VN-Index xuống đáy 3 năm: Hàng không vẫn bê bết, dược thăng hoa

03/02/2020 10:46 GMT+7
Trong ngày vía Thần Tài, VN-Index tiếp tục lao dốc, xuống đáy 3 năm. Trong khi cổ phiếu ngành dược tiếp tục thăng hoa, cổ phiếu hàng hóa nối dài chuỗi ngày bê bết.

Dịch viêm phổi lạ do virus Corona gây ra bắt đầu trở nên nỗi lo ngại kể từ trước Tết Canh Tý 2020. Vì vậy, phiên cuối cùng của năm Kỷ Hợi 2019 (22/1/2020) chưa bị ảnh hưởng nên dừng trong sắc xanh. Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán hoạt động lại sau kỳ nghỉ Tết, VN-Index lao dốc.

Trong 2 phiên đầu tiên của năm Canh Tý 2020, VN-Index đã giảm 58,84 điểm, tương đương 5,53% so với ngày 22/1/2020. Cùng với đó, vốn hóa thị trường sàn TP.HCM giảm 187.332 tỷ đồng (khoảng 8,04 tỷ USD).

VN-Index trở thành một trong những chỉ số giảm sâu nhất tại thị trường châu Á dù Trung Quốc mới là tâm dịch Corona. Vì vậy, giới chuyên gia và đầu tư đánh giá, nhà đầu tư Việt Nam đã phản ứng thái quá với tình hình dịch bệnh. Sự mất mát quá lớn trong 2 phiên đầu năm Canh Tý 2020 nên nhà đầu tư kỳ vọng hoạt động bắt đáy sẽ xuất hiện trong ngày vía Thần Tài.

VN-Index xuống đáy 3 năm: Hàng không vẫn bê bết, dược thăng hoa - Ảnh 1.

VN-Index xuống đáy 3 năm, cổ phiếu hàng không vẫn bê bết, dược thăng hoa

Tuy nhiên, kỳ vọng đó đã không xảy ra. VN-Index tiếp tục chìm sâu trong đà lao dốc. Ngay từ giờ mở cửa, VN-Index đã giảm rất mạnh. Có thời điểm mất 36 điểm. Dừng đợt 2, VN-Index giảm 30,2 điểm, tương đương 3,22% xuống 906,42 điểm.

Trên thị trường châu Á, VN-Index có tốc độ giảm mạnh thứ hai, chỉ sau chỉ số Shanghai của thị trường Thượng Hải, một trong những địa điểm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Corona. Shanghai giảm tới 241,87 điểm, tương đương 8,13% xuống 2.734,65 điểm.

VN-Index giảm mạnh hơn các chỉ số tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia,… Đà giảm phủ rộng gần toàn bộ thị trường, ngoại trừ cổ phiếu ngành dược. Cổ phiếu vốn hóa lớn "đóng góp" rất nhiều cho đà lao dốc này của VN-Index.

VN30-Index giảm 30,76 điểm, tương đương 3,62% xuống 817,87 điểm. Cổ phiếu vốn hóa lớn có tốc độ giảm mạnh hơn đà giảm của thị trường. Trong đó, đáng chú ý nhất là hai mã giảm sàn. Đó là VJC của Vietjet và ROS của FLC Faros.

Tới gần cuối phiên sáng, VJC giảm sàn, giảm 9.100 đồng/CP, tương đương 7% xuống 121.100 đồng/CP. VJC khiến vốn hóa thị trường Vietjet giảm 4.929 tỷ đồng. Cùng với 2 phiên trước đó, VJC giảm tới 25.400 đồng/CP, tương ứng 17,3% so với 22/1/2010. Điều đó khiến vốn hóa Vietjet "bốc hơi" 13.757 tỷ đồng.

Không phải là cổ phiếu hàng không nhưng ROS của Công ty xây dựng FLC Faros cũng "có liên quan" khi công ty mẹ - Tập đoàn FLC sáng lập hãng bay Bamboo Airways. ROS giảm sàn, giảm 650 đồng/CP xuống 8.680 đồng/CP. Đây là phiên giảm sàn thứ hai của ROS và cũng là phiên dưới mệnh giá thứ hai của ROS.

Sau gần 3 phiên, ROS giảm 1.620 đồng/CP khiến vốn hóa thị trường FLC Faros giảm tới 920 tỷ đồng.

Cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) có phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp. HVH đang giao dịch ở mức 26.500 đồng, giảm 6.300 đồng/CP, tương đương 19,2%. Vốn hóa thị trường Vietnam Airlines "hao hụt" 8.935 tỷ đồng.

Trong khi đó, cổ phiếu ngành dược tiếp tục thăng hoa. DHG của anh cả ngành dược – Công ty cổ phần Dược Hậu Giang có phiên tăng trần thứ 2. Sau 3 phiên đầu năm, DHG tăng 18.400 đồng/CP, tương đương 20,9% lên 106.400 đồng/CP. DHG đã ghi tên mình vào danh sách các cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng/CP. Vốn hóa thị trường Dược Hậu Giang tăng 2.406 tỷ đồng.

Cổ phiếu DHT của Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây cũng có phiên tăng trần thứ hai liên tiếp. DHT tăng 10.800 đồng/CP, tương đương 22,5% lên 58.800 đồng/CP. Vốn hóa thị trường Dược phẩm Hà Tây có thêm 228 tỷ đồng.

TRA của Công ty Cổ phần TRAPHACO có diễn biến bất thường so với các cổ phiếu ngành dược.  Trong phiên 31/1, TRA giảm nhẹ nhưng hôm nay, TRA đã "hòa nhập" xu hướng chung của ngành. TRA tăng trần, tăng 4.000 đồng/CP lên 62.000 đồng/CP.

Tiểu My
Cùng chuyên mục