dd/mm/yyyy

Quảng Nam đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch

Với mục tiêu nâng cao hơn nữa đời sống cho cư dân nông thôn, tỉnh Quảng Nam đang tập trung đầu tư, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm khơi dậy tiềm năng của vùng đất này.

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết: Thời gian qua, đi đôi với việc vận dụng các cơ chế chính sách hiện có của Trung ương, Quảng Nam đã có nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như khuyến khích phát triển chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, dược liệu..., trong đó chú trọng ứng dụng ngày càng nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.

Nhiều cánh đồng trồng rau theo hướng sạch ở Quảng Nam hình thành và cho thu nhập cao.
Nhiều cánh đồng trồng rau theo hướng sạch ở Quảng Nam hình thành và cho thu nhập cao.

Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp liên tục tăng qua các năm và cao hơn mức trung bình cả nước. Năm 2017, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 12.965 tỉ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó: nông nghiệp tăng 3,0 %; lâm nghiệp tăng 6,8%; thủy sản tăng 6,5%. Mặc dù hiện nay, giá trị ngành nông nghiệp chỉ chiếm tỉ trọng 11,6% tổng sản phẩm trên địa bàn nhưng lại chiếm 62% lao động và 76% dân số ở khu vực nông thôn.

Cũng theo ông Lê Muộn, hiện nay, các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa nông, lâm, thủy sản đang hình thành và phát triển ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, ngành nông nghiệp Quảng Nam đã cung cấp cho thị trường trên 100 nghìn tấn sản phẩm thủy sản; trên 520 nghìn tấn cây lương thực có hạt và 270 nghìn tấn rau đậu các loại; 60 nghìn tấn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm và có khoảng trên 3.000 cơ sở tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh vật tư nông, lâm thủy sản.

“Cùng với đó, tỉnh cũng rất chú trọng đến phát triển các sản phẩm nông nghiệp an toàn theo chuỗi gắn với xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu hàng hóa mang đặc sắc riêng của Quảng Nam; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sinh học trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp…” - ông Muộn chia sẻ.

Theo ngành nông nghiệp Quảng Nam, hiện tỉnh đã xây dựng thành công một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả tại các địa phương trong tỉnh, có nhãn hiệu và thương hiệu, tạo ra sản phẩm mang đặc sắc riêng và được ứng dụng nhân rộng vào sản xuất.

Đơn cử như mô hình ứng dụng công nghệ cao tại nông trường VinEco Nam Hội An của Công ty VinEco (thuộc Tập đoàn Vingroup) không chỉ gây ấn tượng bởi kiến trúc độc đáo mà còn là 1 trong 15 nông trường được Vingroup đầu tư công nghệ canh tác thông minh bậc nhất, với những thiết bị, hạ tầng nông nghiệp, được chuyển giao 100% từ nước ngoài; công nghệ nhà kính điều khiển khí hậu (Pháp), công nghệ canh tác nhiều tầng (Singapore), công nghệ sản xuất nhà màng và công nghệ tưới thông minh (Israel), cho phép trồng rau quanh năm.

“Mặc dù đây là mô hình mới, có chi phí đầu tư lớn nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất đại trà. Chất lượng sản phẩm tăng, giá bán tăng 20% so với đại trà, dễ tiêu thụ. Quá trình sản xuất được duy trì ổn định, có sản phẩm để cung cấp thường xuyên cho thị trường” - ông Muộn phấn khởi nói.

Từ năm 2.000, Quảng Nam đã tiếp nhận công nghệ sản xuất giống từ các viện, trường và tổ chức sản xuất thành công hạt lúa lai F1 và ngô lai. Nhờ đó, hiệu quả sản xuất tăng lên nhiều lần so với bình thường (hiệu quả tăng từ 30 -50%).

Với diện tích sản xuất hạt giống lúa F1 (cả tổ hợp lai 3 dòng và 2 dòng) hàng năm 150 - 300 ha, Quảng Nam đã trở thành một trong những địa phương có diện tích sản xuất hạt giống lúa F1 lớn nhất cả nước.

Theo ông Lê Muộn, từ kết quả bước đầu của các mô hình, hiện nay có nhiều dự án Khởi nghiệp sáng tạo của các bạn trẻ trong tỉnh đã xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao ở các địa phương như: Điện Tiến- Điện Bàn, Tam Thành, Tam Đàn - Phú Ninh, Tam Xuân 2 - Núi Thành…Trồng rau trong dung dịch hồi quy, rau giá thể áp dụng hệ thống tưới nước kết hợp với bón phân, bán tự động; một vài mô hình bước đầu áp dụng hệ thống giám sát tự động kết nối internet…

Quảng Nam đang quy hoạch 1.000 - 1.500 ha ở vùng phía Đông của tỉnh để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sẵn sàng mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa.

Hồng Phong - Đoàn Hồng