"Người đương thời" Nguyễn Đình Chiến hầu tòa

Thứ tư, ngày 20/10/2010 07:18 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hôm nay (20-10), TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử Nguyễn Đình Chiến, 59 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội)về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Bình luận 0
img
“Người đương thời” Nguyễn Đình Chiến.

Bị cáo này từng được coi là một doanh nhân thành đạt khi xuất hiện trên chương trình “Người đương thời” của VTV.

Theo cáo trạng, trong năm 2007 với cương vị là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Thương mại Bắc Hà (Công ty Bắc Hà), Tổng Giám đốc Tập đoàn Bacha Group Limited Hongkong đã sử dụng nhiều loại giấy tờ giả nhằm ngụy tạo năng lực tài chính để vay vốn rồi chiếm đoạt của 2 bị hại gần 26,5 tỷ đồng.

Cụ thể, vào năm 2007, Chiến đã gặp gỡ và cho ông Phạm Trọng Thuần - Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại Đầu tư Đại Viễn Dương (Công ty Đại Viễn Dương, TP.HCM) xem nhiều giấy tờ thể hiện doanh nghiệp của mình đang có nguồn vốn hàng tỷ USD như: Giấy bảo lãnh của Ngân hàng Barclays London cho người thụ hưởng là Nguyễn Đình Chiến với số tiền 500 triệu Euro, giấy hứa thanh toán nợ của Tập đoàn Bason Hongkong hứa chuyển trả 2 triệu USD cho Chiến, Hợp đồng ủy quyền của ông Yuhao (Lào) cho phép Chiến được sử dụng viên ngọc trị giá 1,2 tỷ USD…

Do tin tưởng vào các loại giấy tờ này, ông Thuần đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư để Công ty Bắc Hà cho vay 20 triệu USD nhằm thực hiện dự án xây dựng khu du lịch sinh thái tại Đồng Nai. Đổi lại, Công ty Đại Viễn Dương phải có vốn đối ứng là 2 triệu USD, hoặc 400.000 USD để trả lãi suất cho vốn đối ứng trên chuyển vào tài khoản của Công ty Bắc Hà.

Sau đó, Công ty Đại Viễn Dương đã chuyển gần 6,5 tỷ đồng (tương đương 400.000 USD) và 12 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Bắc Hà nhưng đến hạn vẫn không được vay tiền, nhiều lần đến đòi nhưng Chiến không trả.

Khi vụ án được khởi tố, khám xét nơi ở của bị can, CQĐT đã thu giữ được các loại giấy tờ mà Chiến huy động vốn, qua giám định cho thấy, đây đều là giấy tờ giả mạo qua in phun màu có đóng dấu treo của Công ty Bắc Hà.

Năm 2008, cũng bằng thủ đoạn trên, Chiến đã lấy được lòng tin của ông Nguyễn Tiến Luận - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Nguyễn Trãi (quận Hà Đông, Hà Nội) rồi đi đến thỏa thuận để Công ty Bắc Hà huy động 100 triệu Euro, thực hiện dự án xây dựng khu giáo dục. Phía Đại học Nguyễn Trãi phải chuyển cho Công ty Bắc Hà 10 triệu Euro vốn đối ứng hoặc 2 triệu Euro trả lãi suất cho khoản đối ứng này.

Tuy nhiên, khi nhận 20 tỷ đồng tiền lãi vay của khoản vốn đối ứng từ đối tác, Chiến cũng đã không thực hiện theo như hợp đồng và cũng không trả lại tiền khi Trường Đại học Nguyễn Trãi đến đòi nợ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem