Âm nhạc và Điện ảnh cần được đầu tư để tiến tới xây dựng nền công nghiệp thực thụ

PV Thứ bảy, ngày 17/12/2022 14:59 PM (GMT+7)
Tại Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" diễn ra hôm nay (17/12) tại Bắc Ninh, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh đã đưa ra định hướng, chính sách và nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa ở TP Hồ Chí Minh.
Bình luận 0

Phát biểu tại Hội thảo, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Hội thảo Văn hóa năm 2022 đưa ra phác họa về ngành công nghiệp Âm nhạc và Điện ảnh của thành phố, qua đó nêu lên những định hướng, giải pháp chính trong phát triển ngành công nghiệp Âm nhạc và Điện ảnh thành hai ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố.

Thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh đã xác định ngành công nghiệp Điện ảnh và Công nghiệp Âm nhạc là một trong 08 ngành tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò trung tâm kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ, là thị trường lớn về văn hóa nghệ thuật của vùng và cả nước, đầu mối giao lưu quốc tế, luôn nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của phát huy những tiềm lực vốn có trên mọi mặt, trong đó lĩnh vực Điện ảnh và Âm nhạc đã dần định hình đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Thành phố trong định hướng xây dựng ngành công nghiệp văn hoá.

Âm nhạc và Điện ảnh cần được đầu tư để tiến tới xây dựng nền công nghiệp thực thụ - Ảnh 1.

Hội thảo Văn hoá 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Ngọc Hải)

Hiện nay, số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa có khoảng 17.670 doanh nghiệp, chiếm khoảng 7,74% số doanh nghiệp của toàn thành phố. Các doanh nghiệp này hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh, phát thanh - truyền hình, lập trình máy tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính, quảng cáo, nhiếp ảnh, thời trang, kiến trúc, du lịch, triển lãm, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật. Hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác. Đóng góp của sản xuất các ngành công nghiệp văn hóa trong GRDP ngày càng tăng, thể hiện vị thế của ngành đối với kinh tế của thành phố. Đóng góp của sản xuất công nghiệp văn hóa vào GRDP năm 2010 chiếm tỷ lệ 3,77%, đến năm 2019 chiếm tỷ lệ 3,88%. 

Năm 2020, do bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa có sự sụt giảm, đạt 36.732 tỷ đồng, chiếm 3,54% tổng GRDP của thành phố. Tuy nhiên, đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020 vào GRDP của toàn thành phố cao hơn mục tiêu phấn đấu của cả nước (cả nước phấn đấu doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP).

Âm nhạc và Điện ảnh cần được đầu tư để tiến tới xây dựng nền công nghiệp thực thụ - Ảnh 2.

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo Văn hóa năm 2022. Ảnh: Ngọc Hải

Những năm gần đây, thành phố tập trung xây dựng các mô hình âm nhạc với kỳ vọng trở thành biểu tượng mới của khát vọng Việt. Nhiều nhà sản xuất âm nhạc đã mạnh dạn thể nghiệm các chất liệu âm nhạc mới, là sự kết hợp giữa các chất liệu âm nhạc dân gian từ 3 miền Bắc, Trung, Nam trên nền hòa âm đương đại. Dòng nhạc dân tộc là màu sắc chủ đạo cho nhiều dự án đã góp phần tạo nên bản sắc riêng cho nền âm nhạc mới của Thành phố Hồ Chí Minh, phù hợp với xu hướng âm nhạc hiện đại của thế giới nhưng vẫn khẳng định bản sắc văn hoá dân tộc một cách mạnh mẽ.

Một trong những sự kiện tiêu biểu mang tính bước ngoặt đối với đời sống âm nhạc nói riêng và đối với việc xây dựng thương hiệu của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung là Lễ hội Âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh "Hò dô" (HOZO) lần đầu tiên tổ chức năm 2019. Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, hơn 20.000 khán giả thành phố và du khách quốc tế đã được hòa mình trong một không khí âm nhạc sôi động cuồng nhiệt; 200 nghệ sỹ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như: Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Hàn Quốc đã trình diễn nhiều tiết mục âm nhạc đa dạng về thể loại và ngôn ngữ, tạo ra một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. 

Bài học kinh nghiệm từ việc tổ chức một lễ hội Âm nhạc chuyên nghiệp quốc tế chính là việc xã hội hóa kinh phí tổ chức lễ hội. Và thành công của Lễ hội âm nhạc Hò dô lần thứ nhất cho thấy, việc xã hội hóa lễ hội âm nhạc là một hướng đi đúng của thành phố trong việc tổ chức một lễ hội nghệ thuật quốc tế. Ngoài ra, để có thể mời và đáp ứng yêu cầu của các nghệ sĩ tên tuổi của thế giới, công tác tổ chức cần phải vận hành một cách chuyên nghiệp các khâu tổ chức một lễ hội nghệ thuật quốc tế. 

Để làm được như vậy, cần có một hệ sinh thái hoàn chỉnh gồm: nhà tổ chức, quản lý, ngành công nghiệp phụ trợ, nghệ sĩ và cộng đồng khán giả. Trong khi đó, tại Việt Nam, ngành công nghiệp âm nhạc mới ở bước khởi đầu, vì vậy việc xã hội hóa hoạt động lễ hội âm nhạc là hoạt động hiệu quả để nâng cao chất lượng lễ hội tại các địa phương.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến những tiện ích công nghệ mới mẻ cho âm nhạc khiến cách thức sáng tác, cách quản lý, khai thác sản phẩm âm nhạc, cách tiếp cận khán giả hoàn toàn khác trước đây. Thị trường âm nhạc Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng rất tiềm năng và có khả năng phát triển mạnh ở xu hướng chuyển đổi số trong tương lai.

Với Điện ảnh, doanh thu ngành năm 2010 đạt 3.822 tỷ đồng, năm 2015 là 6.016 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 6.732 tỷ đồng. Đến nay, ngành Điện ảnh đóng góp khoảng 0,35% cho GRDP của thành phố. Năm 2020-2021, do tác động của đại dịch Covid-19 nên ngành Điện ảnh bị ảnh hưởng nặng nề, có giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội các rạp chiếu phim phải tạm dừng hoạt động.

Với tiềm năng, thế mạnh và những điều kiện thuận lợi như trên ngành công nghiệp văn hóa đã phát triển đồng hành với quá trình phát triển kinh tế xã hội của Thành phố. Việc hoạch định chính sách, hệ thống các giá trị, định hướng xu thế phát triển đồng bộ xứng tầm với tiềm năng, khai thác hiệu quả các nguồn lực để tăng cường hiệu suất tiếp tục phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới là điều rất cần thiết. Bên cạnh đó, lĩnh vực Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cần xây dựng chiến lược phát triển một cách bền vững, để phát huy tốt nhất nguồn lực trên các mặt và hình thành rõ nét nền công nghiệp trong tương lai.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của các quốc gia ngày càng ảnh hưởng lẫn nhau, ngành công nghiệp văn hóa chính là một tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế và giúp củng cố tính độc đáo của quốc gia; đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy bản sắc văn hóa tiên tiến và giá trị thời đại hơn cho mỗi quốc gia. Hiện trạng ngành công nghiệp văn hóa trên lĩnh vực Âm nhạc và Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cần có sự đổi mới căn bản; đang phải đối mặt với các vấn đề hạn chế sau:

Lực lượng lao động thiếu các kỹ năng quản lý và kinh doanh chuyên nghiệp, chưa được tiếp cận các kỹ năng và chuyên môn phù hợp để thích ứng, vận hành hiệu quả các mô hình tổ chức cũng như kinh doanh mới trong ngành công nghiệp văn hóa.

Công nghệ số hóa chưa được ứng dụng rộng rãi và mạnh mẽ. Nhiều tiềm năng và thế mạnh nhưng các lĩnh vực văn hoá nói chung và nghệ thuật Âm nhạc, Điện ảnh nói riêng chưa được phát huy tối đa. Các chính sách tài trợ cho cho hoạt động Điện ảnh, trong đó chú trọng đến đối tượng hưởng thụ chưa cụ thể và thiết thực. Tham khảo kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa của một số quốc gia, một trong những thay đổi cơ bản nhất trong chính sách tài chính của chính phủ là sự chuyển hướng tài trợ, từ tài trợ cho bên cung sang tài trợ cho bên cầu. Nói cách khác, các trợ cấp của chính phủ chủ yếu dành cho các tổ chức nghệ thuật và nghệ sĩ, nhằm vào quá trình sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật.

Sự hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa cần phát huy tính tự chủ hơn nữa, cần chiến lược để hình thành nên các chuỗi sản xuất sản phẩm văn hoá đồng bộ, chuyên nghiệpCơ chế chính sách, ưu đãi về thuế và các yếu tố khác chưa tạo động lực để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển vào lĩnh vực văn hóa.

Nói đến công nghiệp Âm nhạc không thể không nhắc tới công nghiệp biểu diễn. Nhưng đến nay rất ít chương trình biểu diễn bán vé thành công. Đây là một điều cần quan tâm, bởi chỉ khi sản phẩm nghệ thuật tự chủ được nguồn thu thì tất yếu chất lượng tác phẩm sẽ nâng lên, buộc nghệ sĩ phải nghiêm túc sáng tạo.

Một vấn đề tối trọng để kiến tạo nền công nghiệp văn hoá chính là vấn đề bản quyền. Dù công tác bảo vệ bản quyền âm nhạc và điện ảnh đã có những khởi sắc, nhận thức về Luật Sở hữu trí tuệ đã dần chuyển biến tích cực, tuy nhiên tình hình vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ còn diễn biến phức tạp, cần quản lý và thực hiện tốt hơn.

Và để chạm đến nền công nghiệp giải trí chuyên nghiệp, các chuyên gia quốc tế và trong nước đều chung nhận định rằng: Tuy có nhiều bứt phá mạnh mẽ nhưng Âm nhạc và Điện ảnh thành phố vẫn chưa được gọi là những nền công nghiệp đúng nghĩa, chúng ta vừa xem các sáng tác là tác phẩm nghệ thuật đơn thuần mà không quan tâm lợi nhuận; vừa xem nó như một sản phẩm thương mại để quảng bá, phân phối và thu lợi. Có lẽ chúng ta cần thật sự xem Âm nhạc và Điện ảnh như một sản phẩm được đầu tư, đóng gói và quảng bá rộng rãi để tiến tới xây dựng nền công nghiệp thực thụ.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tạo ra nhiều hoạt động sáng tạo, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, chú trọng các hoạt động giao lưu quốc tế, góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng của Thành phố. 

Tăng cường các hoạt động sáng tác, biểu diễn, quảng bá gắn với mục tiêu kinh doanh hiệu quả, khuyến khích và thu hút xã hội hóa nhằm phát huy nguồn lực để tập trung các dự án khởi nghiệp trên lĩnh vực âm nhạc, tạo cơ chế thu hút đầu tư đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn nói chung và hoạt động âm nhạc nói riêng.

Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư trọng điểm các công trình nhà hát, trung tâm giải trí đạt chuẩn quốc tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số trên lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, áp dụng hiệu quả thành tựu của khoa học công nghệ…

Đối với lĩnh vực Điện ảnh, trên cơ sở triển khai thực hiện Luật Điện ảnh sửa đổi, có hiệu lực từ 1/1/2023, Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới tạo đà tiếp tục phát triển, thay đổi tư duy, hành động để tiếp tục nâng cao trình độ sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm Điện ảnh, chinh phục thị trường, khẳng định thương hiệu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Tạo nguồn lực mạnh mẽ từng bước xây dựng nền điện ảnh hiện đại, nhân văn, mang bản sắc dân tộc và ngày càng có nhiều đóng góp vào phát triển công nghiệp văn hoá Thành phố. Đẩy mạnh xã hội hoá điện ảnh, những chính sách ưu đãi về thuế, cơ chế để khuyến khích đầu tư về điện ảnh, có chính sách bảo hộ phù hợp cho phim Việt Nam như ưu tiên cho việc chiếu phim Việt Nam, cơ chế ưu đãi về vốn cho những nhà làm phim trong nước… Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem