80 năm sau khi chìm, con tàu Đức Quốc xã vẫn rò rỉ chất độc hóa học xuống Biển Bắc

Lê Phương (Express) Thứ tư, ngày 19/10/2022 11:14 AM (GMT+7)
80 năm sau khi chìm, một con tàu đắm trong Chiến tranh Thế giới thứ hai vẫn đang rò rỉ hóa chất nguy hiểm ra Biển Bắc.
Bình luận 0
80 năm sau khi chìm, con tàu Đức Quốc xã vẫn rò rỉ chất độc hóa học xuống Biển Bắc - Ảnh 1.

Xác của tàu V-1302 John Mahn, bị chìm vào năm 1942 khi hộ tống tàu tuần dương chiến đấu Scharnhorst. Ảnh: Getty

Là một tàu được hải quân Đức Quốc xã sử dụng, V-1302 John Mahn đã bị đánh chìm bởi máy bay ném bom của Anh vào năm 1942. Con tàu đã bị tấn công khi đang thực hiện Chiến dịch Cerberus - còn được gọi là 'Channel Dash' - một đoàn tàu vận tải gồm hơn 200 tàu hộ tống tàu tuần dương Prinz Eugen của Đức Quốc xã và các thiết giáp hạm Scharnhorst và Gneisenau từ Brittany qua eo biển Manche đến các cảng của Đức.

V-1302 John Mahn vẫn nằm dưới đáy Biển Bắc ngoài khơi Bỉ kể từ đó, làm rò rỉ chất độc hóa học ra Biển Bắc.

Mới đây, nhà nghiên cứu Josefien Van Landuyt và các đồng nghiệp của bà từ Đại học Ghent đã tìm thấy dấu vết của arsen, niken và đồng trong các mẫu lấy từ thân tàu và đáy biển xung quanh.

Nhóm nghiên cứu cũng đã thu hồi PAH. Đây là một nhóm các chất hóa học được tìm thấy trong nhiên liệu hóa thạch.

Bà Van Landuyt nói với tờ New Statesmen: "Chúng tôi nhận thấy là càng đến gần con tàu, và đặc biệt là càng đến gần hầm than của nó, nồng độ PAH càng tăng lên".

Bà nói thêm với New Scientist rằng các chất hóa học đang thay đổi môi trường khu vực xung quanh con tàu.

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy các vi khuẩn phân hủy PAH như Rhodobacteraceae và Chromatiaceae trong các mẫu có mức độ ô nhiễm cao nhất.

Bà Van Landuyt cho biết ô nhiễm từ V-1302 John Mahn là "tương đối nhỏ", điều này cho phép xác tàu hoạt động như một rạn san hô nhân tạo. Tuy nhiên, bà cảnh báo hàng ngàn xác máy bay khác bị bắn rơi từ chiến tranh có thể làm rò rỉ một lượng lớn chất thải độc hại ra Biển Bắc.

Bà nói: "Những con tàu này bị bắn trúng trong khi chúng vẫn còn chất đầy đạn dược".

Công việc của bà Van Landuyt là một phần của dự án North Sea Wrecks, dự án tìm hiểu về việc liệu các con tàu đắm thời chiến có cần được nâng lên khỏi đáy biển để bảo vệ sinh vật biển hay không.

Nhà nghiên cứu Andrew Turner từ Đại học Plymouth, người tham gia dự án cho biết nếu không hành động, xác tàu có thể gây ô nhiễm môi trường trong nhiều thập kỷ.

Ông nói: "Nếu đó là sơn chống bám bẩn, sơn điện tử hoặc PAH than, chúng sẽ tồn tại rất lâu. Các PAH dưới đáy biển sẽ mất nhiều thập kỷ để phân hủy".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem