dd/mm/yyyy

Trồng mít Mã Lai, mỗi năm thu vài trăm triệu

Không có đất sản xuất, ông Nguyễn Văn Tánh (58 tuổi, ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã dày công khai hoang đất đồi núi để trồng mít Mã Lai. Mỗi năm ông thu lãi hơn 100 triệu đồng từ mô hình này.

Ông Tánh bên trang trại mít Mã Lai trồng trên vùng đất đồi.

Là một nông dân thực thụ, ông Tánh đã luôn tìm tòi, học hỏi các mô hình hay để làm và ông đã thành công với mô hình trồng mít. Ông Tánh cho biết, mô hình trồng mít được bắt đầu làm từ năm 2000. Sau một thời gian bỏ công sức cải tạo khai hoang, hơn một ha đất đồi đã phủ xanh bởi cây mít.

Đất đã không phụ người chịu thương chịu khó. Khai hoang tích lũy trồng, dần dà ông lấy ngắn nuôi dài, phát triển trồng hơn 200 cây mít Mã Lai. Sau 4 năm chăm sóc, cây mít ra quả và cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

 “Tại địa phương, đất đai nhường cho các dự án, người nông dân không có đất sản xuất, nhưng ông Tánh đã tận dụng đất ven đồi, chịu khó cải tạo, dày công khai hoang làm mô hình kinh tế duy trì cuộc sống, làm giàu chính đáng. Ông Tánh là một gương nông dân điển hình chịu khó vươn lên làm giàu tại địa phương”.
Ông Nguyễn Thanh Sinh - Chủ tịch HND phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng)

Ông kể: “Thời đó, đất sản xuất nông nghiệp nhường cho các dự án, không có công ăn việc làm, tôi quyết định khai hoang 1 ha đất đồi để trồng mít phát triển kinh tế gia đình. Sau hơn 7 năm khai hoang, tôi trồng hơn 200 cây mít Mã Lai. Nhưng cơn bão Chan Chu năm 2006 khiến vườn mít gãy đổ bật gốc. Chỉ còn lại vài chục cây”.

Không bỏ cuộc, ông tiếp tục cải tạo, trồng bổ sung bù lại hơn 200 gốc mít ban đầu. Ngoài trồng giống mít Mã Lai, ông tiếp tục trồng xen kẽ các loại mít ta và tìm hiểu trồng dừa xiêm, dứa.

“Mỗi năm mít cho thu 2 đợt chính, còn lại thu rải trong cả năm. Loại mít này thị trường rất ưa chuộng. Hiện với hơn 120 gốc mít cho thu hoạch, với giá bán khoảng 15.000 đồng/kg, trừ chi phí đã đem lại nguồn thu cho gia đình hơn 120 triệu đồng mỗi năm”, ông Tánh nói.

Chia sẻ bí quyết trồng mít đạt hiệu quả, ông Tánh cho biết: Cách chăm sóc mít Mã Lai cũng giống như trồng các loại mít khác. Đầu tiên là đào đất bón phân hữu cơ trong thời gian 10-15 ngày, sau đó mới đặt cây xuống trồng. Để nguồn phân không làm cây nóng, chết và cây nhanh phát triển.

Khi trồng, cây cách cây 5m, độ sâu khoảng 0,3m, độ rộng 0,5m. Ngoài ra, cứ 2 tháng/1 lần bón ít phân hóa học và cung cấp đầy đủ nước cho cây. “Yếu tố quan trọng nữa là biết chọn nguồn giống chuẩn. Đối với trồng loại mít này rất dễ làm, không nặng công chăm sóc. Chỉ quan trọng chăm sóc mùa đầu để cây mít phát triển, sau đó đến năm thứ 3-4 là cây mít đã bắt đầu cho thu hoạch rồi”, ông Tánh nói thêm.

Hiện với trên 120 cây mít Mã Lai, gia đình ông Tánh khi thu hoạch có lãi hơn 120 triệu đồng/năm.

Bên cạnh phát triển vườn mít Mã Lai của gia đình, ông Tánh còn cung cấp giống, sẵn sàng giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuật cho những nông dân khác muốn phát triển mô hình, nâng cao hiệu quả kinh tế vườn một cách bền vững.

Kim Oanh