Dân Việt

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức 6,76%

Quốc Hải 22/07/2019 17:59 GMT+7
Nửa đầu năm 2019, ghi nhận tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6,76% - thấp hơn mức tăng 7,08% của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 - 2017. Tình hình sẽ càng khó khăn hơn cho Việt Nam khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang sẽ xuất hiện những chuyển biến khó dự đoán.

Tại hội thảo “Việt Nam trong bối cảnh bấp bênh của kinh tế toàn cầu năm 2019” diễn ra hôm nay 22/7, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, nửa đầu năm 2019 ghi nhận tăng trưởng kinh tế ở mức 6,76% - thấp hơn mức tăng 7,08% của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 - 2017.

img

Các chuyên gia kinh tế dự báo về tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2019 của kinh tế Việt Nam (Ảnh: Quốc Hải)

“Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng và chuyển biến khó dự đoán đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế toàn cầu. Hoạt động xuất khẩu Việt Nam ngay lập tức hứng chịu cú sốc này khi tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm chỉ còn 7,3% - thấp hơn rất nhiều so với con số 17,8% đạt được ở 6 tháng 2018. Hệ quả là thâm hụt thương mại đã quay trở lại ở mức 37 triệu USD trong khi một năm trước đó thặng dư cao ở mức 4,12 tỷ USD”, ông Trung cho biết.

Đồng thời, theo ông Trung, quan trọng hơn, cú sốc này đã phần nào bộc lộ rõ điểm yếu lớn của nền kinh tế là phụ thuộc quá nhiều vào khu vực kinh tế nước ngoài ở những mắt xích quan trọng...

Dẫn chứng về lập luận này, theo ông Trung, đơn cử như việc các doanh nghiệp FDI chiếm 70% giá trị xuất khẩu đã được nói đến nhiều năm nay. Sau 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng 10,8% không đủ để kéo tăng trưởng xuất khẩu toàn nền kinh tế do xuất khẩu khu vực FDI chỉ tăng 5,9%. Đáng nói hơn, thặng dư thương mại từ khu vực FDI đã đóng vai trò quan trọng để bù đắp thâm hụt thương mại từ khu vực kinh tế trong nước trong nhiều năm qua.

Về dự trữ ngoại hối, tính đến cuối tháng 6/2019 tại Việt Nam đã tăng lên mức kỷ lục 68 tỷ USD.

“Các dòng vốn FDI vào hằng năm là nguồn cung cấp ngoại tệ quan trọng trong tích lũy dự trữ ngoại hối, góp phần tạo kỷ lục mới ở mức 68 tỷ USD vào cuối tháng 6 vừa qua”, ông Trung nhận định.

Tuy nhiên, ông Trung cũng cho rằng, lượng dự trữ ngoại hối này tương đương 13,4 tuần nhập khẩu ước tính năm 2019, đạt đỉnh mới nhưng không gây áp lực lạm phát. Bởi dự trữ ngoại hối tăng mạnh nhưng tăng trưởng cung tiền và tín dụng vẫn được kiểm soát cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện can thiệp trung hòa phù hợp.

“So với cuối tháng 12.2018, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng chỉ ở mức 6,54% và 7,33%. Do đó áp lực lạm phát đã không xuất hiện, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Trung nói.

img

Tình hình thu chi NSNN 6 tháng đầu năm 2019 (nguồn báo cáo của ĐH Ngân hàng TP.HCM)

Về kịch bản kinh tế 6 tháng cuối năm 2019, các chuyên gia kinh tế cũng dự báo, nửa cuối năm 2019, những ngành sản xuất hàng xuất khẩu, chế biến - chế tạo vẫn có nhiều cơ hội phát triển. Trong bối cảnh chung của lạm phát toàn cầu giảm, đi cùng với việc giảm giá dầu là điều kiện thuận lợi trong việc bình ổn giá cả trong nước nói chung, và giá nguyên liệu nói riêng.

“Trong 6 tháng cuối năm, lạm phát Việt Nam được kỳ vọng giảm như xu hướng chung của thế giới và điều này giúp Việt Nam có thể đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% cho cả năm như đã đề ra”, báo cáo của các chuyên gia đến từ ĐH Ngân hàng TP.HCM nêu rõ.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng dự báo đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng ổn định do căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục được kỳ vọng dẫn đầu trong thu hút vốn FDI như ngành này đã thực hiện được trong 6 tháng đầu năm 2019. Các quốc gia và vùng lãnh thổ truyền thống chiếm tỷ trọng FDI cao vẫn sẽ thuộc khu vực châu Á như: Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore…