dd/mm/yyyy

Vay vốn hỗ trợ “khủng”, người trồng nghệ Chí Tân nhanh giàu

Với 2 tỉ đồng nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) ủy thác cho vay, hàng chục hộ dân ở xã Chí Tân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên đã đầu tư, mở rộng quy mô trồng và chế biến nghệ.

Hỗ trợ tối đa cho người trồng nghệ

Với diện tích 2 ha, gia đình ông Nguyễn Văn Chớp là một trong những hộ có quy mô trồng nghệ lớn nhất xã Chí Tân. Ông Chớp chia sẻ: “Những năm gần đây, sản phẩm nghệ Chí Tân đã có chỗ đứng trên thị trường. Vì vậy, ở đây nhà nào cũng trồng nghệ. Từ rìa đường, ven tường, đất ruộng, chỗ nào còn đất trống thì người dân tận dụng trồng.

Bà Trần Thị Tuyết Hương - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hưng Yên (ngoài cùng bên trái) và đoàn công tác thăm mô hình trồng nghệ tại xã Chí Tân. (Ảnh: Trần Hồ)
Bà Trần Thị Tuyết Hương - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hưng Yên (ngoài cùng bên trái) và đoàn công tác thăm mô hình trồng nghệ tại xã Chí Tân. (Ảnh: Trần Hồ)

Không chỉ mở rộng diện tích trồng nghệ, gia đình tôi còn đi thu mua và chế biến các sản phẩm từ củ nghệ. Tuy nhiên, số vốn đầu tư cho máy móc, thiết bị chế biến không hề nhỏ, trong khi nguồn vốn của gia đình còn nhiều hạn hẹp. Tháng 2.2017, được Quỹ HTND cho vay vốn mức tối đa 100 triệu đồng/hộ, gia đình tôi rất phấn khởi”.

 “Những năm qua, nguồn vốn Quỹ HTND đã tích cực đồng hành, hỗ trợ ND phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Năm 2017, toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 92.000 hộ đăng ký danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, qua bình xét toàn tỉnh đã có hơn 72.000 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp”. Bà Trần Thị Tuyết Hương - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hưng Yên.

Cách nhà ông Chớp không xa, gia đình chị Nguyễn Thị Lan cũng được Quỹ HTND cho vay 100 triệu đồng đầu tư xưởng chế biến các sản phẩm từ nghệ. Chị Lan phấn khởi nói: “Thông qua nguồn vốn Quỹ HTND, hoạt động của các hộ trồng và chế biến nghệ ở Chí Tân sôi nổi và thiết thực hơn. Quỹ HTND đã gắn kết các thành viên, giúp nhau chia sẻ, trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm và thông tin thị trường. Hiện, bình quân mỗi ngày, gia đình tôi thu mua và chế biến 4-5 tạ củ nghệ ra các sản phẩm tinh bột nghệ, bột nghệ”.

Theo các hộ trồng nghệ ở Chí Tân, nghệ là loại cây dược liệu dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với nhiều loại đất, ít bị sâu bệnh, đầu tư ít vốn. Thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch trong vòng một năm, cho hiệu quả kinh tế cao. “Bình quân mỗi hecta trồng nghệ cho thu hoạch khoảng 30 tấn, với giá bán củ nghệ tươi thời điểm hiện tại là 7.000 đồng/kg, giá trị thu nhập trên 1ha ước đạt 200 triệu đồng. Nhận thấy tiềm năng từ cây nghệ, được Quỹ HTND tiếp sức, người trồng nghệ Chí Tân mạnh dạn mở rộng diện tích trồng và đầu tư các thiết bị chế biến củ nghệ. Từ trồng và chế biến nghệ, gia đình có thu nhập trên 600 triệu đồng/năm” – ông Chớp cho hay.

Đưa nghệ xuất ngoại

Anh Nguyễn Văn Tình - Chủ tịch Hội ND xã Chí Tân cho biết: Chí Tân nằm ven đê sông Hồng, đất canh tác phần lớn là pha cát, rất thích hợp với trồng cây nghệ vàng. Người dân địa phương gắn bó với cây nghệ từ hơn 50 năm nay.

Theo anh Tình, trước đây bà con Chí Tân chủ yếu trồng nghệ quanh vùng đất bãi ven sông. Những năm trở lại đây giá nghệ khá cao, thu nhập của người dân cũng khá hơn. Không chỉ trồng ở vùng đất bãi, nhiều diện tích trồng lúa, màu đã chuyển sang trồng nghệ... Hiện, toàn xã có hơn 236ha đất nông nghiệp, trong đó có 168ha trồng nghệ; 100% hộ dân trong xã đều trồng nghệ, nhà nhiều lên tới vài hecta, nhà ít cũng vài ba sào.

“Để phát huy thế mạnh địa phương, Hội ND xã Chí Tân đã xây dựng dự án trồng và chế biến tinh bột nghệ. Tháng 2.2017, Trung ương Hội NDVN giải ngân cho vay 2 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND đầu tư cho 32 hộ dân ở Chí Tân vay (mỗi hộ từ 80 – 100 triệu đồng), thời gian vay 24 tháng, phí vay 0,7%/tháng. Vốn đến đúng lúc, nên bà con rất phấn khởi” - anh Tình thông tin.

Theo anh Tình, được vay vốn Quỹ HTND với số tiền “khủng” lên tới 2 tỷ đồng, nhiều hộ dân ở Chí Tân không chỉ mở rộng diện tích trồng nghệ vàng mà còn mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị chế biến các sản phẩm từ nghệ.

“Đến nay, trên địa bàn xã Chí Tân đã có hàng chục cơ sở chế biến các sản phẩm từ nghệ, trong đó có 4 cơ sở chế biến được vay vốn Quỹ HTND. Không chỉ có mặt ở nhiều địa phương trong cả nước, các sản phẩm như tinh bột nghệ, bột nghệ... của người nông dân Chí Tân đã bước đầu xuất khẩu sang Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc…

Tập trung nguồn lực hỗ trợ nông dân

Thời gian qua, các cấp Hội ND tỉnh Hưng Yên đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân. Điển hình, các cấp Hội đã tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội là: Bảo vệ nông dân; tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị.

Được vay vốn Quỹ HTND, nhiều hộ nông dân xã Chí Tân đã đầu tư máy móc, thiết bị chế biến  các sản phẩm từ nghệ. (Ảnh: Đức Thịnh)
Được vay vốn Quỹ HTND, nhiều hộ nông dân xã Chí Tân đã đầu tư máy móc, thiết bị chế biến các sản phẩm từ nghệ. (Ảnh: Đức Thịnh)

Bà Trần Thị Tuyết Hương - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hưng Yên cho biết, thực hiện Kết luận số 61/2009 của Ban Bí thư và Quyết định 673/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Hội đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo. Kết quả năm 2017, Quỹ HTND đã tăng trưởng hơn 7,3 tỉ đồng (đạt 123% kế hoạch giao). Tính đến nay, Hội ND tỉnh Hưng Yên đang quản lý hơn 65,5 tỉ đồng nguồn vốn Quỹ HTND. Đây chính là “đòn bẩy” giúp Hội ND xây dựng hàng trăm mô hình sản xuất. Điển hình như dự án “Trồng và chế biến tinh bột nghệ” tại xã Chí Tân (huyện Khoái Châu); dự án “Trồng và thâm canh cây nhãn chín muộn” tại xã Đông Kết (huyện Khoái Châu); dự án “Trồng chuối tây” tại phường Lam Sơn (TP.Hưng Yên)….

“Quỹ HTND đang là nguồn lực quan trọng của các cấp Hội ND trong tỉnh, nguồn vốn Quỹ này đã và đang hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nâng cao đời sống, góp phần tích cực nâng cao vị trí ,vai trò trung tâm của tổ chức Hội trong việc tổ chức các phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng tổ chức Hội ND cơ sở vững mạnh” – bà Hương khẳng định.

Đức Thịnh