Ăn vải là yêu nước

Anh Đào Thứ năm, ngày 03/07/2014 07:54 AM (GMT+7)
Một phát ngôn để đời của một vị thứ trưởng Bộ Công Thương: “Nếu 90 triệu dân cùng ăn mỗi người vài lạng thì không có chuyện nông dân ế vải”.
Bình luận 0

Câu này nghe quen quen, y như “quan điểm” của một lãnh đạo Bộ NNPTNT, đại ý: Vải thiều của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc được chở thẳng đến Bắc Kinh và là món ăn cao cấp của giới nhà giàu. Vậy tại sao chúng ta không tiêu thụ ngay ở trong nước cho người dân Việt Nam thưởng thức trái ngon này!!!

Sở dĩ bài này đặt tựa “ăn vải = yêu nước” là bởi lời kêu gọi người dân ăn vải được gắn với nhận định của chính vị thứ trưởng khi coi “sự kiện Biển Đông” chính là cú hích cho phong trào người Việt dùng hàng Việt.

Nói một cách công bằng, Bộ Công Thương quả thực đã “làm gì đó” khi lần đầu tiên họ có những chuyến xúc tiến thương mại để quả vải miền Bắc “Nam du”, hay lần đầu tiên đi Singapore, đi Lào, đi Campuchia “giới thiệu quả vải”.

Nhưng “rõ như ban ngày” là vụ vải chỉ kéo dài trong 1 tháng, và với công nghệ bảo quản sau thu hoạch bằng lò sấy than như hiện nay, 90 triệu người Việt sẽ phải ngốn ngấu bằng hết trong vòng 1 tháng. “Rõ như ban ngày” là quả vải Việt, vốn chỉ quen xuất sang “anh láng giềng” theo một thứ tiêu chuẩn là chẳng có tiêu chuẩn nào cả, không dễ để vào các thị trường khác, chưa nói tới Nhật, Hàn hay Mỹ, EU. Lưu ý là chính Bộ Công Thương giải thích kết quả xúc tiến sang Singapore rằng “cần phải có thời gian”. Hay như quy trình chăm bón theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP thì còn phải “về lâu dài” như thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Nguyễn Quân.

Và cũng “rõ như ban ngày” là nếu chỉ nhìn vào thị trường trong nước, nếu chỉ nói chuyện tiêu thụ quả vải bằng cách kích động những tình cảm thiêng liêng rằng ăn vải là yêu nước, rằng tự hào dân tộc thì mỗi ngày vài quả vải, thì đúng như ai đó đã than lên rằng: Tuổi thơ của người Việt kéo dài nhất thế giới”.

Huống chi logic của câu chuyện là rất có vấn đề.

Thị trường nội địa với 90 triệu dân là một trong những thế mạnh của xúc tiến thương mại. Nhưng nếu chỉ trông vào thị trường nội địa bằng cách kêu gọi lòng yêu nước có vẻ gì đó giống như bắt người lành phải đi bằng một chân.

Điều dễ nhìn nhận thấy nhất trong phát ngôn để đời này là sự ỷ lại. Cái gì dễ thì công lãnh đạo, cái gì khó thì lại gọi dân. Đấy là vải, dân thương nhau còn có thể cố mà nhồi nhét được. Còn những thứ không xơi được thì thương kiểu gì đây!

Với tư duy quản lý kiểu này, liệu rồi một ngày người ta sẽ kêu gọi nhân dân mua sổ xố, số đề, chẳng hạn để sẻ chia gánh nặng bội chi, hoặc như một hình thức chứng tỏ mình yêu nước(?!).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem