Thứ Bảy, ngày 26/04/2025 20:30 (GMT+7)

Dân Việt

Xây dựng thương hiệu chè Sông Bôi

PV Tây Bắc

15/04/2025 18:29 GMT +7

Sau nhiều năm lặng lẽ bén rễ, chè Sông Bôi đang dần trở thành sản phẩm chủ lực của huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Chè đã thành vùng nguyên liệu, thành thương hiệu, thành sản phẩm OCOP và mang đến cuộc sống tốt hơn cho người dân ở Phú Thành, Đồng Tâm, Phú Nghĩa...

Nâng tầm chè Sông Bôi

Những ngày đầu năm, đi dọc các xã Phú Thành, Đồng Tâm, Phú Nghĩa của huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình dễ bắt gặp màu xanh mướt trải dài trên các triền đồi. Ít ai ngờ, chỉ vài năm trước, những sườn dốc này còn lác đác sắn ngô, đất đai bạc màu, người trồng lay lắt trong điệp khúc được mùa – mất giá.

Tính đến cuối năm 2024, toàn huyện Lạc Thủy đã có 244,8 ha chè, trong đó 100 ha đạt chứng nhận VietGAP, chiếm 40,8% diện tích vùng trồng. Chè được quy hoạch thành vùng nguyên liệu tập trung tại các xã ven sông Bôi, nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và giao thông thuận lợi.

Huyện Lạc Thủy đã có 244,8 ha chè, trong đó 100 ha đạt chứng nhận VietGAP. Ảnh: Nguyễn Linh.

Không chỉ mở rộng diện tích, huyện Lạc Thủy đang hướng đến chuẩn hóa quy trình sản xuất: Đăng ký mã số vùng trồng, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu “Chè Sông Bôi” gắn với tiêu chuẩn sạch, an toàn và bền vững. Một loại cây trồng truyền thống, tưởng chừng chỉ quen với chợ cóc đầu làng, nay đang bước những bước đầu tiên trên hành trình xuất khẩu.

Là người đã gắn bó với cây chè hơn 20 năm, chị Lê Thị Hằng, thôn Tân Phú, xã Phú Thành, chia sẻ: Trước đây, tôi vẫn hái búp chè tươi mang ra chợ bán, mỗi ngày được vài chục nghìn. Trồng chè theo nếp ông bà để lại, chăm sao cho sống là được, còn bán được bao nhiêu thì do… thương lái.

Năm 2004, chị Hằng nhận khoán 4.200m² đất trồng chè của Công ty TNHH Hai thành viên Sông Bôi Thăng Long. Nhưng chỉ vài năm trở lại đây, chị mới thực sự “trồng chè như một nghề”.

Cùng đội sản xuất, chị được tập huấn kỹ thuật canh tác an toàn, dùng phân hữu cơ, biết phun thuốc sinh học đúng liều, hiểu quy trình VietGAP, truy xuất nguồn gốc và cả chuyện… dán tem điện tử lên bao chè.

Chị Hằng cho biết: “Giờ yêu cầu nghiêm ngặt lắm, không làm đúng quy trình là không ai lấy đâu".

Người dân xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy thu hái chè Sông Bôi. Ảnh: Nguyễn Linh.

Mỗi sào chè của chị giờ cho thu nhập gấp 2–3 lần trước kia. Buổi chiều, vợ chồng chị thường cùng nhau xem lại video kỹ thuật trồng chè trên điện thoại, chuyện mà vài năm trước, chị chưa từng nghĩ tới.

Sự thay đổi lớn nhất không nằm ở cây chè, mà nằm trong cách nghĩ của người trồng. Giờ đây, nông dân không chỉ biết trồng, mà biết sản xuất, biết thị trường cần gì và làm sao để sản phẩm của mình xứng đáng bước ra khỏi cổng làng.

Giúp nông dân xây dựng tên tuổi cho cây chè Sông Bôi

Một cán bộ nông nghiệp ở huyện Lạc Thủy nhớ lại: "Ngày đầu vận động bà con trồng theo chuẩn VietGAP, không ai tin mình. Mà mình cũng chưa dám tin là chè sẽ lên đời. Vậy mà nay, 100 ha chè sạch đã thành hình, thành thương hiệu, thành câu chuyện đổi đời của những người từng chỉ quen với phiên chợ quê".

Huyện Lạc Thủy không dừng lại ở việc phát triển diện tích, họ đi xa hơn – giúp người dân làm ra thứ chè có tên, có tuổi, có dấu xác nhận và đường đi ra thị trường.

Năm 2022, chè Sông Bôi được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu – một tấm giấy nhỏ, mà niềm tin thì rất lớn. Từ đó, cây chè bắt đầu hành trình mới: Từ đồi chè lên… sàn thương mại điện tử.

Bà Hoàng Thị Thu Hằng - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy cho biết, những bó chè non, trước kia chỉ bó bằng dây chuối, nay đã được dán mã truy xuất, đóng gói chân không, xuất hiện trên Postmart.vn, Voso.vn – những không gian mà người trồng chè trước đây chưa từng nghĩ đến. Nhưng rồi, người dân học cách dùng điện thoại theo dõi đơn hàng, học cách làm chè sạch hơn, đẹp hơn – không vì ai khác, mà vì chính giá trị mồ hôi của mình.

Chính sách, nếu chỉ là văn bản, sẽ nằm im. Nhưng khi cán bộ đến từng đồi chè, ngồi với người dân dưới tán xoan mùa thu hái, hướng dẫn cách ghi nhật ký sản xuất, thì những dòng chữ ấy bắt đầu có rễ. Và khi người trồng bắt đầu gọi chè là “cây chủ lực”, chứ không còn là “cây kiếm sống”, thì hành trình nông thôn mới kiểu mẫu cũng đã đi được một chặng dài.

Không ai trồng chè để làm giàu trong một mùa. Nhưng ai cũng tin: Nếu trồng cho đúng, làm cho sạch, gìn giữ từng búp chè như gìn giữ thanh danh của đất, thì một ngày nào đó, Chè Sông Bôi sẽ vượt khỏi địa phương, như cái cách mà mật ong, gà thả đồi, hay cam Cao Phong từng làm được.

Trong định hướng phát triển của cây chè, huyện Lạc Thủy đang ấp ủ một lộ trình rõ ràng. Đó là liên kết doanh nghiệp – hợp tác xã – người dân, mở rộng vùng chè hữu cơ, phát triển thêm sản phẩm OCOP và từng bước đưa du khách đến với những đồi chè sương phủ, được hái – được nếm – được hiểu câu chuyện phía sau mỗi chén trà.

Hòa Bình nỗ lực hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 30/5/2025

Hòa Bình nỗ lực hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 30/5/2025

Ban Chỉ đạo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo tỉnh Hòa Bình yêu cầu tập trung chỉ đạo hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong tỉnh xong trước ngày 30/5/2025.

Sản phẩm OCOP Hòa Bình: Đánh thức tinh hoa xứ Mường

Sản phẩm OCOP Hòa Bình: Đánh thức tinh hoa xứ Mường

Thực hiện chương trình OCOP, Hòa Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đánh thức những giá trị lâu đời vẫn ẩn sâu trong mỗi bản làng, cánh đồng, triền núi.

'Lộ diện' cơ quan chủ quản dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

"Lộ diện" cơ quan chủ quản dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng ý giao UBND tỉnh Hòa Bình làm cơ quan chủ quản để quản lý, đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.