13 dự án điện mặt trời, điện gió ở Bình Thuận bị Thanh tra Chính phủ kết luận vi phạm ra sao?

Nhóm PV Thời Sự Thứ ba, ngày 26/12/2023 15:41 PM (GMT+7)
Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ (ngày 25/12), việc chấp hành chính sách, pháp luật trong việc quản lý, sử dụng đất thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời, điện gió, chế biến và sử dụng quặng titan tại tỉnh Bình Thuận không đúng quy định...
Bình luận 0

Xây dựng nhà máy điện mặt trời trên đất rừng

Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 13 dự án điện mặt trời và điện gió đã đầu tư xây dựng trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia.

13 dự án điện mặt trời, điện gió ở Bình Thuận bị kết luận vi phạm ra sao? - Ảnh 1.

Một dự án điện mặt trời ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Trong số này có Nhà máy ĐMT Hồng Liêm 3 xây dựng trên đất hoạt động khoáng sản; Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 xây dựng trên 40,57 ha rừng, đến thời điểm thanh tra chưa thực hiện xong việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Theo giải trình của UBND tỉnh Bình Thuận, dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án và UBND tỉnh đã phê duyệt Phương án trồng rừng thay thế. Công ty cổ phần Năng lượng Hòa Thắng đã nộp Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Thuận số tiền 10,359 tỷ đồng theo phương án phê duyệt.

Cũng theo kết luận, việc Bộ TN&MT có các văn bản hướng dẫn UBND tỉnh Bình Thuận xây dựng dự án trên khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, thời gian dự trữ khoáng sản... là không có cơ sở.

Việc tham mưu Thủ tướng Chính phủ về việc chọn địa điểm xây dựng dự án Nhà máy điện gió Đại Phong, Nhà máy điện gió Hồng Phong 1 trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ "Cho phép UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị điều chỉnh các quy hoạch liên quan…" trong khi chưa có Nghị định về quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ là không đúng quy định.

Từ tham mưu nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo các bộ ngành, UBND tỉnh Bình Thuận xem xét để thực hiện các dự án trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia, tỉnh Bình Thuận. Trách nhiệm này thuộc về Bộ TN&MT.

Kết luận nêu, việc để cho các nhà máy xây dựng trên đất mặt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia là không có cơ sở pháp luật. Trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Bình Thuận.

Việc UBND tỉnh Bình Thuận cho 7 doanh nghiệp được thuê đất 50 năm với mục đích xây dựng công trình năng lượng là không có cơ sở pháp luật. UBND tỉnh Bình Thuận cho Công ty cổ phần điện gió Hồng Phong 1 thuê 14,75 ha đất, thời hạn sử dụng đất là 5 năm; cho Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình thuê 6,15 ha đất, thời hạn sử dụng đất là 5 năm để đầu tư xây dựng Dự án là thực hiện không đúng quy định.

Kết luận thể hiện: "Trường hợp nhà đầu tư chuyển nhượng dự án/cổ phần dự án cho nhà đầu tư nước ngoài thì sẽ khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản, phức tạp trong việc bồi thường khi thu hồi đất để khai thác khoáng sản..."

Hành vi chiếm dụng đất

Kết luận cũng nêu, việc Công ty cổ phần điện Mặt Trời đã khởi công Nhà máy điện mặt trời Phong Phú, đường dây điện và ngăn lộ mở rộng trên diện tích 56,32 ha trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất, bàn giao đất trên thực địa (46,6 ha được cho thuê đất sau ngày khởi công và 9,73 ha đến thời điểm thanh tra chưa được cho thuê đất) là hành vi chiếm dụng đất, hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013.

13 dự án điện mặt trời, điện gió ở Bình Thuận bị kết luận vi phạm ra sao? - Ảnh 3.

Một dự án điện mặt trời ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: CTV

Theo Kết luận thanh tra, mặc dù chưa được UBND tỉnh Bình Thuận cho thuê đất, nhưng Công ty TNHH Điện Mặt Trời Trường Lộc Bình Thuận chiếm dụng 48,31 ha đất trong thời gian 1 năm 7 tháng, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đại Phong chiếm dụng15,49 ha trong thời gian 2 năm 2 tháng, Công ty cổ phần điện gió Hồng Phong 1 chiếm dụng 14,75 ha đất trong thời gian 7 tháng, Công ty cổ phần Năng lượng Hồng Phong 1 chiếm dụng 195,04 ha đất trong thời gian 1 năm 2 tháng, Công ty cổ phần Năng lượng Hồng Phong 2 chiếm 119,72 ha đất trong thời gian 1 năm 4 tháng để xây dựng các nhà máy điện là vi phạm hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013. Trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư dự án…

Việc để các doanh nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng các nhà máy điện mặt trời, điện gió trên đất quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia khi chưa có ý kiến cho phép của Thủ tướng Chính phủ, chưa được thuê đất. Ngoài trách nhiệm của các chủ đầu tư dự án, trách nhiệm quản lý đất đai thuộc về UBND tỉnh Bình Thuận và các địa phương có liên quan.

Đối với Nhà máy điện mặt trời Hồng Liêm 3, đến ngày 31/12/2020 chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, theo quy định thì không đáp ứng đủ điều kiện được hưởng giá bán điện 7,09 UScent/kWh.

Nhà máy ĐMT Hồng Phong 1A và Nhà máy ĐMT Hồng Phong 1B vận hành thương mại ngày 8/6/2019, nhưng đến ngày 30/6/2019, hai công ty này chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thuê đất thì không đáp ứng đủ điều kiện được hưởng giá điện 9,35 UScent/kWh. Trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư dự án.

13 dự án điện mặt trời, điện gió ở Bình Thuận bị kết luận vi phạm ra sao? - Ảnh 4.

Một dự án điện mặt trời ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

"Việc công nhận ngày vận hành thương mại, đưa 12/13 dự án vào sử dụng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư (kết luận công trình đủ điều kiện để đưa vào sử dụng và sẵn sàng bán điện) là vi phạm. Trách nhiệm thuộc về Công ty Mua bán điện, EVN, các chủ đầu tư dự án…", kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Báo cáo Bộ Công an những dự án điện mặt trời tại huyện Hàm Thuận Bắc

Ngày 27/12, nguồn tin Dân Việt cho biết, UBND huyện Hàm Thuận Bắc(Bình) Thuận đã có báo cáo liên quan các dự án điện mặt trời trên địa bàn gởi Sở Công Thương tỉnh để đơn vị này tổng hợp báo cáo, giải trình và cung cấp theo yêu cầu của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an.

Theo đó, trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc có 3 dự án điện mặt trời(ĐMT). Trong đó có Nhà máy ĐMT Thuận Minh 2, trước khi sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà máy, khu đất này có hiện trạng là đất sản xuất nông nghiệp của 11 hộ dân, diện tích 59 ha, không có đất do UBND xã Thuận Minh quản lý. Dự án này được UBND tỉnh Bình Thuận cho thuê đất và Sở TN&MT cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào tháng 1/2019 và được miễn tiền thuê đất.

Dự án Nhà máy ĐMT TTC - Hàm Phú 2, trước khi sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà máy, khu đất có hiện trạng là đất trồng cây lâu năm (keo lá tràm) và đất trống của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai được UBND tỉnh Bình Thuận cho Công ty này thuê đất để thực hiện Dự án trang trại, trồng cây công nghiệp tại xã Hàm Phú.

Dự án này được UBND tỉnh cho chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án Nhà máy ĐMT và được Sở TN&MT tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 30/12/2019, được miễn tiền thuê đất.

Nhà máy ĐMT Hồng Liêm 3, trước khi sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà máy, khu đất có hiện trạng là đất sản xuất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hằng năm) của 20 hộ dân với diện tích 41,81ha và 0,46 ha đất bằng chưa sử dụng, 0,38 ha đất giao thông nội đồng do UBND xã Hồng Liêm quản lý.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Hồng Liêm 3 chưa được cơ quan có thẩm quyền ban hành Quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về quy hoạch chi tiết 1/500 cả 3 dự án nói trên, hiện địa phương chưa có hồ sơ quy hoạch chi tiết 1/500. Trước đó, ngày 15/5/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có công văn giải quyết khó khăn đối với các dự án điện gió và điện mặt trời trên địa bàn tỉnh (công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật) thì không cần phải lập đầy đủ thủ tục, hồ sơ Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tiết kiệm thời gian và chi phí. Cả ba dự án đều được miễn giấy phép xây dựng.

Riêng dự án điện mặt trời Hồng Liêm 3 chưa được cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính cho nhà nước nhưng đã triển khai xây dựng các hạng mục: Lắp đặt pin, nhà điều hành, trạm biến áp và đường giao thông nội bộ.

Do đó, chủ dự án này đã bị Thanh tra Sở TN&MT lập biên bản vi phạm hành chính ngày 24/6/2021 và UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định xử phạt Công ty này do đã chiếm đất nông nghiệp với diện tích từ 1 héc ta trở lên do nhà nước quản lý…

Trước đó, Sở Công thương tỉnh Bình Thuận đã có công văn hỏa tốc gởi các sở, ngành và địa phương liên quan đề nghị báo cáo giải trình, cung cấp chứng cứ, tài liệu liên quan các dự án điện mặt trời theo yêu cầu của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem