Thủy sản Minh Phú (MPC) chi gần 400 tỷ trả cổ tức năm 2020, tỷ lệ 20%

29/11/2021 14:30 GMT+7
Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) vừa thông báo ngày 10/12 đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt.

Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) thông báo ngày 10/12 đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt tỷ lệ 20%, 1 cổ phiếu được nhận 2.000 đồng. Ngày thanh toán là 30/12/2021.

Như vậy, với gần 200 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, MPC sẽ chi gần 400 tỷ đồng trả cổ tức đợt này cho cổ đông.

Thủy sản Minh Phú (MPC) chi gần 400 tỷ trả cổ tức năm 2020, tỷ lệ 20% - Ảnh 1.

Xét về tình hình kinh doanh, trong quý III/2021, doanh thu thuần của Công ty giảm 37% xuống còn 2.784,8 tỷ đồng. Song nhờ giá vốn giảm 48% xuống 2.010,4 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp tăng 46% lên 774,4 tỷ đồng. Kết quả, Công ty lãi sau thuế 289,2 tỷ đồng, tăng 19%; trong đó, Công ty mẹ mang về 290,4 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng năm 2021, Công ty cho biết doanh thu thuần đạt 8,886,6 tỷ đồng, giảm 11% và lãi sau thuế 565,6 tỷ đồng, tăng 19% (Công ty mẹ đạt 544 tỷ đồng).

Năm nay, Công ty lên kế hoạch kinh doanh đạt 15.775 tỷ đồng doanh thu và 1.092 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 10% và 62% so với thực hiện năm 2020. Như vậy, sau 9 tháng, MPC đã hoàn thành được 56% chỉ tiêu doanh thu và 52% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Tính đến cuối quý III, tổng tài sản doanh nghiệp đạt hơn 10.523 tỷ đồng, tăng 18% so với hồi đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 19% lên hơn 2.083 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng 48% lên 4.499 tỷ đồng. Mặt khác, nợ phải trả cũng tăng 42% lên hơn 5.119 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn còn 4.020 tỷ đồng, tăng 30% và chiếm 79% tổng nợ.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định, MPC là doanh nghiệp có nhiều kỳ vọng tăng trưởng trong thời gian tới, động lực tới từ việc tự chủ nguồn nguyên liệu, hưởng lợi từ hiệp định EVFTA và chuỗi giá trị tôm thông minh.

Cụ thể, MPC đã quyết định tăng vốn điều lệ tại các công ty con nhằm thay thế các khu vực nuôi truyền thống bằng “công nghệ 2-3-4” (nuôi theo 2 giai đoạn, thu tỉa 3 lần, đảm bảo 4 sạch) vì sản lượng thu được từ công nghệ này cao hơn tới 15 lần.

MPC cũng ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược và tư vấn chuyển đổi số với FPT với mục đích nâng cao chất lượng tôm nguyên liệu. Năm 2025, MPC hướng tới chủ động 70% con giống, năm 2030 chủ động 100% con giống.

Mặt khác, MPC được kỳ vọng hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định EVFTA khi thuế tôm nguyên liệu và sản phẩm tôm được giảm mạnh từ mức 12,5% và 20% xuống còn 0%. Trong dài hạn, MPC còn được hỗ trợ bởi chuỗi giá trị tôm thông minh - khu phức hợp được triển khai trên 10.000 ha đất tại tỉnh Kiên Giang, với tổng mức đầu tư là 50.000 tỷ đồng.

Khu phức hợp này dự kiến sẽ mất khoảng 6 năm để triển khai các hạng mục như hạ tầng sản xuất, hạ tầng xã hội, công nghệ, sàn giao dịch tôm, nuôi trồng và phụ phẩm sẽ được triển khai khi dự án được phê duyệt. Hạng mục sản xuất con giống và thức ăn được triển khai sau 1 năm.

Hạng mục chế biến và thương mại triển khai sau 2 năm với công suất nhà máy đầu tiên trên 40.000 tấn tôm thành phẩm/năm và sẽ nâng lên 200.000 tấn/năm trong 3 năm kế tiếp.

PHS ước tính doanh thu năm 2022 của MPC sẽ đạt 16.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế sẽ đạt 997 tỷ đồng, lần lượt tăng 15,6% và 11% so với cùng kỳ.

Trên thị trường, đóng cửa phiên 27/11, cổ phiếu MPC giảm 300 đồng về còn 46.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa đạt 9.209 tỷ đồng.



An Vũ
Cùng chuyên mục