Bán cổ phần thất bại, Rạng Đông Holdings (RDP) thua kiện đối tác Nhật phải bồi thường gần 180 tỷ đồng

27/09/2023 15:23 GMT+7
Công ty cổ phần Rạng Đông Holding (HoSE: RDP) vừa công bố thông tin bất thường về kết quả vụ tranh chấp với Sojitz Planet Corporation (thuộc Tập đoàn Sojitz - Nhật Bản).

Cụ thể, Rạng Đông Holding phải bồi thường thiệt hại cho Sojitz Planet Corporation hơn 156,9 tỷ đồng (90% giá mua cổ phần) cùng khoản lãi 10%/năm tính từ ngày 1/4/2020 đến ngày thanh toán.

Bên cạnh đó, công ty còn phải trả các loại phí của SIAC hơn 371.563 SGD (hơn 6,6 tỷ đồng), chi phí pháp lý và các chi phí hợp lý khác gồm 586.000 USD (gần 14,3 tỷ đồng) và hơn 7.414 SGD (hơn 132 triệu đồng) cho doanh nghiệp Nhật. Tổng cộng các loại phí kể trên tương đương hơn 21 tỷ đồng và chịu lãi suất 5,33% một năm.

Tổng cộng, Rạng Đông Holding phải trả khoảng 178 tỷ đồng, chưa gồm lãi suất. Đây là hệ quả pháp lý sau khi Tòa án nhân dân cấp cao tại TP HCM công nhận và cho thi hành phán quyết của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) về tranh chấp hợp đồng mua bán cổ phần giữa 2 công ty.

Báo cáo tài chính bán niên soát xét của RDP cho biết, tại ngày 30/06/2023, RDP ghi nhận phải trả người bán dài hạn gần 157 tỷ đồng. Đây là khoản phải trả dài hạn bên thứ 3 - Sojitz Planet Corporation, liên quan đến hợp đồng mua bán cổ phần tại CTCP Nhựa Rạng Đông Long An.

Rạng Đông Holding vi phạm điều kiện sau chuyển nhượng dẫn đến đối tác Nhật khởi kiện

Nhưng theo giải trình từ phía Rạng Đông Holding: Sojitz mới chỉ thanh toán 90% giá trị hợp đồng sau khi ký kết, 10% còn lại Sojitz gửi vào tài khoản tạm khoá được mở tại Ngân hàng Vietcombank do Sojitz đứng tên và Rạng Đông Holding chưa nhận được khoản tiền này.

Tới ngày 30/3/2020, Sojitz gửi công văn thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán với Rạng Đông Holding do Sojitz không thực hiện được việc thanh toán đầy đủ như đã cam kết.

(nguồn: BCTC sau kiểm toán bán niên 2023)

Được biết, vào hồi năm 2017, Rạng Đông và Sojitz tổ chức lễ ký kết cổ đông chiến lược. Theo đó, Sojitz mua 5 triệu cổ phần thông thường, đã phát hành và thanh toán đầy đủ tiền mua cổ phần tại CTCP Nhựa Rạng Đông Long An với giá mua hơn 174 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Sojitz, sau khi chuyển nhượng cổ phần nêu trên Rạng Đông đã vi phạm một số nghĩa vụ về việc đáp ứng các điều kiện sau chuyển nhượng. Chính vì vậy, Sojitz thực hiện quyền chấm dứt hợp đồng và yêu cầu Rạng Đông hoàn trả ngay lập tức 90% giá mua cổ phần đã thanh toán, tương đương gần 157 tỷ đồng.

Rạng Đông không hoàn trả nên Sojitz đã tiến hành khởi kiện vụ án tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC). Sau đó, ngày 6/7/2022, Hội đồng trọng tài thuộc SIAC đã phán quyết Sojitz thắng kiện. Bị đơn Rạng Đông phải trả cho Sojitz số tiền như đã nêu trên. Ngày 8/7/2022, Sojitz gửi văn bản yêu cầu Rạng Đông thanh toán nhưng tới nay, công ty vẫn chưa thực hiện thanh toán.

Sojitz tiếp tục kiện ra Tòa án nhân dân TP.HCM để yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của SIAC.

Tới ngày 11/7/2022, Rạng Đông Holding bắt đầu lên tiếng với hàng loạt lý do để phản đối toàn bộ nội dung cũng như việc cho thi hành án phán quyết trọng tài như: phán quyết nêu trên trái với nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Phía Rạng Đông còn cho rằng chứng cứ nguyên đơn cung cấp không hợp pháp và hợp đồng mua bán cổ phần của Sojitz soạn thảo có những điều khoản ép buộc bất hợp lý.

Tại phiên toà sơ thẩm ngày 10/1/2023, Tòa án nhân dân TP.HCM đã quyết định không công nhận phán quyết trọng tài SIAC. Ngay sau đó, phía Sojitz tiếp tục có đơn kháng cáo toàn bộ quyết định sơ thẩm.

Sau khi nghiên cứu lại tài liệu và căn cứ kết quả tranh tụng, Tòa án nhân dân TP.HCM đã quyết định chấp nhận kháng cáo của Sojitz, công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết trọng tài quốc tế nói trên.

Phương Thảo
Cùng chuyên mục