dd/mm/yyyy

Xuất khẩu nông sản sang châu Âu: Không thể “đèn nhà ai nấy sáng”

Mới đây, Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp cùng Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị "Phổ biến các quy định và cam kết về các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)".

Doanh nghiệp cần liên kết để đi xa

Tại Hội nghị, diễn giả đã chia sẻ những quy định một số thị trường trọng điểm nhập khẩu thủy sản tại các thị trường lớn như: EU, Trung Quốc, Hàn Quốc… Đồng thời, bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để ngành xuất khẩu nông sản phát triển bền vững.

Ông Võ Quốc Văn - Phó Giám đốc Trung tâm Vùng 6, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU đang gặp một số khó khăn do các nước trong khối này có quy định cao về an toàn thực phẩm, trong đó có thủy sản nhập khẩu; các lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo hóa chất kháng sinh có xu hướng tăng…

Xuất khẩu nông sản không thể “đèn nhà ai nấy sáng” - Ảnh 1.

Tiến sĩ Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam khẳng định trong xuất khẩu nông sản không thể “đèn nhà ai nấy sáng”; các doanh nghiệp Việt muốn vươn ra thị trường lớn thì cần phải liên kết, hợp tác cùng nhau. Ảnh: Hoàng Hạnh

Tiến sĩ Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho hay, dịch bệnh COVID-19 và tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine đã khiến "túi tiền" của người dân cạn dần. Trong bối cảnh khó khăn trên nhưng tình hình xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng là một tín hiệu đáng mừng.

Xuất khẩu nông sản không thể “đèn nhà ai nấy sáng” - Ảnh 2.

Các diễn giả tham gia Hội nghị chia sẻ các một số quy định về xuất khẩu nông sản vào các thị trường lớn. Ảnh: Hoàng Hạnh

Cũng theo ông Nam, trong xuất khẩu nông sản không thể "đèn nhà ai nấy sáng". Các doanh nghiệp Việt muốn vươn ra thị trường lớn thì cần phải liên kết, hợp tác cùng nhau bởi chỉ như vậy chúng ta mới đủ năng lực cạnh tranh một cách sòng phẳng với các đối thủ.

"Những tập đoàn lớn của các nước khác họ không những mạnh về tiềm lực kinh tế mà còn cả về công nghệ trong khi chúng ta chiếm khoảng 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu hoạt động riêng lẻ thì doanh nghiệp của ta có thể thua ngay trên sân nhà chứ đừng nói vươn ra thị trường bên ngoài", ông Nam nhấn mạnh.

Người nuôi tôm than giá thấp còn doanh nghiệp kêu cao

Cà Mau được xem là vùng "thủ phủ" tôm của cả nước với diện tích nuôi gần 300.000 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 220.000 tấn. Nhiều năm qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh luôn đạt trên 1 tỉ USD và thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng này chủ yếu là Châu Âu.

Xuất khẩu nông sản không thể “đèn nhà ai nấy sáng” - Ảnh 3.

Ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đề nghị cần tính toán lại khâu tổ chức để phát triển ngành tôm bền vững. Ảnh: Hoàng Hạnh

Những tháng đầu năm, giá tôm nguyên liệu giảm mạnh nay phục hồi tương đối nhưng vẫn còn khá thấp so với trước đó đã tác động trực tiếp đến cuộc sống của nhiều hộ nuôi tôm ở Cà Mau nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Trước những trăn trở của hộ nuôi và doanh nghiệp, ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết, thời điểm năm 2020-2021 dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng tình hình xuất khẩu tôm vẫn tăng. Tuy nhiên, khi tình dịch bệnh đã được kiểm soát thì việc xuất khẩu mặt hàng này lại gặp khó.

Giá tôm giảm là do kinh tế thế giới gặp khó khăn và phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ chính như: Ecuador, Ấn Độ, Indonesia…

Xuất khẩu nông sản không thể “đèn nhà ai nấy sáng” - Ảnh 4.

Ông Võ Quốc Văn - Phó Giám đốc Trung tâm Vùng 6, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường chia sẻ về quy định một số thị trường trọng điểm nhập khẩu thủy sản. Ảnh: Hoàng Hạnh

Ngành tôm của Ecuador sản xuất theo chuỗi khép kín từ khâu con giống, thuốc, thức ăn tới nuôi và chế biến nên chi phí thấp do không phải qua khâu trung gian. Trong khi đó, tại nước ta việc sản xuất phải qua nhiều khâu trung gian nên chi phí thường cao hơn khoảng 20% so với các nước trên.

Hiện, ngành tôm đang tồn tại thực trạng trăn trở là người nuôi than giá giảm còn doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thì kêu giá tôm Việt cao không thể mua nổi bởi tôm nguyên liệu ở các nước khác rẻ hơn nhiều.

"Tôi mong muốn các ngành chức năng cần phải tính toán lại khâu tổ chức sản xuất để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành tôm. Chỉ khi giải quyết được bài toán trên thì ngành tôm mới thật sự phát triển bền vững", ông Bằng đề nghị.

Về vấn đề trên, Tiến sĩ Ngô Văn Nam chia sẻ: "Ngành chức năng đang tính toán câu chuyện quản lý, tổ chức canh tác, kiểm soát chất lượng bởi những mặt hàng bán được nhiều hôm nay nhưng thời gian tới cũng có nguy cơ giảm. Điều quan trọng đầu tiên là chúng ta phải nâng cao chất lượng sản phẩm của mình chứ không thể thấy bán được nhiều là mừng".

THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG SPS VIỆT NAM

Hoàng Hạnh