11 quốc gia đón Tết nguyên đán, gồm những quốc gia nào?

Thứ bảy, ngày 17/02/2024 16:30 PM (GMT+7)
Vào dịp Tết Nguyên đán, 11 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Trung Quốc, Việt Nam, Singapore, Triều Tiên, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan, Mông Cổ, Malaysia, Hồng Kông, Đài Loan đều có phong tục truyền thống đặc biệt, nhằm cầu mong một năm mới bình an, thịnh vượng.
Bình luận 0

Được coi là ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người châu Á, Tết Nguyên đán luôn là dịp người người, nhà nhà cùng nhau đoàn tụ, cùng ăn những món ăn truyền thống, tham gia nhiều trò chơi dân gian. Không chỉ Việt Nam hay Trung Quốc, ngày lễ này còn được tổ chức ở nhiều quốc gia khác tại Đông Á và Đông Nam Á như Singapore, Hàn Quốc,...

Singapore

11 quốc gia đón Tết nguyên đán, gồm những quốc gia nào?- Ảnh 1.

Tại Singapore, quốc gia đa phần là người gốc Hoa, các truyền thống đón năm mới tại đây được cho là có nhiều nét tương đồng với người Trung Quốc. Theo đó, trước năm mới, họ thường quét dọn nhà cửa bằng lá tre vì người ta tin rằng điều này sẽ xua đuổi tà ma.

Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, nhà cửa cũng được trang hoàng bằng những chậu quất và đèn lồng, câu đối,... Vào đêm giao thừa, gia đình của người Singapore cũng tụ tập đón tất niên, cùng nhau đón khoảnh khắc năm mới và trao nhau lì xì và những lời chúc tốt đẹp.

Triều Tiên

11 quốc gia đón Tết nguyên đán, gồm những quốc gia nào?- Ảnh 2.

Vào thời điểm Tết Nguyên đán, người dân tại Triều Tiên sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm khác nhau để bày tỏ mong ước có một cuộc sống tốt đẹp hơn trong năm mới. Trong những ngày lễ hội này, mọi người mặc quần áo mới, thờ cúng tổ tiên, chúc Tết người lớn tuổi, dán câu đối may mắn và cùng thưởng thức món ăn truyền thống.

Được biết, việc đón Tết Nguyên đán tại Triều Tiên đã từng biến mất một thời gian từ năm 1967 đến năm 1988. Tuy nhiên, vào năm 1989, chính phủ Triều Tiên đã quyết định đặt tổ chức lại Tết Nguyên đán, Tết Đoan Ngọ và Tết Trung thu và coi đây là "ba lễ hội dân gian lớn của đất nước".

Hàn Quốc

11 quốc gia đón Tết nguyên đán, gồm những quốc gia nào?- Ảnh 3.

Được gọi là "Seollah", với ý nghĩa là ngày đầu tiên của năm mới, người Hàn Quốc cho đến nay vẫn duy trì phong tục mặc Hanbok truyền thống, dậy sớm để cúng tổ tiên, sau đó chúc mừng năm mới những người lớn tuổi trong gia đình và trao những túi lì xì may mắn cho trẻ nhỏ.

Khác với màu đỏ ở Trung Quốc, người Hàn Quốc coi màu trắng là hiện diện của sự may mắn, do vậy các câu đối và phong bì màu đỏ của lễ hội mùa xuân thường có màu trắng. Đồng thời, món canh bánh gạo màu trắng cũng được người Hàn cùng nhau thưởng thức như một nghi lễ "thêm một tuổi" vào dịp lễ này.

Philippines
11 quốc gia đón Tết nguyên đán, gồm những quốc gia nào?- Ảnh 4.

Là một quốc gia đa văn hóa, các hoạt động tổ chức Lễ hội mùa xuân của Philippines luôn nhận được nhiều sự quan tâm. Trong quan niệm của người Philippines, hình tròn được cho là đại diện cho sự thịnh vượng ở quốc gia Đông Nam Á này, do vậy bàn tiệc của họ thường có trái cây xếp theo hình vòng tròn, mỗi loại tượng trưng cho một lời chúc tốt đẹp nhất cho sức khỏe, hạnh phúc và tài lộc. Vì vậy, người dân nước này cũng thường mặc đồ chấm bi vào đêm giao thừa, đặt những đồng tiền xu vào túi và ăn trái cây hình tròn để cầu mong sự giàu có trong năm mới.

Malaysia
11 quốc gia đón Tết nguyên đán, gồm những quốc gia nào?- Ảnh 5.

Nổi tiếng với nền văn hóa đa dạng và phong phú và sự đa chủng tộc, Tết Nguyên đán không chỉ là một lễ hội quan trọng đối với người gốc Hoa mà còn chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng người dân khác tại Malaysia.

Thông thường, các truyền thống đón Tết Nguyên đán khác tại Malaysia cũng tương tự như truyền thống của người Trung Quốc, Việt Nam hay Singapore. Vào mùng 4 - 5 tết, người dân sẽ tới chùa để cầu nguyện. Khi đến chùa mọi người sẽ viết nguyện vọng của mình lên một tờ giấy và dán lên đèn lồng treo ở chùa, với hy vọng mong ước sẽ trở thành hiện thực.

Thái Lan

11 quốc gia đón Tết nguyên đán, gồm những quốc gia nào?- Ảnh 6.

Tại Bangkok, thủ đô của Thái Lan, khung cảnh đón Tết nguyên đán tại khu phố Tàu đặc biệt hoành tráng với đường phố rợp bóng đèn và đầy màu sắc sống động.

Vào đêm giao thừa, mỗi gia đình sẽ đặt những đồ vật xa hoa lên bàn thờ, thắp hương, thắp nến và cầu mong cho một năm mới thịnh vượng, an lành. Trong chùa Long Liên cổ kính, nhiều người cũng đến đây cầu nguyện cho hạnh phúc trong năm mới.

Mông Cổ

11 quốc gia đón Tết nguyên đán, gồm những quốc gia nào?- Ảnh 7.

Trong dịp Tết Nguyên đán, người Mông Cổ có nhiều phong tục truyền thống độc đáo để chào đón năm mới như dọn dẹp nhà cửa, ăn cơm tất niên, biểu diễn ca múa nhạc dân gian.

Vào ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán, người Mông Cổ sẽ tập hợp cả gia đình để nâng ly chúc mừng người lớn tuổi, chúc Tết và quỳ gối về hướng mặt trời mọc. Sau đó, các vật tế sx được ném vào đống lửa để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu trong năm mới. Hình thức cầu nguyện độc đáo này thể hiện đầy đủ lòng tôn kính của người Mông Cổ đối với thiên nhiên.

Trung Quốc

Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ năm Tam Hoàng Ngũ Đế 2852 TCN thay đổi theo từng thời kỳ. Tuy nhiên, Tam Hoàng Ngũ Đế cũng chỉ là những nhân vật truyền thuyết.

Lịch sử Trung Quốc cũng cho rằng Tết được thay đổi qua các thời kỳ. Đời Tam đại, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ "tạo thiên lập địa" như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày Tết khác nhau. Đời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ III TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa. Song những chi tiết này chỉ tìm thấy trong sách sử Trung Quốc, không có các nguồn tư liệu khác để kiểm chứng. Theo các nghiên cứu gần đây, thực tế cư dân Bách Việt ngày xưa ăn Tết vào tháng Tý (tháng 11 âm lịch ngày nay) đến thời Hán mới chính thức đổi thành tháng Dần (tháng Giêng).

Đài Loan

Đối với người Đài Loan, Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất, là những ngày mà mọi người ở Đài Loan quây quần bên nhau, cùng nhau đoàn viên sau một năm làm việc vất vả. Họ có lễ hội thả đèn lồng được tổ chức tại làng cổ Thập Phần vào dịp này.

Hồng Kông

Tết Nguyên Đán ở Hồng Kông cũng mang nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc nhưng cách đón Tết của người Hồng Kông vô cùng đặc sắc khi pha trộn giữa nền văn hóa truyền thống Phương Đông với nét văn hóa phóng khoáng, mới mẻ của phương Tây. Lúc chuẩn bị đón Tết, người dân Hồng Kông cũng lau dọn nhà cửa sạch sẽ, trang trí giấy đỏ. Trẻ em thì được lì xì, người lớn chúc tụng nhau một năm mới hạnh phúc.

Việt Nam

Theo Đại Nam nhất thống chí nhà Nguyễn, ở các huyện Bất Bạt và Mỹ Lương (Xứ Đoài) hàng năm lấy tháng 11 làm đầu năm. Theo một số nhà nghiên cứu vào thời Hùng Vương, Tết Nguyên đán diễn ra vào tháng Tý (tháng 11 âm lịch) khi tiết trời chuẩn bị se lạnh. Do vậy, Tết Đoan ngọ vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch rơi vào đúng giữa năm, tiết trời bắt đầu nắng nóng. Sau này, do ảnh hưởng từ Trung Quốc người Việt chuyển sang ăn Tết tháng Dần (tháng 1 âm lịch). Tuy nhiên ở vùng đất Tổ như Sơn Tây, Phú Thọ, Vĩnh Phúc vẫn có những nơi ăn Tết hoặc kỷ niệm ngày đầu tháng 11 như: xông đất, mở cửa rừng, ăn những loại đất có khoáng chất vào người…

"Thường năm, trước lễ Tết hai ngày, vua đi xe ngự-dụng, các quan tuỳ tùng đều mặc triều-phục hầu đạo tiền, tế điện Đế-Thích. Ngày 30 Tết, vua ngồi giữa cửa Đoan-Củng, các bề tôi đều làm lễ, lễ rồi, xem các con hát múa trăm lối. Tối lại qua cung Động-Nhân, bái yết Tiên-Vương. Đêm ấy đoàn thầy tu vào nội làm lễ "Khu-Na" (nghĩa là đuổi tà ma quỷ mị). Dân-gian thì mở cửa đốt pháo tre, cỗ bàn trà rượu cúng tổ. Con trai con gái nhà nghèo, không có người mai dong để làm hôn-lễ, thì tự mình phối hợp với nhau. Ngày Nguyên-Đán, vào khoảng canh năm, vua ngồi trên điện Vĩnh-Thọ, các tôn-tử (con cháu nhà vua), các quan cận-thần làm lễ hạ trước, rồi vào cung Trường-Xuân, vọng bái các lăng tổ. Buổi sáng sớm, vua ngồi trên điện Thiên-An, các phi tần sắp lớp ngồi, các quan trong nội đứng lộn xộn trước điện đánh thổi các bài ca-nhạc trước đại-đình. Con cháu nhà vua và bề tôi sắp hàng bái hạ, ba lần rót rượu dâng lên. Xong, các tôn-tử lên điện chầu và dự yến. Các quan nội-thần ngồi tiểu điện phía tây, các quan ngoại thần ngồi hai bên tả hữu vua, ăn tiệc, đến trưa lần lượt đi ra. Các thợ khéo làm một cái đài "Chúng-tiên" hai tầng ở trước điện, một lúc thì cái đài ấy làm xong, vàng ngọc sáng chói. Vua ngồi ăn trên đài ấy, các quan làm lễ, trước sau chín lạy, và chín tuần rượu rồi giải-tán. Ngày mồng hai Tết, các quan đều làm lễ riêng ở nhà. Ngày mồng ba Tết, vua ngồi trên gác Đại-Hưng, xem các tôn-tử và các quan nội-cung đánh quả bóng (quả cầu thêu), hễ bắt được mà không rơi xuống đất là thắng. Quả bóng lấy gấm mà làm, bằng nắm tay đứa bé, có tua đeo lòng thòng đến hai mươi sợi. Mùng năm Tết, lễ khai-hạ, ăn yến xong thì để quan và dân lễ các chùa miếu và du-ngoạn các vườn hoa".

(Tóm lược đoạn chép chi tiết của Lê Tắc về việc đón Tết của người Việt trong sách An Nam chí lược vào thế kỉ XIII)

Cũng trong sách An Nam chí lược của Lê Tắc, người Việt có phong tục khác biệt với Trung Quốc, dân thường hay vẽ mình, ưa uống rượu, dùng trầu cau đãi khách, hay ăn dưa mắm, những vật dưới biển và đã tổ chức lễ Tết. Ông còn ghi chép rằng dân Việt đón lễ Tết từ tháng giêng cho đến tháng 3 âm lịch, chơi nhiều trò chơi như đá bóng, đá cầu, đánh cờ, đấu vật và tổ chức tế lễ. Một học giả khác là Lê Quý Đôn chép trong sách Kiến văn tiểu lục rằng nước Việt thời nhà Lý, đã thực hiện các lễ nghi quan trọng như lập Đàn phong vân để cầu mưa, lập đàn xã tắc để cầu cho quanh năm được mùa, dùng ngày lập xuân để làm lễ nghinh xuân. Lê Quý Đôn viết rằng thời Hồng Đức (1442-1497) lễ Nguyên đán là ngày lễ quan trọng bậc nhất, trăm quan phải vào chầu vua.

PV (Theo Phụ Nữ Thủ Đô)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem