Sân bay Sa Pa sẽ được Bộ Kế hoạch & Đầu tư thẩm định

03/01/2021 16:19 GMT+7
Sân bay Sa Pa được áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành, bảo đảm năng lực khai thác đồng bộ theo tiêu chí an toàn, thuận tiện, chất lượng.

Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa (sân bay), tỉnh Lào Cai, đã được UBND tỉnh Lào Cai đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Sa Pa với tổng mức đầu tư dự án lên tới gần 4,2 nghìn tỷ đồng.

Sân bay Sa Pa được xác định xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai với các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 1,5 triệu hành khách/năm; xây dựng đường giao thông kết nối Cảng hàng không với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai có quy mô 2 làn xe.

Sân bay Sa Pa sẽ được Bộ Kế hoạch & đầu tư thẩm định - Ảnh 1.

Sân bay Sa Pa sẽ được Bộ KH&ĐT thẩm định

Nguồn vốn đầu tư sân bay Sa Pa được xác định gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn chủ sở hữu và vốn vay tín dụng. Trong đó, vốn Ngân sách nhà nước gần 1.200 tỷ đồng dùng để hỗ trợ cho các hạng mục GPMB, đường trục vào cảng, tháp không lưu và một phần san tạo mặt bằng (bao gồm cả phần xây lắp và các chi phí liên quan).

Đặc biệt, dự án sân bay Sa Pa được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT. Phần vốn hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước dự kiến đầu tư cho các hạng mục dùng chung (dân sự + quân sự) sẽ bàn giao cho các cơ quan nhà nước quản lý mà không thực hiện việc thu phí hoàn vốn (BOT).

Hiện nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa giao Bộ KH&ĐT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Được biết, tổng số gần 1.200 tỷ đồng ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án, ngân sách địa phương đảm bảo tự cân đối 543 tỷ đồng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng. Số vốn còn lại (651 tỷ đồng), UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành trung ương bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách trung ương (ngoài định mức kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn vốn NSTW địa phương được phân bổ).

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, việc sớm triển khai xây dựng Cảng hàng không Sa Pa là rất cần thiết, lãnh đạo tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: Dự án được triển khai là nguồn động lực để phát huy hiệu quả các nguồn vốn đã đầu tư (các khu nghỉ dưỡng cao cấp, hệ thống cáp treo Phanxipăng...).

Sân bay Sa Pa sẽ là "cầu nối" kéo thị trường khách du lịch đến với khu du lịch Quốc gia Sa Pa và thị trường tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, các tỉnh miền trung và miền Nam Việt Nam. Bên cạnh đó, việc xây dựng Cảng hàng không kết hợp cả dân dụng và quân sự sẽ góp phần tăng cường khả năng cơ động trong việc phòng thủ, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh khu vực biên giới phía Bắc.

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa. Đây được coi là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Minh Hiếu
Cùng chuyên mục