Trung Quốc bắt đầu "xử lý" gánh nặng nợ phình to sau đại dịch

26/03/2021 09:28 GMT+7
Hàng loạt dữ liệu kinh tế chỉ ra rằng Trung Quốc đang nỗ lực siết chặt gánh nặng nợ hậu cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Một cuộc khảo sát do China Beige Book công bố hôm 25/3 cho thấy tỷ lệ vay nợ của các doanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất lịch sử gần một thập kỷ tiến hành nghiên cứu vào quý I/2021 hiện tại.

Khi xem xét tình hình vay nợ của các doanh nghiệp nhà nước, những thực thể có mối liên kết chặt chẽ với chính phủ, các nhà phân tích cho rằng đây sẽ là tín hiệu rõ ràng nhất về mục tiêu chính sách của chính quyền ông Tập Cận Bình.

Các nhà kinh tế học cũng chỉ ra mức GDP mục tiêu năm 2021 tương đối khiêm tốn (hơn 6%) mà Bắc Kinh đặt ra cũng mang đến cho các nhà hoạch định chính sách dư địa để giải quyết nhiều vấn đề như gánh nặng nợ tăng vọt mà vẫn đạt được mục tiêu tăng trưởng. 

Trung Quốc bắt đầu "xử lý" gánh nặng nợ phình to sau đại dịch - Ảnh 1.

Trung Quốc bắt đầu "xử lý" gánh nặng nợ phình to trong đại dịch

Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã tăng lên 285% GDP vào cuối quý III/2020, từ mức bình quân 251% trong giai đoạn 2016-2019, theo một báo cáo mới công bố đầu tuần này bởi Allianz.

Mặc dù tỷ lệ nợ trên GDP không giảm, nhà kinh tế cấp cao Francoise Huang cho biết trên tờ CNBC rằng “Ổn định đã là một dấu hiệu tốt và có lẽ là một trong những mục tiêu của chiến dịch xóa bỏ nợ từ các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc”.

Theo dữ liệu từ Wind Information,  tổng tài trợ cho nền kinh tế thực đã tăng 44,39% trong tháng 10/2020 nhưng đã giảm tốc độ tăng kể từ đó. Mức tăng được ghi nhận chỉ 16,19% trong tháng 2. 

Các cơ quan quản lý Trung Quốc trong vài tuần qua đã cảnh báo về rủi ro tài chính, đặc biệt là đối với chứng khoán và thị trường bất động sản. Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi đầu tháng cho biết trong một báo cáo thường niên về nền kinh tế rằng Trung Quốc đã đạt mức phục hồi cần thiết sau đại dịch và không có thêm kế hoạch phát hành trái phiếu nào khác để hỗ trợ tăng trưởng.

Mối quan ngại lúc này là các ngân hàng có thể không còn sẵn sàng cho doanh nghiệp tư nhân vay như thời kỳ đại dịch, khi Bắc Kinh khuyến khích hoạt động cho vay. Đa số các ngân hàng lớn của Trung Quốc đều thuộc sở hữu nhà nước và thường có tỷ lệ cho vay doanh nghiệp nhà nước cao hơn là cho vay tư nhân, do công ty tư nhân có nhiều rủi ro hơn. Điều mâu thuẫn ở đây là chính lĩnh vực tư nhân mới đóng góp phần lớn vào mức tăng trưởng và thị trường việc làm của Trung Quốc.

Nhà phân tích Francoise Huang nhận định: “Tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách có xu hướng mong muốn lĩnh vực tư nhân và đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ không bị ảnh hưởng bởi việc xóa nợ. Nhưng cuối cùng thì chính sách này tác động đến tất cả các loại hình doanh nghiệp”.

Ông Nicholas Zhu, phó chủ tịch kiêm chuyên viên tín dụng cấp cao của Moody’s Investor Service cho biết Moody’s kỳ vọng tăng trưởng cho vay tại Trung Quốc sẽ ở mức vừa phải trong năm nay, đặc biệt sau những hạn chế mới đối với việc cho vay trong các ngành liên quan đến bất động sản.

Ông Zhu nói thêm rằng việc Trung Quốc đặt mục tiêu giảm mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 sẽ tạo ra nhiều nhu cầu vay nợ từ các công ty liên quan đến những dự án năng lượng tái tạo. Nhưng ngân hàng sẽ thận trọng hơn trong việc gia hạn các khoản vay như vậy, do nhiều trường hợp công ty năng lượng mặt trời của Trung Quốc từng phá sản trước đây.


NTTD
Cùng chuyên mục