dd/mm/yyyy

TP.HCM: Nông nghiệp tăng giá trị sản xuất hơn 10.000 tỉ đồng

Chỉ trong một nhiệm kỳ, TP.HCM đầu tư hơn 47.500 tỉ đồng cho chương trình NTM, qua đó làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của TP hơn 10.000 tỉ đồng.

Hệ thống tưới phun sương trong vườn rau của nông dân Lê Xuân Vị (Củ Chi, TP.HCM).

TP.HCM đã có nhiều chính sách “đòn bẩy” hỗ trợ nông dân, giúp nông nghiệp phát triển, cụ thể là các chương trình như Hỗ trợ cơ giới hóa; Chương trình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; Chương trình giống cây con chất lượng cao, “thay máu” đàn heo giống…

“Theo quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 của UBNDTP, đến năm 2020, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp đạt mức 300 triệu đồng/năm. Trên thực tế, đến cuối năm 2016, giá trị sản xuất trên đất nông nghiệp của Thành phố đã đạt mức 410 triệu đồng/ha/năm, vượt xa mức quy hoạch”.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Phước Trung

“Kết quả là, trong 6 năm qua đã có gần 1.900ha đất nông nghiệp chuyển dịch sang các ngành nông nghiệp sử dụng cây trồng, vật nuôi giá trị cao. Điều này giúp tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của TP.HCM hơn 10.000 tỉ đồng”, ông Trung thông tin tại kỳ họp HĐND TP.HCM khóa IX mới đây.

Cùng với đó, kết quả “to lớn nhất” là thu nhập của người dân ở các huyện nông thôn tăng cao, chất lượng đời sống được cải thiện. Đến cuối năm 2016, thu nhập bình quân đầu người ở các xã NTM của TP.HCM đạt 43,4 triệu đồng/người/năm. Trong đó, Hóc Môn là huyện có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất, đạt 49,2 triệu đồng/người/năm, huyện Nhà Bè xếp vị trí thứ hai với 47,8 triệu đồng/người/năm; tiếp đó là Củ Chi, Bình Chánh và huyện Cần Giờ.

Cũng theo ông Trung, trong giai đoạn 2011 - 2015, TP.HCM đã tập trung đầu tư phát triển NTM với tổng giá trị đầu tư lên đến 47.500 tỉ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ 20,3 tỉ đồng, vốn ngân sách TP.HCM hơn 10.000 tỉ. Phần còn lại hơn 37.000 tỉ đồng là vốn của doanh nghiệp, của nông dân.

Sang giai đoạn 2017 – 2020, TP.HCM đặt kế hoạch sẽ hoàn thành 30 xã đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chuẩn mới của TP.HCM trong năm 2018. Tiếp đó, năm 2019 sẽ hoàn thành 26 xã còn lại và có 3/5 huyện đạt chuẩn NTM. Hai huyện còn lại sẽ được công nhận huyện NTM vào năm 2020.

Để thực hiện mục tiêu này, tổng vốn thực hiện Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn vùng nông thôn TP.HCM, giai đoạn 2016 – 2020 hơn 40.684 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm 40,3%, khoảng 16.400 tỉ đồng.

Nông nghiệp công nghệ cao là định hướng phù hợp trong điều kiện đất sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm

Cũng theo ông Trung, nông nghiệp công nghệ cao là định hướng phù hợp trong điều kiện đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm và cũng là thế mạnh của nông nghiệp TP.HCM.

“TP.HCM đang đẩy mạnh làm cây và đã cho ra năng suất khá cao, bình quân 250 tấn/ha, tạo ra giá trị khoảng 1,5 tỉ đồng/năm. Đây chỉ là mức đầu tư vừa phải, nếu mở rộng áp dụng công nghệ trồng rau thủy canh thì giá trị có thể lên đến 5 tỉ đồng và lợi nhuận hơn 2 tỉ đồng/năm”, ông Trung thông tin.

Tuy nhiên, do không đủ diện tích đất sản xuất nông nghiệp nên TP.HCM nhận chuyển giao con giống, chuyển giao công nghệ cho các cá nhân, đơn vị có nhu cầu. Những năm vừa qua, bình quân mỗi năm TPHCM cung cấp khoảng 12.000 - 14.000 tấn giống, phục vụ sản xuất trên diện tích khoảng 800.000 - 1 triệu ha. TPHCM cũng sản xuất khoảng 1 triệu con giống heo, 20.000 bò sữa…

“Trong ngành chăn nuôi bò sữa, Sở NN&PTNT đang áp dụng công nghệ do Israel chuyển giao để nâng cao năng suất, chất lượng sữa nguyên liệu. Với công nghệ này, dù con giống nội địa nhưng cho ra sản lượng sữa bò ngang bằng với các doanh nghiệp đầu tư NNCNC, sử dụng con giống nhập ngoại như Vinamilk, bò sữa Mộc Châu...”, ông Trung khẳng định.

Phi Yến