thể, mà phải có người chịu trách nhiệm, trước hết là người đứng đầu, kể cả các trưởng đoàn kiểm tra (thanh tra, kiểm toán, kiểm tra liên ngành...) để lọt các sai phạm dài dài.
Hy vọng rằng, việc nhiều đối tượng đã phải chịu tội, bất chấp ở cương vị nào, dù đương chức hay đã nghỉ hưu, bởi công cuộc “đốt lò” đang hừng hực khí thế, chắc chắn sẽ hạn chế tối đa những kẻ coi thường pháp luật và coi thường người dân.