Apple và bài toán chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam: Vấn đề không phải là tiền?

Ngọc Diệp Thứ ba, ngày 19/09/2023 13:30 PM (GMT+7)
Apple có quá nhiều lý do để họ phải phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất các sản phẩm công nghệ. Tuy nhiên loạt diễn biến gần đây đã khiến Apple phải nghiêm túc thực hiện dịch chuyển sản xuất sang các nước láng giềng.
Bình luận 0

Trung Quốc có gì để giữ chân Apple lâu đến như vậy?

Đầu tháng 11/2022, chỉ vài tuần trước mùa mua sắm cao điểm của toàn thế giới đồng thời là mùa bán hàng quan trọng của Apple, Apple đưa ra thông báo bất thường: khách hàng sẽ phải chờ thêm vài tuần mới có thể nhận được điện thoại iPhone 14 Pro.

Điều này là bởi một số cơ sở lắp ráp điện thoại iPhone tại thành phố Trịnh Châu – Trung Quốc phải hoạt động với công suất thấp hơn do các biện pháp kiểm soát COVID-19.

Đã nhiều năm nay, Apple phụ thuộc vào mạng lưới sản xuất lớn tại Trung Quốc nhằm sản xuất điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad và nhiều sản phẩm gia dụng phổ biến khác. Câu chuyện trên cho thấy sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc lớn đến mức thế nào.

Chính bởi những diễn biến bất thường đó mà công ty công nghệ hàng đầu thế giới này đã nhiều lần nhắc đến việc phải chuyển một phần sản xuất sang nước khác, tuy nhiên quá trình này được đánh giá sẽ mất nhiều năm.

Các chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán Wedbush Securities từng tính toán rằng sẽ cần phải chờ ít nhất đến năm 2025 và 2026 Apple mới có thể chuyển được phần lớn việc sản xuất điện thoại iPhone sang các thị trường như Ấn Độ hay Việt Nam, tuy nhiên điều này chỉ khả thi nếu hành động quyết liệt.

Giáo sư chuyên nghiên cứu về chuỗi cung ứng tại trường Wharton thuộc đại học University of Pennsylvania, ông Gad Allon, thậm chí còn có quan điểm thận trọng hơn: "Tôi không nghĩ chúng ta có thể chờ đợi về sự thay đổi nào thực sự rõ nét ngoại trừ việc vài phần trăm quy mô sản xuất của Apple chuyển sang nước khác trước năm 2025".

Apple và bài toán chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam: Vấn đề không phải là tiền? - Ảnh 1.

CEO Apple - ông Tim Cook tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc năm 2019 - Ảnh: CNN

Con số được nói đến sau đây sẽ cho thấy tầm quan trọng của Trung Quốc đối với Apple. Trước đại dịch COVID-19, và trước khi đợt bùng dịch vào tháng 10/2022 dẫn đến sự đóng cửa tạm thời của nhà máy tại Trịnh Châu – Trung Quốc, nhà máy này sản xuất ước tính khoảng 85% điện thoại iPhone Pro Max, tính toán của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint cho hay.

Giáo sư tại đại học Cornell chuyên nghiên cứu về lao động và phát triển tại Trung Quốc, ông Eli Friedman, trong khi đó khẳng định: "Apple sẽ không thể là Apple của ngày nay nếu không có hệ thống các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc. Chắc chắn sẽ vẫn còn các sản phẩm của Apple sản xuất tại Trung Quốc trong khoảng thời gian dài".

Có quá nhiều yếu tố khiến cho Apple rất cần Trung Quốc để có thể sản xuất được điện thoại iPhone. Chuyên gia chỉ ra rằng nó bao gồm nhiều yếu tố ví như nguồn cung linh kiện từ các nhà cung cấp ở gần, hạ tầng sản xuất đẳng cấp thế giới phát triển trên quy mô lớn, nguồn cung nhân lực có trình độ kỹ thuật tốt nhưng chi phí lại chỉ ở mức thấp.

Ngoài ra phải kể đến việc quỹ đất còn quá nhiều, đủ để xây dựng những thành phố nhà máy nơi hàng trăm nghìn công nhân có thể làm việc và bản thân doanh nghiệp cũng có thể mở rất nhiều cơ sở sản xuất khác nhau.

Cựu CEO của Apple, ông Steve Jobs, cũng từng nói đến vấn đề này trong cuộc họp vào tháng 10/2010 với cựu Tổng thống Obama. Ông đã chỉ trích hệ thống đào tạo của Mỹ tạo ra trở ngại cho Apple, bởi Apple không thể tuyển được nhân lực phù hợp. Ở thời điểm đó, Apple cần đến 30.000 kỹ sư công nghiệp để làm việc cho nhà máy của họ tại Mỹ.

Ông Jobs cũng nói thẳng về lý do khiến họ không thể chuyển được sản xuất về Mỹ: "Chúng tôi không thể tìm được đủ nhân lực như vậy. Nếu nước Mỹ có thể đào tạo được ngần đó kỹ sư, chúng tôi sẽ chuyển các nhà máy sản xuất về đây".

Chuyển sản xuất sang Việt Nam, Ấn Độ: Sự lèo lái giữa các mối quan hệ

Ngày 7/9/2023, báo chí thế giới đồng loạt giật tít: "Cú sốc" 200 tỷ USD mà Trung Quốc dành tặng cho Apple. Đó là khi giới chức Trung Quốc được loan tin cấm sử dụng điện thoại Apple trong các cơ quan nhà nước.

Mối quan hệ của Apple - Trung Quốc từ khi bắt đầu vào năm 2001 đến nay đã trải qua nhiều gập gềnh, sóng gió. 

Tháng 3/2023, CEO của Apple – ông Tim Cook là một trong những CEO doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên đến Bắc Kinh để gặp gỡ quan chức Trung Quốc sau khi các quy định hạn chế đi lại nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh được gỡ bỏ. Người đứng đầu Apple nói về việc Apple và Trung Quốc đã cùng nhau phát triển ra sao trong "mối quan hệ biểu tượng".

Sáu tháng sau, mối quan hệ đó hiện vẫn chịu nhiều áp lực. Apple hiện đang đương đầu với áp lực cạnh tranh mới tại một đất nước mà không chỉ là trung tâm sản xuất lớn mà còn là thị trường nước ngoài lớn nhất của hãng. Trung Quốc đóng góp khoảng gần 20% vào tổng doanh thu của Apple trong quý gần nhất.

Trong tháng này, nhiều nhà đầu tư đã bán mạnh cổ phiếu Apple khiến cho giá trị vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này giảm gần 200 tỷ USD. Lý do chính đằng sau những đợt bán là bởi khá nhiều cơ quan chính phủ của Trung Quốc đã áp dụng quy định cấm sử dụng sản phẩm của Apple tại nhiều bộ ban ngành cũng như doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày thứ Tư vừa rồi phủ nhận bất kỳ tuyên bố chính thức nào liên quan đến việc này, tuy nhiên lại nói bóng gió đến các vụ việc liên quan đến an ninh và yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất điện thoại thông minh tuân thủ pháp luật.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết nước Mỹ đang theo sát tình hình, đồng thời nói thêm rằng động thái từ phía Trung Quốc có thể coi như hành động đáp trả phía Mỹ khi mà căng thẳng giữa hai cường quốc này đang leo thang, Apple từ chối bình luận.

Cho đến nay, Apple vẫn giữ được vị thế khá tốt tại Trung Quốc, tránh được việc rơi vào tình cảnh tệ hại như Google, Meta, Twitter hay Micron khi mà các sản phẩm của nhóm doanh nghiệp này bị hạn chế hoặc thậm chí cấm hoàn toàn.

Apple và bài toán chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam: Vấn đề không phải là tiền? - Ảnh 2.

Cửa hàng bán lẻ sản phẩm của Apple tại thành phố Vũ Hán - Trung Quốc. Ảnh: CNN

Ông Cook đã đảm nhiệm vị trí CEO của Apple từ năm 2011, ông được mệnh danh là "kiến trúc sư" đằng sau kế hoạch dịch chuyển sản xuất sang Trung Quốc. Từ năm 1998, cựu CEO Steve Jobs đã tuyển ông Steve Jobs vào vị trí điều hành hoạt động của Apple trên toàn cầu.

Dưới thời của ông Cook, sau nhiều năm đầu tư, quảng bá và thực thi chính sách ngoại giao doanh nghiệp hiệu quả, Apple đã xây dựng được căn cứ sản xuất rất mạnh, cùng lúc đó, có được lợi nhuận từ Trung Quốc cao hơn bất kỳ doanh nghiệp phương Tây hoặc Trung Quốc nào khác.

Chuyên gia tư vấn cao cấp tại tổ chức Albright Stonebridge, ông Paul Triolo, cho rằng Apple đã đầu tư rất nhiều vào quan hệ với chính quyền trung ương cũng như địa phương, đặc biệt ở Trịnh Châu nơi mà Apple có quan hệ đối tác với Foxconn và tạo ra hàng trăm nghìn việc làm. Ông cũng khẳng định Apple rất cẩn trọng tuân thủ pháp luật địa phương.

Cũng với những nỗi lo về khả năng các sản phẩm của Apple bị hạn chế sử dụng, Apple không khỏi lo lắng với rủi ro từ việc Huawei công bố điện thoại mới có khả năng cạnh tranh trực tiếp với các dòng điện thoại cao cấp của Apple.

Điện thoại Mate 60 Pro đã bán sạch bởi tâm lý yêu nước của người Trung Quốc dâng cao, nhiều chuyên gia công bố điện thoại này sử dụng chip cao cấp của Trung Quốc. Trước đây từng có thời điểm mà các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống lại Huawei đã giúp cho điện thoại Apple thống trị về doanh số trong các dòng điện thoại thông minh cao cấp tại Trung Quốc.

Sau khi Apple ra mắt điện thoại iPhone 15, cổ phiếu Apple hạ sâu hơn, các chuyên gia ngành khẳng định rằng việc cổ phiếu giảm trong thời gian gần đây có nguyên nhân trực tiếp từ những diễn biến liên quan đến Trung Quốc.

Giám đốc tại quỹ Deepwater Asset Management, ông Gene Munster, khẳng định trong kịch bản tệ hại nhất, quy định cấm của chính phủ Trung Quốc sẽ khiến cho doanh số bán điện thoại iPhone giảm khoảng 2% và doanh thu nói chung giảm ước tính khoảng 1% trong năm 2024. Trước đây, Financial Times đưa tin rằng các biện pháp yêu cầu người làm việc trong các cơ quan chính phủ Trung Quốc không sử dụng điện thoại iPhone thực chất đã được áp dụng vài năm.

Phía Trung Quốc cũng có lý do riêng để không hành động quá mạnh tay. "Bắc Kinh sẽ rất ngại phải hành động mạnh tay hơn để làm ảnh hưởng, suy yếu vị thế của Apple tại Trung Quốc bởi điều này sẽ gây ra tác động tiêu cực lên môi trường kinh doanh nói chung", ông Triolo phân tích.

Cũng theo ông Triolo, mối quan hệ Apple – Trung Quốc cho đến nay vốn là có lợi cho cả đôi bên. Apple đã giúp nâng cấp tiêu chuẩn và quy trình sản xuất tại Trung Quốc, cùng lúc đó vẫn bảo vệ được bản quyền trí tuệ thông qua việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo rằng không có nhà cung cấp nào sao chép được sản phẩm của hãng.

CEO Tim Cook đương đầu với "bài toán khó" khi muốn đa dạng địa điểm sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc nhưng cùng lúc đó vẫn duy trì mối quan hệ khăng khít với Bắc Kinh, theo khẳng định của một cựu điều hành cao cấp tại Foxconn, công ty Đài Loan lắp ráp phần lớn điện thoại iPhone tại Trung Quốc.

Apple hiện đang có 14.000 nhân viên trực tiếp tại Trung Quốc, tuy nhiên các chuyên gia ước tính rằng Apple đang liên quan đến việc làm của khoảng 1,5 triệu người tại đất nước này. Khi quan hệ Mỹ - Trung Quốc căng thẳng, Apple đã bắt đầu dịch chuyển một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ.

Trong bối cảnh này, các chuyên gia nói rằng Bắc Kinh sẽ muốn hỗ trợ những lựa chọn của người Trung Quốc thay thế cho Apple ví như Huawei. Huawei từng là hãng sản xuất điện thoại bán chạy nhất thế giới trước khi các quy định trừng phạt của Mỹ hạn chế hãng tiếp cận với một số loại linh kiện nhất định chính vì vậy hãng chịu hạn chế trong việc sản xuất và bán các sản phẩm điện thoại 5G.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem