Những ẩn khuất sau vụ 3 người bị bắn chết ở Đắk Nông

Duy Hậu - Hứa Phương Thứ ba, ngày 25/10/2016 17:00 PM (GMT+7)
“Chúng tôi thật sự không còn đường lui. Từ khi Công ty TNHH thương mại đầu tư Long Sơn được giao đất, cuộc sống của chúng tôi đảo lộn. Người mất nhà, người mất đất...” - ông Nguyễn Văn Chu, một hộ dân sống tại tiểu khu 1535 (nơi xảy ra vụ nổ súng 3 người chết, 16 người bị thương) than thở.
Bình luận 0

Rừng hay rẫy?

Theo tìm hiểu của PV, rất có thể việc nhập nhằng giữa rừng và rẫy trên diện tích rừng do Nhà nước quản lý là một phần nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng hôm 23.10.

img

Khu vực đất giao cho Công ty Long Sơn hiện phần lớn là điều, cà phê và cao su của dân.

Ông Nguyễn Văn Chu - một người dân sống tại tiểu khu 1535 - khẳng định: “Khi chúng tôi vào đây toàn bộ khu vực này không còn rừng. Hầu hết đất đai đã được người dân khai phá để trồng điều từ trước đó. Có diện tích được đồng bào trồng điều từ năm 1986. Trước đây khu vực này có cả ngàn hộ dân nhưng hiện chỉ còn khoảng trên 250 hộ”.

Nhiều hộ dân khác đang sống tại tiểu khu 1535 cũng cho biết, khi họ vào đây mua đất thì trên đất đã có cây điều, cao su, có diện tích đã cho thu hoạch. Thậm chí, có nơi vườn điều của đồng bào được trồng trước từ những năm 1990.

Một báo cáo năm 2015 của Sở NNPTNT tỉnh Đắk Nông cũng khẳng định, trong số 501,7ha rừng bị phá trên diện tích giao cho Công ty TNHH thương mại đầu tư Long Sơn (Công ty Long Sơn) có hơn 321ha bị phá trước khi bàn giao.

Chưa tìm được tiếng nói chung

Bà Mai Thị Khuyên, vợ ông Đặng Văn Hiến (người được cho là có liên quan trong vụ bắn chết 3 bảo vệ rừng của Công ty Long Sơn hôm 23.10) kể với PV: Vợ chồng bà từ Lạng Sơn vào Đắk Nông năm 2006. Khi đến đây, bà mua lại khoảng hơn 3ha rẫy (đã có điều cho trái thu bói) của một người tên Diếc rồi dựng nhà ở luôn trong rẫy. Cho đến năm 2008, khi UBND tỉnh Đắk Nông quyết định giao đất cho Công ty Long Sơn thì khu rẫy của bà nằm trong diện phải giải tỏa. Song vì phía công ty không tiến hành bồi thường, cũng không nói với gia đình bà lời nào nên gia đình bà không giao đất. Và cũng vì vậy từ đó về sau trên khu rẫy của bà có nhiều chuyện xảy ra. Có lần có người (mặc áo có đề chữ Công ty Long Sơn) đã đến và chặt của bà một số cây điều (?).

img

Nhiều người dân dựng nhà sinh sống trong khu vực này.

Tranh chấp diễn ra nhì nhằng nhiều năm liền, gia đình bà Khuyên cũng như những hộ khác trong vùng dự án của Công ty Long Sơn thậm chí đã đệ đơn ra các cơ quan chức năng của Trung ương để nhờ can thiệp, giải quyết nhưng vẫn chưa được giải quyết. Bà Khuyên cho biết, đòi hỏi của người dân là nếu công ty muốn lấy đất thì phải thỏa thuận bồi thường nhà cửa, cây trồng cho dân, nhưng phía công ty không thực hiện.

Nhiều người dân khác cho biết thêm: Chính việc Công ty Long Sơn không thỏa thuận hỗ trợ, bồi thường mà căng thẳng giữa người dân với công ty ngày càng lớn.

Trong khi đó, trao đổi với PV, đại diện cho Công ty Long Sơn, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu - Giám đốc công ty - lại “tố” dân nhiều lần “gây sự” với đơn vị, đánh người, phá nhà của công ty (?). Ông Sửu trần tình rằng, nhiều năm qua, công ty đã mời dân lên để thỏa thuận bồi thường nhưng dân không đồng ý.

Theo người dân, có một điều khó hiểu là mặc dù dự án của Công ty Long Sơn là trồng điều, cao su nhưng đơn vị này lại đi phá bỏ điều, cao su đã cho thu hoạch. “Nếu công ty thuê đất để trồng điều, cao su thì tại sao phải phá bỏ điều, cao su của chúng tôi mà không thỏa thuận mua lại? Họ chẳng thỏa thuận gì, thậm chí việc thông báo về việc giải tỏa, họ cũng rải tờ rơi trên đường chứ không đưa cho chúng tôi” - ông Nguyễn Văn Hùng, một người dân sống tại tiểu khu 1535 cho biết.

Trong khi đó, lý giải về việc này, ông Sửu cho rằng, do điều, cao su của dân trồng không được chăm sóc tốt nên công ty không thể mua lại để tiếp tục chăm sóc.

img

Bà Mai Thị Khuyên kể lại sự việc.

Năm 2008, Công ty Long Sơn (ấp 5, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) được UBND tỉnh Đắk Nông quyết định cho thuê quyền sử dụng đất và thuê rừng trên diện tích 1.079ha tại tiểu khu 1535. Theo quy hoạch, trên diện tích này, công ty sẽ trồng 441,1ha cao su, 68ha điều, 62,2ha rừng, diện tích còn lại 507,7ha là rừng quản lý bảo vệ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem