Dân Việt

Người lính Trường Sa và vựa tôm vùng cát

Hùng Phiên 10/04/2014 07:03 GMT+7
Tên tuổi cựu binh Trường Sa - tỷ phú Phạm Rùm (chủ doanh nghiệp tư nhân Thủy sản Năm Rùm) đã định danh ở vùng cát 3 xã Hòa Hiệp, huyện Đông Hòa, Phú Yên, nhiều năm gắn bó với con tôm.
Chúng tôi đến nhà lúc ông Rùm đang đi họp chi bộ (ông là Bí thư chi bộ thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam). Vợ ông - bà Huỳnh Thị Năm tiếp chuyện: “Tui với anh Rùm cùng sinh năm 1966, học cùng lớp phổ thông, rồi ảnh đi lính Trường Sa từ năm 1985 - 1988. Ảnh ra quân là chúng tôi cưới nhau. Tui buôn bán tôm từ nhỏ, còn ảnh ra quân thì vừa làm công tác của xã, làm ruộng, vừa hùn hạp với anh em nuôi tôm. Khi đó, bỏ tiền triệu ra “đánh bạc” với tôm sú, tui cũng run nhưng ảnh gan lắm…”.

img

Năm Rùm về, ngồi vào bàn góp chuyện: “Anh em lính đảo đâu có dịp tiêu tiền, khi ra quân về đất liền, thằng nào cũng “khờ đặc”, chẳng biết mệnh giá thay đổi ra sao. Thế rồi lập gia đình, làm ruộng xứ cát này chẳng kiếm được mấy hột, nghèo quá. Vợ chồng bàn nhau mượn vốn góp nuôi tôm, rồi đầu tư thu mua tôm của bà con để cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Cứ thế tích góp, mở rộng quy mô”.

Ông Rùm cho biết, mỗi năm ông thu mua của khách hàng 500 - 700 tấn tôm, các hồ nuôi của gia đình cung cấp 70 - 80 tấn; doanh thu trên 800 tỷ đồng/năm.

Ngày Năm Rùm rời quân ngũ, vùng cát sông Bàn Thạch (hạ lưu sông Ba) bắt đầu được mệnh danh là “dòng sông Dream”, bởi người dân trúng tôm sắm xe Dream rất nhiều. Thế rồi dịch bệnh hoành hành, nhiều đại gia tôm sú phải lên rừng đốt than.

Thế nhưng nhà Năm Rùm vẫn giữ “thăng bằng” nhờ cả quyết chuyển hướng nhanh sang nuôi tôm thẻ chân trắng, rồi vận động, đầu tư cho nhiều người cùng nuôi. “Cũng nhờ các mối thông tin làm ăn, mình nắm bắt được cái ưu việt của con tôm thẻ chân trắng, như năng suất cao, ít dịch bệnh. Quan trọng là phải dám đầu tư nuôi theo mô hình khép kín, làm việc rõ ràng với các công ty để có được con giống đảm bảo. Mình phải quyết đoán làm trước, rồi bà con mới nhìn vào mà cùng làm. Bà con có nuôi tôm nhiều thì doanh nghiệp mình mới đủ nguồn tôm thương phẩm để cung ứng theo các hợp đồng” - Năm Rùm cho hay.

Ông Trần Hồng - người đang nuôi 1ha tôm tại Hòa Hiệp Nam nói: “Anh Rùm làm ăn rất bài bản, uy tín. Giá cả thu tôm luôn thuận mua vừa bán theo thị trường. Là bạn hàng nhiều năm, nhiều bà con nuôi tôm đã được ảnh ứng vốn không tính lãi; cuộc sống khi thăng, lúc trầm đều luôn gắn bó nhau”.

Cùng với mua bán tôm thương phẩm, cung cấp thức ăn thủy sản, doanh nghiệp tư nhân Năm Rùm hiện đang trực tiếp nuôi 5ha tôm thẻ chân trắng. Ông Ngô Tận - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Nam nhận xét: “Gia đình ông Năm Rùm làm ăn rất căn cơ, tổ chức doanh nghiệp đâu ra đó, mỗi năm nộp thuế trên 10 tỷ đồng”.