Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn. (Ảnh minh hoạ)
Phía sau con số lợi nhuận 392 tỷ đồng của Vĩnh Hoàn
Dưới sự điều hành của bà Trương Thị Lệ Khanh và các cộng sự, Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC) ghi nhận giá trị xuất khẩu đạt 40 triệu USD trong tháng 6/2019, tăng 74% so với tháng 5/2019 và tăng 23% so với cùng kì năm trước.
Kết quả này chủ yếu được dẫn dắt bởi sự phục hồi sản lượng xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn ghi nhận giá trị xuất khẩu lũy kế 158 triệu USD, đi ngang so với cùng kì 2018.
Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), sản lượng xuất khẩu của Vĩnh Hoàn sẽ phục hồi trong nửa cuối 2019 sau khi chững lại tạm thời trong nửa đầu năm 2019.
VCSC cho rằng, sự chững lại về giá trị trong 6 tháng 2019 do tâm lý chờ đợi của nhà mua hàng Mỹ trước khi có quyết định chính thức về kết quả điều tra chống bán phá giá. Ngoài ra, đơn hàng yếu và giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh nên Vĩnh Hoàn đã điều chỉnh giảm giá bán trong tháng 4 và 5 nhằm thúc đẩy doanh số bán.
Sản lượng xuất khẩu của Vĩnh Hoàn dự kiến sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2019. (Ảnh minh hoạ)
Kết quả, báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 được Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC) công bố mới đây cho thấy, doanh thu thuần quý vừa qua của Vĩnh Hoàn đạt 2.024 tỷ đồng, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2018. Sau khi trừ giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp do "nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh điều hành đạt 428 tỷ đồng, giảm 7%.
Song điểm đáng chú ý trong nội dung báo cáo kết quả kinh doanh lần này của Vĩnh Hoàn là việc doanh nghiệp vẫn ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế đạt 449 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018. Còn lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn tăng 19% so với cùng kỳ, lên 392 tỷ đồng.
Sự “ngược chiều” về xu hướng tăng trưởng giữa hai khoản lợi nhuận gộp và lợi nhuận trước thuế của Vĩnh Hoàn trong quý II/2019 một phần tới từ khoản doanh thu tài chính trong kỳ tăng gấp 4,6 lần lên 148 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính lại giảm mạnh 74%, xuống còn 24,2 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của PV, tháng 6/2019, HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn đã quyết định giảm tỷ lệ cổ phần sở hữu tại Vạn Đức Tiền Giang xuống còn 35% và chuyển nhượng 25% cổ phần tại Công ty CP Octogone Holdings Pte.Ltd - một doanh nghiệp chuyên hỗ trợ hoạt động bán hàng và logistics của Vĩnh Hoàn tại Trung Quốc. Đồng thời, doanh nghiệp dự kiến thu về khoản lợi nhuận bất thường 107 tỷ đồng nhờ các thương vụ thoái vốn trong quý II/2019
Trong kỳ, Vĩnh Hoàn ghi nhận lỗ 11 tỷ từ các liên doanh, liên kết. Còn chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 15% và 13% so với cùng kỳ. Những yếu tố kể trên cũng tạo ra một phần ảnh hưởng tới con số lợi nhuận cuối kỳ của Vĩnh Hoàn.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn giảm 5,7% còn 3.813 tỷ đồng. Còn lợi nhuận trước thuế tăng mạnh 56% lên 795 tỷ đồng.
Theo một số dự báo, nửa cuối năm 2019, Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng mạnh về sản lượng nhờ giá bán cạnh tranh hơn sau khi giảm trong tháng 4, 5 năm 2019. Thêm vào đó, là nhu cầu theo mùa cao hơn khi khi mùa nghỉ lễ vào quý IV/2019 đã tới gần, còn tâm lý người mua tại Mỹ cũng sẽ được cải thiện sau khi có kết quả chính thức của kỳ soát xét thuế chống bán phá giá tại Mỹ.
Cuối cùng, mức áp thuế 25% của Mỹ đối với cá rô phi Trung Quốc sẽ giúp cá tra có thêm thị phần tại thị trường thuỷ sản Mỹ.
Theo thông tin từ VASEP, năm 2018, xuất khẩu hải sản Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu cá tra ghi nhận mức cao kỷ lục 20 năm khi đạt 2,3 tỷ USD, tăng 27%. Sự phát triển của mặt hàng cá tra sẽ tiếp tục trong năm 2019 với kỳ vọng đạt 3 triệu tấn cá, tăng 4,6% so với năm 2018.
Hiện tại, trên sàn chứng khoán, giá trị giao dịch của cổ phiếu VHC đang ở mức 89.800 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm 2019.
“Vua cá tra” Dương Ngọc Minh tiếp tục xuống dốc
Trái ngược với những diễn biến tại Vĩnh Hoàn của “nữ hoàng cá tra” Trương Thị Lệ Khanh, “vua cá tra” một thời Dương Ngọc Minh cùng các cộng sự vẫn đang tìm lối ra cho Công ty CP Hùng Vương (HVG).
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hùng Vương. (Ảnh minh hoạ)
Tại báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2019, niên độ 1/10/2018-30/9/2019, Hùng Vương báo lỗ gần 112 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập ghi nhận mức lãi gần 25 tỷ đồng.
Sau soát xét, doanh thu thuần Hùng Vương đạt 2.876 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ so với báo cáo tự lập. Cùng với đó, giá vốn hàng bán cũng tăng hơn 400 tỷ đồng, lên 2.556 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính soát xét của Hùng Vương cũng ghi nhận nhiều thay đổi ở khoản chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp. Trong đó, chi phí quản lý doanh nghiệp của Hùng Vương tăng gấp 4 lần, lên 159 tỷ đồng. Những thay đổi đáng kể trên làm Hùng Vương lỗ gần 112 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019, nâng lỗ lũy kế tính đến ngày 31/3/2019 lên gần 528 tỷ đồng.
Ngoài ra, kiểm toán viên cũng lưu ý có khoản vay quá hạn thanh toán tại các ngân hàng thương mại, dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Hùng Vương.
Tại ngày 31/3/2019, Hùng Vương có nợ vay ngân hàng gần 3.087 tỷ đồng, phần lớn là vay ngắn hạn với số tiền2.964 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 1.930 tỷ đồng vay BIDV, kỳ hạn trả gốc lãi từ ngày 5/4/2019 đến 28/12/2020. Ngoài ra, còn khoản nợ vay gần 602 tỷ đồng tại Vietcombank đã quá hạn thanh toán.
Đặc biệt, ngày 12/6, sau khi nhận được báo cáo tài chính soát xét bán niên riêng và hợp nhất năm 2019 (niên độ từ 1/10/2019-30/9/2019) của Hùng Vương, HOSE tiếp tục duy trì diện kiểm soát đối với cổ phiếu HVG.
Một thông tin thiếu tích cực khác cũng tác động tới Hùng Vương là sự kiện Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) công bố kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1.8.2016 đến 31.7.2017. Mức thuế cuối cùng này tăng cao hơn nhiều so với kết quả sơ bộ đã được công bố hồi tháng 9.2018.
Theo đó, mức thuế cuối cùng của POR14 đối với CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) là 3,87 USD/kg (so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ). Kết quả, thông tin này đã từng tạo tác động xấu khiến cổ phiếu HVG giảm sàn 8 phiên.