dd/mm/yyyy

Văn hoá học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học

Chiều nay (22/8), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường”.

Dự và chủ trì Hội nghị có các ông: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GDĐT; Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 63 điểm cầu cả nước. Dự tại điểm cầu tỉnh Sơn La có ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở ban, ngành của tỉnh Sơn La.

Văn hoá học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học - Ảnh 1.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Linh.

Hội nghị đã quán triệt Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân.

Chỉ thị cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường, phù hợp với bối cảnh, yêu cầu tình hình và nhiệm vụ tại đơn vị, địa phương, phấn đấu giai đoạn 2021-2025, 100% cán bộ, quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên được tuyên truyền, phổ biến, học tập các nội dung liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Có ít nhất 95% trường học trên địa bàn toàn quốc đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường… 

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng và định hướng xây dựng văn hóa học đường; các ý kiến đều khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa học đường trong rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ; nhà trường có nếp sống văn hóa lành mạnh sẽ hội tụ những điều tốt đẹp, sức mạnh của trí tuệ và lòng nhân ái, tạo ra môi trường giáo dục tích cực, từ đó lan tỏa tới cộng đồng. 

Đồng thời, đề xuất các giải pháp để làm tốt công tác văn hóa học đường và giáo dục giá trị văn hóa trong các nhà trường trong thời gian tới. 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và toàn ngành giáo dục tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò quan trọng của xây dựng văn hoá học đường và kiên trì tổ chức thực hiện, phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra. 

Nghiên cứu, hoàn thiện lý luận, khoa học thực tiễn và tăng cường tuyên truyền, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động. Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành, quy chế, hướng dẫn liên quan tới xây dựng văn hóa học đường. 

Văn hoá học đường phải đồng thời với nhiều nhiệm vụ cơ bản khác

Gắn việc xây dựng và tổ chức thực hiện văn hoá học đường với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và tổ chức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống...

Ông Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GDĐT nhấn mạnh: Việc xây dựng và phát triển văn hoá học đường phải được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm và quan trọng của toàn ngành Giáo dục, tại mỗi địa phương và ở từng cơ sở giáo dục, đào tạo. Ở đó, con người phải là trung tâm và phát triển con người phải được quán xuyến trong tất cả các hoạt động của nhà trường.

"Ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của người học, lấy việc dạy người làm nội dung trọng tâm. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người. 

Trong đó, văn hoá học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng...", Bộ trưởng Sơn nói.


Tuệ Linh