Áp lực thi cử

Thứ năm, ngày 15/07/2010 12:57 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chỉ trong mấy ngày vừa qua, tại tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra hai trường hợp đau lòng: Hai em học sinh lớp 12, do bị áp lực thi cử quá nặng, lại làm bài thi đại học không được như ý, đã đi tới quyết định nông nổi là tự tử.
Bình luận 0

Trong phạm vi cả nước, những trường hợp như thế này cũng đã xảy ra đây đó. Và chỉ vì một nguyên nhân: Áp lực về thành tích học tập, áp lực thi cử. Năm nào vào mùa thi đại học, những vụ tự tử cũng xảy ra với các em học sinh. Nếu áp lực thi cử, áp lực thành tích học tập từ các em học sinh là một thì từ phụ huynh học sinh cha mẹ các em là mười. Và còn từ những nhìn nhận, đánh giá của cộng đồng, của xã hội nữa.

Một xã hội quá sùng bái thi cử, bằng cấp, thành tích đã đẻ ra bao nhiêu hệ lụy... đã quyết phải có cho bằng được, có bằng mọi giá thì sẽ sinh ra nạn chạy theo thành tích "ảo", nạn bằng thật học giả, nạn mua bán bằng cấp, và cuối cùng, đau đớn nhất là nạn tự tử vì tuyệt vọng khi không vượt lên được áp lực thi cử và thành tích. Đây là điều cảnh báo cả xã hội, cả cộng đồng chứ không riêng gì cho những gia đình có con em đang tuổi đi học, không riêng gì cho những phụ huynh học sinh quyết áp đặt "chỉ tiêu thành tích" cho con em mình với bất cứ giá nào. Cái giá cao nhất, đau đớn nhất mà gia đình phải nhận có thể vượt ngoài mọi tính toán.

Nhưng từ những "quyết tâm áp đặt" như thế từ phụ huynh, từ gia đình học sinh, lại phải thấy cái sai lầm của một xã hội chỉ chạy theo bằng cấp và thi cử. Đó không phải là một "xã hội học tập" như chúng ta thường nói, mà nó là kết quả của lối giáo dục chỉ vụ vào bằng cấp, thi cử, từ chương, hình thức, thiếu thực chất.

Càng dễ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học, và càng khó trong các kỳ thi đại học, thì những hiện tượng "ngủ gật" trong giờ thi diễn ra càng phổ biến. Nhưng với những học sinh khi đi thi đại học đã phải gánh một trọng trách quá lớn: Phải thi đỗ, trong khi thực học của các em chưa đủ hoặc kiến thức chưa nhuyễn để ứng phó thành công với các đề thi, thì chuyện thi không đạt kết quả như ý là dể hiểu. Nhưng cha mẹ các em, hàng xóm các em, người thân các em lại không chịu hiểu dễ dàng thế!

Và thế là những áp lực nhiều khi quá sức chịu đựng đã đổ xuống đầu các em, những học sinh chưa đủ bản lĩnh để đương đầu với áp lực. Với cách dạy và học nhồi nhét như hiện nay, thì khả năng để rèn luyện bản lĩnh và sự tỉnh táo cho học sinh là rất thấp. Khi các em phải chúi đầu học suốt ngày đêm, học thêm không giờ nghỉ, không thư giãn, thì làm sao các em có tâm lý vững vàng trước những áp lực quá gay gắt? Khi các em chỉ có một cửa: Phải thi đỗ đại học, thì làm sao những cánh cửa khác mở ra trước các em được?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem