10 năm chờ đợi, xoài, vú sữa vượt qua hàng rào cực khắt khe của Mỹ

Thuận Hải Thứ sáu, ngày 15/12/2017 13:40 PM (GMT+7)
Ông Phạm Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang thông tin, ngày 26.12, tỉnh sẽ cùng Bộ NNPTNT và một doanh nghiệp làm lễ xuất khẩu lô hàng vú sữa đầu tiên sang Mỹ, sau nhiều năm chờ đợi.
Bình luận 0

Mỹ đồng ý nhập xoài, vú sữa Việt

Những ngày này, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đang ráo riết chuẩn bị cho đơn hàng xuất khẩu vú sữa tươi sang thị trường Mỹ. Sau gần 10 năm đàm phán, đấu tranh mở cửa thị trường, cuối tháng 9 vừa qua, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) đã có công văn đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu quả vú sữa sang thị trường này.

img

Vú sữa Lò Rèn là đặc sản trái cây của Tiền Giang. Ảnh:  I.T

Theo ông Lê Văn Thiệt – Phó Cục trưởng Cục BVTV, sau tuần lễ Cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua, mới đây phía Mỹ cũng đã đồng ý cho phép Việt Nam xuất khẩu trái xoài tươi vào Mỹ. Nếu Việt Nam kịp cung cấp mã số vùng trồng và xử lý kiểm dịch thực vật theo yêu cầu thì có thể sẽ xuất khẩu được xoài tươi vào Mỹ trong năm nay.

Như vậy, hai mặt hàng xoài tươi và vú sữa của nước ta đã chính thức vượt qua hàng rào kiểm soát an toàn thực phẩm của Mỹ để thâm nhập vào thị trường này. Đây là nỗ lực của Bộ NNPTNT cùng các địa phương trong việc xây dựng quy trình sản xuất an toàn cho các loại trái cây này.

Ông Thiệt cũng thông tin, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu rau quả liên tiếp lập kỷ lục về tốc độ tăng trưởng và mở cửa được thêm những thị trường mới. Tính đến hết tháng 11, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 3,15 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm nay, có thêm nhiều mặt hàng trái cây lần đầu tiên được xuất khẩu vào các thị trường khó tính như xoài, vú sữa, thanh long… Mới đây, trái chanh leo tươi cũng lần đầu tiên được xuất qua thị trường Pháp. Hiện tại, một số doanh nghiệp (DN) đang xúc tiến xuất khẩu thêm bưởi da xanh.

img

Giấy phép cho trái xoài tươi của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Mỹ sẽ có hiệu lực từ ngày 29/12. Ảnh: Dân trí

Không chỉ trái cây, các DN chế biến tôm, cá, hải sản… cũng đang ráo riết thực hiện đơn hàng dịp cuối năm. Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, những tháng cuối năm luôn là thời điểm bận rộn của DN thủy sản.

Kiến nghị rà soát lại quy hoạch cảng biển
Ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, công tác hậu cần tác động rất lớn tới giá thành xuất khẩu nông sản, đặc biệt là gạo. Do đó, VFA kiến nghị Bộ GTVT rà soát quy hoạch cảng biển, đảm bảo luồng rạch cho tàu vào nhận hàng ở các cảng mới, tránh ùn tắc, chờ đợi… vì khâu giao nhận này có giá trị gia tăng rất lớn chứ không chỉ khâu trồng trọt hay chế biến sản phẩm.

Các thị trường thường tăng nhập khẩu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp lễ, tết cuối năm. VASEP dự báo, với đà tăng trưởng như hiện nay, xuất khẩu thủy sản năm nay sẽ có thể đạt con số 8 tỷ USD.

Cơ hội nhiều vẫn lo

Dù được đánh giá là có mức tăng trưởng tốt trong năm nay, tuy nhiên DN vẫn canh cánh lo vì rất nhiều khó khăn vẫn đang bủa vây ngành nông nghiệp.

Ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng năm 2017, xuất khẩu gạo Việt Nam có bước thay đổi “chưa từng dám mơ” là tăng xuất khẩu lượng gạo thơm, gạo đặc sản, gạo trắng chất lượng cao…

Thế nhưng, những năm gần đây, các cơ chế, chính sách về cơ sở hạ tầng cho DN xuất khẩu gạo gần như không đáng kể, nếu không nói là chưa công bằng. Cụ thể như về cơ sở hạ tầng để đưa gạo đi xuất khẩu, đây là khâu mà Việt Nam còn rất yếu kém.

Hiện tại, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu bằng container thông qua các hợp đồng thương mại của DN, tập trung chủ yếu ở cảng Cát Lát (TP.HCM). Mà cảng này vốn đã quá tải, năng lực bốc dỡ hàng hóa cũng quá tải.

Cũng đã có một số cảng mới được đầu tư, xây dựng như cảng Cái Cui, cảng Hiệp Phước… nhưng DN rất khó đưa hàng vào các cảng này vì chỉ vận chuyển hàng hóa một chiều. Có DN còn phải chở container rỗng đến để lấy gạo rồi đưa hàng xuống lại Cát Lái…

img

Sau quả vú sữa, xoài tươi Việt Nam sắp xuất khẩu những lô hàng đầu tiên sang Mỹ. 

“Cần có những ưu đãi cho các cảng mới nhưng hiện tại, Bộ Tài chính vẫn thu phí các cảng mới này y như cảng Cát Lái trong khi luồng lạch hạn chế hơn, cơ sở hạ tầng không đảm bảo, không có hàng xuống chỉ có hàng về… thì DN không thể nào gánh nổi chi phí”- ông Huệ phân tích.

Còn ông Đinh Cao Khuê – Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao thì cho rằng, Việt Nam hiện đang có rất nhiều cơ hội để phát triển mở rộng hơn nữa cả về thị trường tiêu thụ và chủng loại trái cây xuất khẩu. Thậm chí, có thể xuất khẩu được với lượng gấp 5 – 10 lần như hiện nay trong thời gian rất gần.

Thế nhưng, tính tới thời điểm hiện tại, số vùng nguyên liệu rau quả cả nước có thể đáp ứng được cho công nghiệp chế biến tập trung không nhiều. Miền Bắc thì chỉ có vài vùng như dứa Đồng Dao, Lào Cai. Tổng diện tích cả 2 vùng khoảng 5.000ha, sản lượng 70.000 tấn/năm, thì trong đó 50% sản lượng là để tiêu thụ trong nước, số còn lại phục vụ chế biến xuất khẩu. Vùng vải thiều Lục Ngạn, Thanh Hà, sản lượng tương đối nhiều nhưng thời gian thu hoạch và chế biến chỉ khoảng 1,5 tháng.

“Các vùng cây trái đặc sản khác cũng chỉ đủ phục vụ nhu cầu ăn tươi trong nước. Các loại rau, đậu mà thị trường Nhật Bản đang có nhu cầu lớn thì miền Bắc hầu như chỉ sản xuất được vào vụ đông xuân. Do đó, nhiều khi có sẵn khách hàng nhưng lại không có sản phẩm”- ông Khuê chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem