Ao hồ chứa “nước thiêng” ở miền Tây đang kêu cứu…ông trời

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 05/05/2016 15:37 PM (GMT+7)
Nắng nóng kéo dài, mặn xâm nhập sâu khiến cho nhiều ao, hồ quy mô lớn ở miền Tây đồng loạt thiếu hụt nước trầm trọng.
Bình luận 0

Trưa nay (5.5), ông Nguyễn Hữu Hoài Phương - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang (KIWACO) thông tin với phóng viên Dân Việt, hồ chứa nước lớn nhất của công ty có dung tích 500.000 m3 đến hôm nay đã cạn, không thể lấy nước được.

img

Hôm nay, hồ chứa nước lớn nhất của Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang đã không thể lấy nước được.

Trước tình trạng trên, Công ty đã tiến hành khoan gấp mạch nước ngầm để bổ sung, đồng thời vận chuyển nước bằng sà lan từ các điểm có nước ngọt về đến Công ty (khoảng cách 15km). “Tình trạng trên đã làm cho Công ty giảm 35% công suất, tức chỉ hoạt động được 65% công suất. Tới đây, phía Công ty sẽ tìm mọi cách, cố gắng duy trì công suất hoạt động trên”, ông Phương nói.

Theo KIWACO, sở dĩ xảy ra tình trạng hồ chứa nước có quy mô lớn của Công ty cạn kiệt là do nước mặn xâm nhập quá sâu, không thể thu được nước ngọt về hồ. Việc giảm công suất nói trên đã khiến cho một số vùng xa trung tâm TP.Rạch Giá không có nước ngọt sử dụng.

img

Một số hồ nước ngọt trong Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng bị cạn nước, khiến cho việc phòng chống cháy rừng trở nên vô cùng khó khăn

Hiện hồ chứa nước ngọt nhỏ, dự trữ khoảng 50.000m3 nằm giữa trung tâm TP.Rạch Giá chỉ ưu tiên cung cấp cho các bệnh viện, trường học và khu vực hành chính. Để dự phòng trong tình huống thiếu hụt nước ngọt có thể xảy ra, KIWACO đang khoan thêm 2 giếng nước ngầm để hỗ trợ, bổ sung nguồn nước.

img

Ao Bà Om bị khô trơ đáy, đất nứt nẻ.

Tuy phía KIWACO thông tin cố gắng duy trì hoạt động 65% công suất nhưng trước thực trạng hồ chứa cạn kiệt, hạn hán và xâm nhập mặn được dự báo sẽ kéo dài nên hàng chục ngàn hộ dân TP.Rạch Giá đang “đứng ngồi không yên” vì lo sẽ không có nước ngọt sử dụng.

Cùng ngày, theo thông tin từ Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp, tỉnh hậu Giang) -  nơi được mệnh danh là “lá phổi xanh” của ĐBSCL cho biết, do nắng nóng kéo dài và do mặn xâm nhập nên trên 2.800ha diện tích trong khu bảo tồn gặp phải tình trạng “khát” nước nghiêm trọng.

“Khu bảo tồn có 9 hồ nước nước ngọt nhưng chỉ có 3 hồ còn nước. 3 hồ này được nạo vét trước đây có độ sâu khoảng 2m nhưng hiện chỉ còn khoảng gần 1,5m”, ông Lê Thanh Sơn - Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng cho biết.

Cũng theo Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng, việc các hồ chức nước bị cạn đã làm cho độ ẩm chân rừng không còn, gây khó khăn trong việc phòng cháy chữa cháy rừng (đang ở mức cảnh báo cháy ở cấp độ 4).

Cũng như 2 trường hợp trên, hiện nay, Ao Bà Om (TP.Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) - một thắng cảnh du lịch cấp Quốc gia vốn có diện tích mặt ao hơn 1.000 m² nay đã khô trơ đáy, đất nứt nẻ, sen trên chết còn cỏ dại thì bắt đầu mọc lên gây mất vẻ mỹ quan.

Theo người dân địa phương, trước đây, nước ngọt trong ao làm thoáng mát khung cảnh xung quanh nên được lựa chọn là nơi tổ chức các lễ hội hằng năm của đồng bào dân tộc Khmer như: Ok Om Bok, Chol Chnam Thmay, Sel Dolta,… Tuy nhiên, từ tháng 2 đến nay đã xảy ra tình trạng khô trơ đáy do khô hạn, không có nguồn nước ngọt thay thế…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem