99% số trại, lồng nuôi trên biển có quy mô hộ gia đình, mọi rủi ro đổ lên đầu người nuôi

Thiên Ngân Thứ bảy, ngày 19/08/2023 15:00 PM (GMT+7)
Ước tính có tới 99% số trại nuôi trên biển là quy mô hộ gia đình nên mọi khâu sản xuất bà con đều phải lo hết, từ cá giống, lồng bè, phòng chống dịch bệnh đến việc bán cá… Điều này khiến mọi rủi ro đều đổ lên đầu người nuôi cá.
Bình luận 0

99% số trại, lồng nuôi trên biển có quy mô hộ gia đình

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết như vậy tại buổi Toạ đàm trực tuyến chủ đề Phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển - Cơ hội và thách thức, do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức mới đây.

Thông tin về tiềm năng phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển (nuôi biển), ông Trần Công Khôi - Trưởng phòng Giống và thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, Việt Nam có 3.260km bờ biển và 1 triệu kilomet mặt biển, trong đó khoảng 500.000ha mặt nước có thể nuôi biển. Nghĩa là tiềm năng nuôi biển về mặt diện tích là rất lớn.

Trên thực tế có rất nhiều vùng, địa phương có thể phát triển nuôi biển. Trong đó vùng phía Bắc, nơi các cửa sông, cửa biển có thể phát triển nuôi cá, nhuyễn thể, giáp xác. Vùng thứ 2 là Duyên hải Miền trung có thể nuôi cá biển quy mô lớn, sản lượng lớn. Vùng thứ 3 là Đông Nam Bộ và vùng thứ 4 là Tây Nam Bộ.

Đối tượng nuôi biển ở nước ta khá phong phú, đa dạng, từ các loại cá đến nhuyễn thể hai mảnh vỏ (ngao, sò, hàu…), giáp xác (tôm hùm…) đến các loại rong biển cũng đang có nhiều tiềm năng lớn để phát triển. Bên cạnh đó, nuôi biển còn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua hàng loạt các chính sách, chủ trương.

99% số trại, lồng nuôi trên biển có quy mô hộ gia đình, mọi rủi ro đổ lên đầu người nuôi - Ảnh 1.

Bà con ngư dân đang tiến hành xuống giống hàu trên vùng nuôi tại biển Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Quý.

Cụ thể, năm 2017 đã có Nghị quyết 09 về phát triển kinh tế biển, tiếp đó, Luật Thủy sản cũng được ban hành năm 2017 đã tạo hành lang pháp lý rất lớn để phát triển kinh tế thủy sản. Đến năm 2018, chúng ta có Nghị quyết số 36/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, gạch đầu dòng thứ 4 là phát triển nuôi trồng và khai thác hải sản. 

Cụ thể, Nghị quyết nhấn mạnh chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt...

"Đến năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án nuôi biển đến năm 2030 tầm nhìn 2045, nghĩa là chúng ta đã có đầy đủ chủ trương, chính sách, vấn đề hiện tại chỉ là thực hiện thế nào cho hiệu quả" - ông Trần Công Khôi nói. 

Phát biểu tại buổi Toạ đàm, ông Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, chúng ta có nhiều thuận lợi để khai thác nghề nuôi biển nhưng khó khăn cũng không ít. Điều đầu tiên là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, ước tính có tới 99% số trại nuôi trên biển là quy mô hộ gia đình nên mọi khâu sản xuất bà con phải lo hết, từ cá giống, lồng bè, phòng chống dịch bệnh đến việc bán cá…

Điều này khiến mọi rủi ro đổ lên đầu người nuôi cá, nếu không may bị bão gây thiệt hại thì các hộ bị thiệt hại nặng và phải lại làm lại.

Thứ 2 là phương thức nuôi, do quy mô hộ gia đình nên sức đầu tư vào trại nhỏ, mức độ ứng dụng cơ giới hóa, các tiến bộ kỹ thuật yếu, phần lớn các bè nuôi thủ công, tận dụng các vật liệu làm lồng cho đến thức ăn, trong đó có những vật liệu có thể gây hại môi trường.

Thứ 3 là vấn đề hệ thống, các chuỗi nuôi biển đang manh nha nhưng còn nhỏ, chưa có sự kết nối hay việc cung cấp cá giống cho bà con không ai kiểm định, tiêu chuẩn lồng nuôi cũng vậy, không có đơn vị nào đánh giá lồng nuôi này đạt chuẩn hay chưa... Không ai kiểm định bè nuôi, nếu xảy ra rủi ro thì người nuôi phải chịu.

Thứ 4, mặc dù các bè nuôi của bà con trị giá hàng tỷ đồng cho đến hàng chục tỷ, nhưng đối với Nhà nước, ngân hàng thì vẫn không công nhận đó là tài sản. Vì không có cơ quan nào xác định, đánh giá hay có tiêu chuẩn để công nhận đó là tài sản cho bà con có thể vay vốn hay tiếp cận bảo hiểm, các chính sách, hỗ trợ của nhà nước. 

99% số trại, lồng nuôi trên biển có quy mô hộ gia đình, mọi rủi ro đổ lên đầu người nuôi - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, nghề nuôi biển nhiều tiềm năng nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan nào được giao biển và giao biển đủ dài để nuôi trồng lâu dài. Ảnh: Viết Niệm

Thêm nữa, mức độ tiếp cận chính sách, thực hiện chính sách hiện nay vẫn còn khó khăn. Luật Thủy sản năm 2017 đã có hiệu lực từ đầu năm 2019, nhưng việc giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân làm hoạt động nuôi trồng chưa được thực hiện hiệu quả. Theo tìm hiểu của Hiệp hội Nuôi biển, đến nay chưa có cơ quan nào được giao biển và giao biển thời gian đủ dài để nuôi trồng lâu dài.

Hay như theo Nghị định 11, việc giao biển cho cá nhân đến nay việc thực thi vẫn chưa hiệu quả. Trong khi đó Nghị định 67 cũng còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết.

Để tháo gỡ những vướng mắc này, ông Trần Công Khôi – Trưởng phòng Giống và thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh, hành lang pháp lý đã rất rõ ràng, chúng tôi đang tiếp tục đề xuất sửa đổi Nghị định 26 về cấp phép nuôi trồng trên biển để có các chính sách đồng bộ cho người dân. 

Bên cạnh đó, Cục Thuỷ sản cũng đang phối hợp cùng một số công ty, đơn vị triển khai các mô hình nuôi thủy sản cộng đồng tại Phú Yên, Bình Định, Cà Mau, Kiên Giang… Những mô hình này phát triển theo phương thức đồng quản lý vừa quản lý được khai thác ven bờ, vừa chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân, đồng thời giúp các hoạt động khai thác tận diệt ven bờ được giảm thiểu.

Ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, hiện nay, quy hoạch không gian biển quốc gia đang bị chậm tiến độ, cho đến nay vẫn chưa xây dựng xong. Sắp tới Quốc hội sẽ thảo luận về quy hoạch này, sau khi Quốc hội thông qua thì chúng ta mới có thể có cơ sở để triển khai.

Sau khi có quy hoạch, phải tiến hành sớm giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân để nuôi trồng thuỷ sản trên biển. Chúng ta không thể kêu gọi ngư dân đầu tư bài bản, áp dung các công nghệ mới như lồng nhựa HDPE nếu như họ không có quyền sử dụng vùng biển đó lâu dài.

"Đề nghị Cục Thuỷ sản cũng như các cơ quan liên quan sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam liên quan đến nuôi biển. Về phía các địa phương, cần bàn hành tiêu chuẩn cơ sở, ví dụ như Quảng Ninh đi rất sớm trong việc phê duyệt vật liệu trong nuôi trồng thuỷ sản mặn – lợ; ban hành thông tư hướng dẫn giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân. Không có tiêu chuẩn, quy chuẩn thì không có sơ sở pháp lý để công nhận. Cần ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, cùng với giao mặt biển thì mới biến đầu tư của người dân thành tài sản. Lúc đó người dân có thể dùng tài sản này để thế chấp ngân hàng vay vốn đầu tư, mua bảo hiểm rủi ro, thừa kế…" - ông Dũng kiến nghị. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem