"Chúng ta lùi một bước, Trung Quốc sẽ tiến thêm nhiều bước"

Thứ sáu, ngày 23/05/2014 14:00 PM (GMT+7)
Đó là nhận định của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc vào sáng nay khi ông bình luận về phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn WEF.
Bình luận 0
“Nếu chúng ta lùi một bước, họ (Trung Quốc) sẽ tiến thêm nhiều bước. Mà nếu Việt Nam lùi thì chắc thế giới cũng phải lùi theo. Sau Việt Nam, sẽ là nước nào nữa?” - ĐBQH Dương Trung Quốc đã bình luận như vậy vào sáng nay, bên lề phiên thảo luận tổ, về phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn WEF.

Trong bài trả lời phỏng vấn ngày hôm qua tại Diễn đàn WEF (Philippines), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gửi đi thông điệp Việt Nam không đánh đổi chủ quyền lấy hòa bình, hữu nghị viển vông hoặc lệ thuộc. Ông bình luận thế nào về phát biểu của Thủ tướng?

- Sau những ý kiến của Thủ tướng ở Myanmar và lần này là ở Philippines, có lẽ cũng ăn nhịp với những diễn biến đang diễn ra trên Biển Đông. Trong một thời gian dài, chúng ta luôn đặt trọng tình hòa hiếu với Trung Quốc bởi chúng ta hiểu, giữ được sự hòa hiếu cũng là giữ được môi trường hòa bình và phát triển ổn định trong khu vực. Nhưng có lẽ đúng là một nguyên lý chung mà dân tộc của chúng ta đã từng trải qua trong lịch sử. Các bạn nhớ rằng, khi Bác Hồ viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, câu mở đầu là “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, kẻ địch càng lấn tới”. Và chính vì thế, mức độ phát biểu của Thủ tướng cũng phản ánh những thay đổi, nhịp độ của diễn biến hết sức phức tạp ngoài Biển Đông.

img
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc

Thông điệp của Thủ tướng rất rõ ràng, cho thấy chúng ta luôn mong muốn có hòa bình, nhưng đương nhiên giới hạn của hòa bình đồng thời với việc phải bảo vệ được chủ quyền quốc gia. Tất nhiên là quốc gia nào cũng muốn nói đến chủ quyền của mình, nhưng phải đặt trên nền tảng nào? Với chúng ta nền tảng vững chắc là những bằng chứng lịch sử, pháp lý, những cam kết, quy định của luật pháp quốc tế về vấn đề Biển Đông. Nếu chúng ta chấp nhận một thực tiễn như thế thì rõ ràng nền hòa bình được xây dựng một cách vững chắc trên trách nhiệm của tất cả các quốc gia có liên quan.

Hơn thế nữa, Thủ tướng cũng nói thêm, đây không chỉ là việc riêng trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc vì không gian của Biển Đông rất quan trọng đối với khu vực này và cả thế giới, trước hết là với an toàn hàng hải. Và đồng thời nếu chúng ta lùi một bước, họ (Trung Quốc) sẽ tiến thêm nhiều bước. Mà nếu Việt Nam lùi thì chắc thế giới cũng phải lùi theo. Sau Việt Nam, sẽ là nước nào nữa? Điều đó cũng có nghĩa là Việt Nam muốn nói với thế giới rằng, chúng ta rất muốn hòa bình, chúng ta rất muốn nhân nhượng, nhưng nhân nhượng cũng chỉ trong giới hạn nhất định của nó. Và ở đây, đòi hỏi không chỉ Việt Nam, Trung Quốc mà cả khu vực Đông Nam Á và thế giới cũng phải quan tâm đến vấn đề này để tạo ra một hình thái ổn định ở khu vực, để bảo vệ những nguyên lý, cơ sở luật pháp đang điều chỉnh toàn bộ quan hệ trong thế giới hiện nay.

Vì thế, tôi cho rằng chúng ta phải nhìn nhận những phát biểu của Thủ tướng vừa rồi trong cả một tiến trình, diễn biến và rõ ràng chúng ta nhận thấy cho đến tận thời điểm này, Trung Quốc chưa hề có dấu hiệu nhân nhượng.

Thủ tướng cũng đề cập tới khả năng tìm đến những biện pháp pháp lý, đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế như Philippines đã từng thực hiện?

- Về nguyên tắc, tôi cũng hết sức tán thành điều này, nhưng đi vào những vấn đề cụ thể thì phải để các nhà chuyên môn vì việc đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế chẳng hạn cũng đòi hỏi nhiều yếu tố về mặt kỹ thuật, kinh nghiệm, về mặt kiến thức… Và chúng ta cũng phải tính tới khả năng chưa chắc chân lý đã thuộc về người có lẽ phải, chính nghĩa. Điều đó cũng phải tính nên sự thận trọng là cần thiết. Tuy nhiên, tôi rất tán thành là phải đưa những sự việc này ra trước thế giới một cách công khai, minh bạch. Còn kết quả phán xét của tòa án hay một cơ quan trọng tài nào đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng đầu tiên chúng ta phải thể hiện được tính minh bạch của chúng ta. Chúng ta không e ngại sự minh bạch vì chúng ta có lẽ phải.

Thủ tướng cũng nói không khơi mào cho bất cứ cuộc chiến nào, nhưng cũng sẵn sàng có những hành động tự vệ khi cần thiết?

- Những vấn đề Thủ tướng nói, lịch sử đã chứng minh tính đúng đắn của nó. Trong lịch sử, chúng ta đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, nếu phân tích kỹ, hầu như tất cả các cuộc chiến tranh đó không phải là do chúng ta khơi mào mà đều là những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập và thống nhất đất nước nhưng vẫn tôn trọng các quốc gia khác. Và trên thực tế, sau những cuộc chiến đó, chúng ta đều chủ động trong vấn đề hòa giải, như với người Pháp, người Mỹ…

Xin cảm ơn ông!

>> XEM THÊM: Thủ tướng: Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự

“Chúng ta không bất ngờ trước hành động của Trung Quốc”

Sáng nay, 23.5, trong phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị việc đánh giá thảo luận của Quốc hội liên quan đến tình hình ở Biển Đông, thông cáo của Quốc hội về nội dung thảo luận (tại đoàn) về tình hình Biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chủ trương và giải pháp của Việt Nam với lập trường 4 điểm như vậy đã được chưa?

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng khẳng định Việt Nam không bất ngờ trước hành vi trái phép của Trung Quốc và “đã có biện pháp ứng phó kịp thời”. Cùng với đó Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu tập trung dự báo và giải quyết các khó khăn của nền kinh tế. Ông cũng nhận định khó khăn trong sản xuất - kinh doanh còn lớn và đang xuất hiện những khó khăn mới.

Hải Phong (ghi) (Hải Phong (ghi))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem