dd/mm/yyyy

Thịt dê thơm ngon nhờ bí kíp “leo núi, lội cát”

Tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên từ đồi núi và vùng cát, nhiều nông dân tại Bình Định đã chăn thả dê theo hình thức quảng canh. Mô hình này không chỉ tiết kiệm chi phí thức ăn mà giúp thịt dê đạt chất lượng rất tốt, đậm đà thơm ngon.


Nuôi dê chăn thả tự do theo bầy đàn, không cho ăn thức ăn thực phẩm mà để tự chúng tìm thức ăn tự nhiên (khác với nuôi thâm canh nhốt trong chuồng trại và cung cấp thức ăn cho dê) đang đem lại hiệu quả cho nhiều hộ chăn nuôi.

Hiện nay, nông dân Nguyễn Ngọc Ẩn (trú phường Nhơn Hòa, TX.An Nhơn, Bình Định) đang nuôi khoảng 50 con dê theo hình thức chăn thả quảng canh để hạn chế chi phí về thức ăn.

“Việc nuôi quảng canh để dê di chuyển lên núi, tự tìm thức ăn giúp thịt dê đậm đà thơm ngon mà không bị hôi. Thường thì thương lái rất thích chọn mua dê chăn thả quảng canh vì chúng di chuyển nhiều, thịt rất nạc và thơm. Nuôi chừng 1 năm thì dê thương phẩm đạt gần 30 kg/con, giá bán hiện tại ra thị trường là 100.000 đồng/kg (giảm hơn 5.000 đồng so với tháng trước). Nhờ vậy, mỗi năm tôi kiếm lời chừng 50 triệu đồng” - ông Ẩn cho hay.

Theo nhiều người nuôi dê, vật nuôi này rất nhạy cảm với thời tiết nên dễ bị cảm nắng, cảm mưa, động kinh, tụ huyết trùng…

Cỏ tự nhiên… là nguồn thức ăn dồi dào dành cho dê

Trong quá trình nuôi, cần phải tiêm phòng, dùng khoáng chất, vitamin C… trộn vào thức ăn, nước uống để tăng sức đề kháng cho dê.

Tại các vùng đất ven biển như xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) hay xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn). Tận dụng nhiều thức ăn, lá cây tự nhiên nhiều nông dân cũng đã thành công với mô hình chăn thả quảng canh này.

Đàn dê tự do… “leo núi, lội cát” để tìm thức ăn

“Dê bị bệnh rất nhanh chết, khi phát hiện ra triệu chứng chừng vài ngày là dê bắt đầu lăn ra chết. Vì vậy, việc theo dõi bệnh tật của dê cần được lưu ý kỹ lưỡng” - nông dân Nguyễn Văn Trung (50 tuổi, huyện Phù Cát) chia sẻ.

Dũ Tuấn