SHG: Nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục và “gánh nặng” Nhiệt điện Vũng Áng I

17/08/2019 07:53 GMT+7
Báo cáo tài chính bán niên đã được soát sét của Tổng công ty cổ phần Sông Hồng cho thấy, lỗ lũy kế của “ông lớn” này vượt 940 tỷ đồng và âm vốn sở hữu trên 600 tỷ. Điều này đặt Tổng công ty Sông Hồng vào “nghi ngờ đáng kể” về khả năng hoạt động liên tục của Kiểm toán. Đồng thời, nợ phải trả tiếp tục tăng từ phát sinh lãi vay phải trả cho công trình Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I vẫn tiếp tục là gánh nặng của doanh nghiệp

Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (SHG) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên sau soát sét năm 2019 với doanh thu thuần gấp 2,8 lần cùng kỳ, song lợi nhuận vẫn tiếp tục suy giảm.

Lợi nhuận tiếp tục “bốc hơi”, lỗ lũy kế gần 950 tỷ đồng

Cụ thể, doanh thu 6 tháng đầu năm của Tổng công ty Sông Hồng đạt 26,5 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất với 14 tỷ đồng và doanh thu hợp đồng xây dựng trên 9 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh từ mức 2,6 tỷ của cùng kỳ năm 2018 xuống chỉ còn 106 triệu đồng (do không phát sinh khoản mục lãi bán đấu giá cổ phần). Trong khi đó, chi phí tài chính tăng hơn gấp đôi từ 12,5 tỷ lên 27,3 tỷ đồng, trên 96% là chi phí lãi vay. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 10 tỷ xuống còn 7 tỷ đồng.

Thu không đủ bù chi, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của Tổng công ty Sông Hồng âm 32 tỷ trong nửa đầu năm nay. Cùng kỳ năm trước lỗ trước thuế của doanh nghiệp chỉ xấp xỉ 19 tỷ đồng.

Với sự giảm sút của lợi nhuận trong nửa đầu năm, Tổng công ty Sông Hồng đã nâng số lỗ lũy kế lên trên 940 tỷ đồng.

Tổng CTCP Sông Hồng (UPCoM: SHG) thành lập năm 1958, được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng. Công ty đưa cổ phiếu lên giao dịch tại thị trường UPCoM từ 2015. Tuy nhiên, kể từ khi được cổ phần hóa năm 2009, Tổng công ty Sông Hồng ngập chìm trong 'vũng lầy' thua lỗ, ngoại trừ các năm 2011, 2014 lãi nhẹ vài trăm triệu đồng, Sông Hồng đều phải ghi nhận những kết quả kém khả quan trong các năm còn lại.

Tình hình tại Tổng công ty Sông Hồng bi đát đến mức Bộ Tài chính đã từng phải phát đi cảnh báo về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp này.

Âm vốn chủ sở hữu hơn 600 tỷ đồng, “thoát” gánh nặng 85 tỷ từ công ty con

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của Tổng công ty Sông Hồng giảm 60 tỷ so với đầu kỳ, xuống còn hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 1/3 với 320 tỷ đồng và các khoản phải thu dài hạn gần 299 tỷ đồng. Toàn bộ tài sản của Sông Hồng được tài trợ hoàn toàn bằng nợ phải trả với 1.620 tỷ đồng, giảm nhẹ 20 tỷ đồng so với đầu năm.

Về nguồn vốn, hết quý II/2019, vốn chủ sở hữu âm 612 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái âm nhẹ hơn với 580 tỷ. Vốn chủ sở hữu của SHG bắt đầu âm kể từ năm 2016 (âm hơn 78 tỷ đồng) cho đến nay.

Âm vốn hàng trăm tỷ đồng song “ông lớn” Sông Hồng hiện có tới 339 tỷ đồng nợ xấu, với giá trị thu hồi chỉ vọn vẻn 29 tỷ đồng. Với kết quả này, Kiểm toán bày tỏ nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty Sông Hồng.

Đối với các khoản nợ phải trả liên quan đến các nghĩa vụ bảo lãnh cho các công ty con, Tổng công ty Sông Hồng cho biết, bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm ngày 19/3/2019 về việc Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm, Hà Nội xét sử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại về việc tranh chấp văn bản bảo lãnh giữa Agribank và Tổng công ty cổ phần Sông Hồng. Theo kết luận của Tòa án, Sông Hồng không có nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty TNHH MTV Cơ giới và xây dựng Sông Hồng và Công ty TNHH MTV Sông Hồng An Dương với tổng số tiền là 85,5 tỷ đồng (nợ gốc 67,58 tỷ, lãi tạm tính 17,919 tỷ đồng).

Trước đó, khoản nợ này đã được ghi nhận trong báo cáo tài chính quý I/2019 của doanh nghiệp.

Cùng với đó, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội xét phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mai về việc tranh chấp hợp đồng bảo lãnhgiữa Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Tổng CTCP Sông Hồng phải có nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty Thép Sông Hồng số tiền gần 239 tỷ đồng, trong đó nợ dốc 95,4 tỷ đồng, lãi trong hạn và quá hạn là 143 tỷ đồng.

“Nỗi đau” từ dự án Vũng Áng I

Theo thuyết minh báo cáo tài chính quý II/2019 của Tổng công ty Sông Hồng, doanh nghiệp này lỗ lũy kế 940 tỷ và âm vốn chủ sở hữu 612 tỷ đồng, nợ xấu tín dụng nên Tổng công ty không đủ điều kiện và năng lực tham gia các gói thầu.

Đồng thời, doanh thu và sản lượng thấp chủ yếu là các công trình chuyển tiếp dở dang từ các năm trước chuyển sang nên hiệu quả thấp, lãi vay lớn. Công ty mẹ và tổ hợp các công ty thành viên vẫn tiếp tục mất khả năng thanh toán nghiêm trọng do nợ phải trả tiếp tục tăng từ phát sinh lãi vay phải trả cho công trình Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, nợ phải trả liên quan đến các nghĩa vụ bảo lãnh cho các công ty con.

Trước đó, trong kế hoạch SHG đề ra cho năm 2018 lỗ trước thuế hợp nhất chỉ 20,8 tỷ đồng cũng xuất phát từ gánh nặng lãi vay của của món nợ xấu nhóm 5 ngân hàng Oceanbank Hà Tĩnh cho món vay thi công dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 phát sinh từ năm 2011 với số tiền dư nợ gốc quá hạn gần 193 tỷ đồng. Theo đó, lãi phát sinh năm 2018 vào khoảng 26 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế Tổng công ty này đã lỗ “đậm” với 383 tỷ đồng.

Tính tới 30/6/2019, khoản vay và nợ thuê tài chính của “ông lớn” Sông Hồng tại báo cáo bán niên sau soát sét là 195 tỷ đồng, toàn bộ là vay nợ ngắn hạn. Khoản vay này có tới 191 tỷ vay từ ngân hàng Đại Dương và 3,4 tỷ vay từ các cá nhân.

Một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng này được Tổng công ty Sông Hồng đưa ra là tăng vốn điều lệ từ 270 tỷ lên 450 tỷ. Thế nhưng, mới đây “ông lớn” Sông Hồng công bố thông tin giảm vốn điều lệ xuống chỉ còn gần 205 tỷ do hoàn trả một phần vốn góp của cổ đông Nhà nước do Tổng công ty thực hiện chuyển Trường trung cấp Kỹ thuật Nghiệp vụ Sông Hồng về trực thuộc Bộ Xây dựng theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 số 44/NQ – ĐHĐCĐ ngày 19/5/2017. 

Lê Thúy
Tags:
Cùng chuyên mục