55 năm Hội Nhà văn Việt Nam: Dấn thân vì tình yêu con người

Thứ năm, ngày 20/12/2012 09:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sáng 19.12, Hội Nhà văn VN đã tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập. Hơn nửa thế kỷ qua, các nhà văn đã đồng hành cùng đất nước, dấn thân vì tình yêu con người.
Bình luận 0

Tỏa bóng mát 2 thế kỷ

Sáng kỷ niệm, trời Hà Nội lạnh, thế nhưng các nhà văn lão thành vẫn có mặt từ sớm để chia vui cùng các thế hệ đàn em. Nhà văn Tô Hoài được gia đình đưa đến tận nơi, giờ ông đi đâu cũng phải có người dìu đỡ; nhà văn Học Phi ngồi xe lăn; nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tóc bạc trắng; GS Vũ Khiêu cũng có mặt. Đó là những "cây đại thụ tỏa bóng mát cả 2 thế kỷ" theo đánh giá của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN.

img
Các nhà văn lão thành nhận hoa chúc mừng tại lễ kỷ niệm.

Bởi sự thiếu vắng rất nhiều những bạn bè cùng lứa nên nhà văn Tô Hoài là một chứng nhân hiếm hoi còn lại. Trò chuyện rất khó khăn vì sức khỏe không cho phép ở tuổi 93, ông xúc động cho biết: "Được có mặt trong lễ kỷ niệm 55 năm của Hội Nhà văn là một niềm vui trong đời cầm bút của tôi, đến đây, tôi mừng vì được gặp anh em, song cũng buồn nhớ những người bạn đã vắng bóng. Tôi vẫn còn nhớ như in không khí của Đại hội lần thứ nhất quyết định thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, họp tại Câu lạc bộ Đoàn Kết, lúc đó đa số ý kiến đồng thuận với việc thành lập Hội. Trụ sở hội đầu tiên đặt ở nhà số 84 Nguyễn Du, Hà Nội".

Hạnh ngộ để thấy bùi ngùi, để nhớ về 64 năm trước, tờ Tạp chí "Văn nghệ" đã ra đời ở ấp Đồi Cháy (Nhã Nam, Bắc Giang) trong những khó khăn gian khổ của cuộc kháng chiến chống Pháp với hàng loạt những cây bút đã gắn bó ân tình với mảnh đất này như Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Ngô Tất Tố… Để rồi tháng 4.1957, Hội Nhà văn VN chính thức được thành lập tại Hà Nội với 60 thành viên.

55 năm đã qua, Hội thực sự trưởng thành và là nơi hội tụ trái tim, tình cảm, mơ ước của những cây viết tài danh trong cả nước. Trong gần 1.000 hội viên của Hội hôm nay, rất nhiều các cây đại thụ đã vắng bóng, rất nhiều gương mặt ưu tú đã hy sinh nơi chiến trường sau 2 cuộc kháng chiến, nhưng họ vẫn sống mãi trong lòng dân tộc bởi những dấn thân, cống hiến vì tình yêu con người.

Cần một chữ "hay"

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: "Tháng 9 vừa qua, Hội Nhà văn vừa tổ chức một cuộc thảo luận xung quanh câu hỏi: Với sứ mệnh là người kiến tạo đạo đức xã hội, nhà văn phải chịu trách nhiệm gì trước tình hình suy thoái đáng lo âu hiện nay? Phải chăng chưa có tác phẩm xứng tầm, còn hời hợt, né tránh, ru mình trong những toan tính vụn vặt cá nhân. Đó là một vấn đề bỏ ngỏ để mọi người cùng suy nghĩ. Tuy nhiên, có một câu trả lời ngắn gọn và súc tích nhất, nói như nhà thơ Tố Hữu, đó là chỉ cần một chữ "hay". Có tác phẩm hay là có tất cả".

“Tôi muốn nói với các cây bút trẻ: Các bạn phải nhớ một điều sâu sắc khi cầm bút, đó là vì dân. Hãy sống, đồng cảm và ước mơ cùng nhân dân”.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã thay mặt nhân dân "đặt hàng" các nhà văn những sáng tác chất lượng: "Người đọc cần ở nhà văn những tác phẩm mới, nhưng cái mới trong văn học phải là cái mới của cuộc sống. Đó không phải là bộ cánh nhất thời hợp mốt mà là cái mới trong sự sáng tạo, trong tình cảm, trong suy nghĩ, trong tâm hồn”.

Ngoài sảnh của hội trường lễ kỷ niệm là khu vực triển lãm các bức tượng đồng bán thân của thế hệ các nhà văn đi trước, có thể thấy lại gương mặt của hầu hết các văn nhân nổi tiếng như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi… Những bức tượng trầm mặc như chìm đắm vào đời sống tâm tưởng riêng của mình, nhưng nó mang đến sự khích lệ cho những người viết hôm nay, để họ không quên, những thế hệ đồng nghiệp đi trước vẫn luôn chờ đợi họ đóng góp những tác phẩm có giá trị cho đất nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem