Dân Việt

Hà Nội gấp rút lo sinh kế cho nông dân sau "bão" dịch tả

Hải Đăng 26/07/2019 05:25 GMT+7
Theo báo cáo của Sở NNPTNT Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; dịch bệnh gia súc, gia cầm tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, tốc độ nhanh và chưa được kiểm soát... song, tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn ổn định, ước tăng 1,15% so với cùng kỳ năm trước.

img

Trang trại lợn 6.000 con của HTX Chăn nuôi Hoàng Long ở Thanh Oai (Hà Nội) vẫn an toàn trước "bão" dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Đăng Hải

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Thủ đô đã hoàn thành công tác gieo cấy và thu hoạch vụ đông và vụ xuân năm 2019; thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ kịp thời… Toàn thành phố xây dựng và duy trì 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ; thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi.

Tuy đạt nhiều kết quả nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến phát triển chăn nuôi lợn...

Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị các sở ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan mà phải tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp khống chế dịch tả lợn châu Phi.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội, dù đã có hướng dẫn tái đàn của Bộ NNPTNT, tuy nhiên, thành phố chưa khuyến khích chủ trương này. Thay vào đó, các địa phương tập trung phát triển đàn gia súc lớn (trâu, bò, dê) và gia cầm đặc sản (gà Mía Sơn Tây, gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn...). Đồng thời, tiếp tục mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản tại các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai… 

"Hà Nội phải phấn đấu tăng sản lượng các lĩnh vực sản xuất ngoài chăn nuôi lợn để bù đắp lượng thực phẩm thiếu hụt từ thịt lợn trong dịp cuối năm", ông Sửu nói.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Sửu, cùng với phát triển đa dạng các lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, các địa phương cũng cần cố gắng bảo vệ đàn lợn hiện có, nhất là đàn lợn giống ông bà; tạo điều kiện cho công tác phục hồi chăn nuôi lợn về lâu dài. Những địa phương giáp ranh không nhập lợn giống, lợn thịt không rõ nguồn gốc về Hà Nội giết mổ. Đồng thời, làm tốt công tác an toàn sinh học để ngăn dịch tả lợn châu Phi lây lan.