dd/mm/yyyy

Tân Uyên: Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân huyện Tân Uyên (Lai Châu) đã có ý thức hơn trong việc giữ rừng, phát triển rừng. Những cánh rừng trên địa bàn huyện cũng nhờ đó mà ngày càng xanh tốt. Tỷ lệ độ che phủ rừng của huyện ngày một nâng lên.

Về các xã Pắc Ta, Trung Đồng, Nậm Cần, Nậm Sỏ... của huyện Tân Uyên, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những tấm biển được đặt ngay ngắn ở bìa rừng, với dòng chữ rõ ràng: Khu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng. Những tấm biển tưởng chừng nhỏ nhoi đó lại có tác động rất lớn đến ý thức của người dân. Nó như mách bảo rằng, khu vực này được chi trả dịch vụ môi trường rừng, vì thế bà con hãy chăm sóc, bảo vệ tốt để cùng nhau hưởng lợi.

Tân Uyên: Hiệu quả từ chính sách cho trả dịch vụ môi trường rừng - Ảnh 1.

Cán bộ ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Uyên tuyên truyền về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tới người dân.

Chỉ tay về phía cánh rừng xanh tốt trước mặt, ông Vàng Văn Ón, dân tộc Thái, ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), vui vẻ nói: "Từ năm 2012 đến nay, năm nào gia đình tôi và các hộ dân trong bản cũng được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng. Số tiền tuy không lớn nhưng cũng góp phần giúp chúng tôi vơi đi phần nào những khó khăn trong cuộc sống. Chúng tôi đã nhận thức được giá trị to lớn của rừng đối với cuộc sống. Rừng là nguồn sống, rừng cho ta không khí trong lành, điều tiết nguồn nước, phòng chống lũ lụt. Giữ rừng là có tiền. Mọi người dân trong bản luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng".

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Phạm Ngọc Đoàn – Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Uyên, cho biết: "Huyện Tân Uyên có tổng diện tích đất tự nhiên là 89.732,88 ha, trong đó diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp là 62.895,5 ha. Sau hơn 8 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tỷ lệ che phủ rừng của huyện tăng từ 26% năm 2012 lên hơn 40% vào cuối năm 2019. Gần 120 bản, thuộc 10 xã, thị trấn của huyện Tân Uyên được giao khoán bảo vệ rừng. Nói vậy để thấy được rằng, chinh sách chi trả dịch vụ môi trường có tác động rất lớn đến ý thức và trách nhiệm bảo vệ rừng của cộng đồng".

Tân Uyên: Hiệu quả từ chính sách cho trả dịch vụ môi trường rừng - Ảnh 2.

Người dân huyện Tân Uyên phát dọn thực bì trước mùa khô hanh.

Từ năm 2012, huyện Tân Uyên bắt đầu thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng năm sau cao hơn năm trước. Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Uyên luôn thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đảm bảo đúng, đủ diện tích và đối tượng. Hàng năm, Ban ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng với các bản trong huyện. Các bản đều thành lập tổ tuần tra bảo vệ rừng, với sự tham gia tích cực của các hộ dân.

"Từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, ý thức, trách nhiệm giữ rừng, phát triển rừng của người dân các xã, bản trên địa bàn huyện Tân Uyên đã nâng lên rõ rệt. Tình trạng chặt phá rừng, đốt nương làm rãy của người dân đã giảm đáng kể. Qua đó đã hạn chế được tình trạng cháy rừng xảy ra. Những cánh rừng trên địa bàn huyện cũng nhờ đó mà ngày càng phát triển xanh tốt" – ông Đoàn nhấn mạnh.

Tân Uyên: Hiệu quả từ chính sách cho trả dịch vụ môi trường rừng - Ảnh 3.

Màu xanh của rừng trên địa bàn huyện Tân Uyên được nhân lên nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Cùng với thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, những năm qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Uyên còn triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng. Công tác tuần tra, bảo vệ rừng luôn được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tân Uyên chú trọng.

Theo ông Đoàn, trong công tác tuần tra, bảo vệ và rà soát các hạng mục lâm sinh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Uyên gặp không ít những khó khăn, trở ngại. Khó khăn đầu tiên phải kể đến đó là địa hình hiểm trở, núi đá cao, độ dốc lớn, thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, nắng nóng, khô hanh kéo dài gây ảnh hưởng đến công tác tuần tra, bảo vệ và rà soát các hạng mục lâm sinh. Thêm vào đó là nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về bảo vệ và phát triển rừng chưa dầy đủ, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự chỉ đạo của cấp trên và sự hỗ trợ của Nhà nước...

Vượt lên những khó khăn đó, hàng năm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Uyên đều chủ động xây dựng kế hoạch tuần tra, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Các tổ bảo vệ rừng, PCCCR của đơn vị thường xuyên có mặt tại địa bàn, tiếp nhận thông tin và phối hợp UBND xã, thị trấn xử lý tình huống khi cháy rừng xảy ra.

Tân Uyên: Hiệu quả từ chính sách cho trả dịch vụ môi trường rừng - Ảnh 4.

Nhờ có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mà số vụ vi phạm về rừng của người dân đã giảm hẳn.

Ngoài chủ động xây dựng phương án PCCCR, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Uyên còn đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR. Hướng dẫn các xã, thị trấn chỉ đạo các tổ chuyên trách, các hộ nhận khoán tu sửa, làm mới hệ thống đường băng trắng cản lửa tại các khu vực rừng trồng phòng hộ, rừng trồng sản xuất dễ xảy ra cháy rừng.

Mặt khác, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Uyên cũng tập trung tuyên truyền, vận động người dân phát dọn thực bì trước mùa khô tại khu vực cây trồng chưa thành rừng thuộc dự án trồng rừng thay thế, rừng phòng hộ tại các xã Nậm Cần, Nậm Sỏ, Tà Mít. Đề nghị các xã, thị trấn có diện tích sản xuất nương rẫy xây dựng lịch đốt nương làm rẫy của các bản. Hướng dẫn nhân dân đốt nương đúng quy định, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng cháy.

Nhờ thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng, số vụ vi phạm liên quan tới rừng trên địa bàn huyện Tân Uyên đã giảm rõ rệt. Được chăm sóc, bảo vệ cẩn thận, những cánh rừng trên địa bàn huyện Tân Uyên ngày càng phát triển xanh tốt. Màu xanh của rừng trên địa bàn huyện cũng nhờ đó mà ngày càng nhân lên.

 

Thanh Ngân